Cậu bé khuyết tật bị bỏ rơi nơi cửa Phật thành ông chủ thành đạt

Chủ nhật - 30/11/2014 19:52
Với anh Lê Hồng Phúc (SN 1982, ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), được vào chùa là một sự may mắn. Bởi như anh nghĩ: "Nếu không bị bỏ rơi chắc tôi không có cơ hội học hết cấp 3 và đi làm việc mình thích như ngày hôm nay. Có lẽ nếu ở bên ba mẹ tôi cũng chỉ học hết lớp 5 như các chị thôi. Với tôi như vậy là may mắn lắm rồi. Tôi biết ơn các sư phụ nhiều lắm".
Anh Phúc kể về chuyện đời mình.
Anh Phúc kể về chuyện đời mình.
Từng phải bươn chải kiếm sống từng bữa, cho đến nay anh Phúc đã tự mở cho mình một cơ sở sản xuất và kinh doanh được nhiều người biết đến.

Cơ duyên với nhà chùa

Với dáng người nhỏ thó, khuôn mặt điềm đạm,  anh Lê Hồng Phúc kể về cuộc sống mà mình đã từng trải cho chúng tôi nghe. Anh Phúc là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh chị em. Từ lúc nhỏ, Phúc bị khuyết tật ở lưng nên gia đình quyết định gửi cho nhà chùa để con mình có cuộc sống tốt hơn. Vừa lên 6 tuổi, cậu bé phải xa ba mẹ để hòa nhập vào môi trường sống mới.

Ngôi nhà chung mà cậu được gia nhập đó chính là chùa Diệu Giác (quận 2, TP.HCM). Đây là nơi lưu lại những kỷ niệm về một thời tuổi thơ mà anh đã được nhà chùa nuôi nấng dạy bảo cho đến khi trưởng thành. Từ một đứa trẻ không có người thân bên cạnh, lại chịu những cơn đau nhức khi trái gió trở trời, ngày nay anh đã tự hào rằng mình vẫn luôn vươn lên sống hết mình để mang lại hạnh phúc cho bản thân mình và những người xung quanh.

Nhớ chuyện cũ, anh Phúc kể: "Cuộc đời tôi không được may mắn ngay từ nhỏ. Hồi còn nhỏ, ba mẹ đi làm rẫy nên giao cho chị hai ở nhà trông em. Vì chị cũng còn nhỏ tuổi nên sức khỏe yếu, không giữ nổi em. Mới mấy tháng tuổi, tôi đã bị ngã lên ngã xuống mấy lần.

Chị hai sợ ba mẹ la nên không dám kể lại sự việc cho ba mẹ nghe, hai năm sau, khi ba mẹ phát hiện xương sống của tôi có vấn đề cong vẹo không bình thường. Lúc này, tôi được ba mẹ đưa lên bệnh viện Nhi đồng 2 khám. Bác sỹ yêu cầu phải phẫu thuật chỉnh xương, nhưng ba mẹ lại không có tiền. Thế rồi họ đưa tôi về nhà chờ tới lúc nào có tiền mới đi bệnh viện".

Mãi cho tới năm 6 tuổi, khi ba mẹ Phúc làm để  dành được một ít tiền đưa Phúc lên bệnh viện Nhi đồng 2 để phẫu thuật cột sống thì các bác sỹ cho biết không thể tiến hành phẫu thuật được nữa vì tuổi của cậu đã lớn. Ca phẫu thuật này chỉ thực hiện được hồi bệnh nhân còn bé. Hy vọng chữa bệnh cho con bao nhiêu năm nay của ba mẹ Phúc đã phụt tắt. Cũng chỉ vì lo kiếm tiền chữa bệnh cho Phúc mà hai chị gái Phúc phải bỏ học giữa chừng khi mới lên lớp 5. Khi nghe tin không chữa bệnh cho Phúc được, ba mẹ cậu rất đau lòng.

Nghĩ đến cảnh con mình vừa khuyết tật lại thiếu ăn thiếu mặc, ba mẹ cậu lựa chọn cách tốt nhất cho con là gửi Phúc vào nhà chùa. Dù sao nương nhờ cửa Phật cũng là một cách để giúp con mình tự tin vươn lên để sống tốt hơn. Rời gia đình vào chùa ở, thời gian đầu, một đứa trẻ mới lớn như Phúc cảm thấy như bị lạc loài giữa chốn xa lạ. Cảm giác nhớ nhà, thèm được sự quan tâm, gần gũi của người thân  cứ như trào dâng lên  trong Phúc. Biết hoàn cảnh như vậy, cậu bé lúc nào cũng tự nhủ sẽ cố gắng học tập tu dưỡng để trở thành người có ích cho đời.

Sống cùng các ni cô, sư phụ trong chùa, Phúc vừa học vừa giúp việc cho nhà chùa. Sau khi học xong cấp 3, Phúc tự đi làm thêm để trang trải cuộc sống và xin học nghề thiết kế đồ họa. Cậu làm thêm nhiều việc như bảo vệ, phục vụ...  để có thêm chi phí học hành.

Phúc kể: "Những trẻ sống trong nhà chùa thì đến năm 18 tuổi tất cả phải biết tự lập vì lúc đó các em đã đủ lông đủ cánh để có thể tự nuôi sống mình. Vì là người bị khuyết tật nên mình thường bị người ta đối xử rất bạc nhược. Có khi mình làm bảo vệ cho một cửa hàng, đến bữa ăn cơm, nhà chủ cho mình ngồi ăn riêng, còn họ ngồi riêng, những thức ăn dư thừa họ đều đưa lại cho mình.

Thực sự những lúc như vậy, mình cảm thấy bị xúc phạm. Cũng là con người với nhau, nhưng họ lại bạc bẽo với người khuyết tật như vậy đó. Nhưng cũng nhờ những cú sốc như vậy, mình mới có cơ hội để khẳng định mình, và điều quan trọng là có động lực để quyết tâm thay đổi bản thân mình hơn".

Ông chủ thành đạt

Mặc dù học ngành thiết kế đồ họa, Phúc từng làm việc nhiều nơi, năm 2001, cậu từng làm việc cho bộ phận kỹ thuật Đài truyền hình Việt Nam tại Hà Nội. Nhưng điều trăn trở trong lòng chàng thanh niên ở mảnh đất xa lạ này đó chính là vấn đề về cuộc sống lâu dài.

Phúc cho biết: "Những người khuyết tật như mình mà có công việc ổn định là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng tôi ước mơ từ nhỏ là muốn làm ông chủ. Bây giờ, tôi lại làm công ăn lương thì không biết đến bao giờ ước mơ của mình mới thành hiện thực".

Mới làm được nửa năm, Phúc lại khăn gói vào Sài Gòn để được làm công việc mà mình dự định. Sau lần đó, Phúc về quê người dì tại TP. Đà Nẵng chơi. Nhân dịp này, Phúc được người dì truyền bí quyết nghề chế biến rong biển để mở rộng thị trường tại TP.HCM. Nguyên liệu sẽ được dì và người quen cung cấp từ TP. Đà Nẵng gửi vào Nam chế biến và bán cho khách hàng. Hơn nữa rong biển lại được người dân các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... dùng rất nhiều. Đây là sản phẩm mới lạ cho người Việt nên anh muốn dùng sản phẩm này để kinh doanh.

Hiện anh Phúc dự định sẽ đổi tên cơ sở sản xuất rong biển Tâm An Phúc thành công ty Trách nhiệm hữu hạn Tâm An Phúc trong vài tháng tới. Phúc bày tỏ quan điểm kinh doanh: "Thực ra Phúc muốn sản phẩm của mình phát triển rộng hơn nữa thì mới mở công ty. Tuy nhiên khi công việc phát triển nhanh, sắp tới Phúc sẽ thành lập công ty và thuê nhân viên để mình đỡ vất vả hơn. Phúc thấy rất hài lòng về công việc của mình. Dù sao đó cũng là đam mê và ước mơ bấy lâu của mình.

Hiện cơ sở của Phúc chỉ rộng khoảng 50m2, và chỉ có vài nhân viên đảm trách nên công việc hằng ngày rất áp lực. Ước mơ phát triển thành một công ty vẫn luôn cháy bỏng. Và có lẽ nó sẽ thành hiện thực, bởi bây giờ khách hàng đã biết đến sản phẩm và tin tưởng dùng nó rất nhiều.

"Theo mình, làm ăn cần phải có uy  tín và được khách hàng tin tưởng thì mới quan trọng. Chứ không phải  cứ mở công ty thật lớn rồi làm ăn phi pháp để thu lợi nhuận là điều không tốt", Phúc chia sẻ.

Từng được tham gia nhiều chương trình truyền thông như Ước mơ xanh trên Đài truyền hình Việt Nam, gương vượt khó trên một số báo, nhưng Phúc vẫn băn khoăn về câu hỏi nhiều người đã dành cho mình. Khi được hỏi: "Anh nghĩ gì về gia đình khi đã bỏ rơi mình?"  Phúc  thẳng thắn  cho biết, anh không hề có suy nghĩ gì tiêu cực từ gia đình. Sau khi đi làm anh đã liên hệ về gia đình và hỏi thăm ba mẹ.

Với anh được vào chùa là một sự may mắn. Bởi như anh nghĩ: "Nếu không bị bỏ rơi chắc tôi không có cơ hội học hết cấp 3 và đi làm việc mình thích như ngày hôm nay. Có lẽ nếu ở bên ba mẹ tôi cũng chỉ học hết lớp 5 như các chị  thôi. Với tôi như vậy là may mắn lắm rồi. Tôi  biết ơn các sư phụ  nhiều lắm".

Phúc lập cho mình một trang web riêng để quảng bá sản phẩm rong  biển mà mình chế biến.  Bằng cách này, chỉ hai năm sau, Phúc mua đất rồi làm nhà tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Cơ sở sản xuất rong biển của Phúc cũng được mở rộng hơn. Mạng lưới khách hàng cũng  từ đó phát triển hơn. Sản phẩm của Phúc được người tiêu dùng tìm đến ngày càng nhiều bởi chất lượng.

Nguồn tin: Nguoiduatin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây