Lễ hội Vu lan và đại lễ báo Hiếu, báo Ân

Thứ năm - 22/01/2009 23:33
Hằng năm, cứ vào tháng bảy âm lịch, các Phật tử và người dân trong cả nước lại cùng nhau giúp nghèo, cứu thiếu, thương nuôi quần sinh, dâng lễ hương hoa mừng đại lễ báo Hiếu báo ân - Lễ hội Vu lan. Cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó ban thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, về đại lễ Vu lan và đạo Hiếu trong Phật giáo với đời sống của người Việt sẽ giúp bạn đọc có thêm cái nhìn sâu sắc hơn về lễ hội này.

Phóng viên (P.V): Thưa T.T Thích Bảo Nghiêm, xin Thầy cho biết về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Vu lan rằm tháng bảy?

 

T.T Thích Bảo Nghiêm: Đại lễ Vu lan xuất phát từ thời Đức Phật, trong bộ Mục Kiền Liên sám phát kể lại câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên, là một trong 10 thánh đại đệ tử của Đức Phật. Sau khi tu hành đắc đạo, chứng thánh, Mục Kiền Liên muốn báo ơn mẹ, liền tìm mẹ ở khắp các cung trời, chốn địa ngục mà không thấy mẹ đâu.

 

Ngài liền về bạch lại với Đức Phật, thì Đức Phật cho biết, khi còn sống mẹ Mục Kiền Liên đã làm nhiều điều ác nên bị đọa xuống ngục A tì. Mục Kiền Liên xin Đức Phật chỉ bày cho cách cứu mẹ khỏi kiếp nạn.

 

Đức Phật nói, vào ngày 15-7, là thời điểm kết thúc 3 tháng hạ an cư của Chư tăng, khi Chư tăng đã tiến tu được nhiều đạo lực, mới chú nguyện để mẹ Mục Kiền Liên thoát khỏi địa ngục. Mục Kiền Liên làm theo, sắm đủ cơm nước, quần áo, giường tòa và thuốc thang thành tâm làm lễ. Cuối cùng mẹ ông đã được sinh về cõi Trời Đao Lợi. Cũng kể từ đó, ngài Mục Kiền Liên xin phép Đức Phật lấy ngày 15-7 làm ngày đại lễ báo Hiếu.

 

Kể từ đó, tất cả các Phật tử lấy ngày này làm đại lễ báo Hiếu, báo Ân để ghi nhớ công ơn của cha mẹ, tổ tiên, những người khai quốc, giữ nước, ơn sâu của những người đã dạy bảo, chở che, rồi mở rộng ra để báo đền ân nghĩa của nhân dân, đồng bào, những anh hùng liệt sĩ…

 

 Đặc biệt hơn, người Việt ta lấy ngày này là ngày lễ xá tội vong nhân, không chỉ thờ cúng vong hồn của cha mẹ tổ tiên mà cả những người bơ vơ, không nơi thờ tự.

 

Người Việt Nam đã chuyển tải giáo lý nhà Phật để không chỉ nhớ, nghĩ tới người quá cố mà thiên về những người còn sống, cha mẹ, người thân hiện tại của ta. Ngày lễ Vu lan đã trở thành ngày đại lễ của cả dân tộc Việt Nam ta.

 

P.V:Thưa Thầy, xưa kia Mạnh Tử cho rằng: Bất Hiếu có ba, không người nối dõi là lớn nhất. Vậy trong xã hội hiện nay, có nên quan niệm sự hiếu đễ là phải có nối dõi về mặt sinh học (có con trai) hay nên coi trọng việc nối tiếp về chân lý, lẽ sống, đạo đức… mà cha mẹ, tổ tiên đã dày công vun đắp, tạo dựng?

 

T.T Thích Bảo Nghiêm: Chúng ta không nên giữ quan niệm phải có con trai mới là có nối dõi. Tất cả chúng ta, dù là con trai hay con gái đều mang trong mình dòng máu của mẹ, của cha. Dù chúng ta là con trai hay con gái đều có quyền và trách nhiệm báo hiếu với cha mẹ, phải kế nghiệp, gìn giữ và bồi đắp thêm tài sản vật chất và đạo đức mà cha mẹ đã để lại. Kinh Phật nói rằng, chúng ta phải có trách nhiệm “vun bồi cỗi gốc”, tô thắm truyền thống của tổ tiên, gia đình.

 

Phật không quan niệm con trai hay con gái, miễn sao đừng làm bại hoại thanh danh, sự nghiệp của mẹ cha, mà hãy tô thắm để sự nghiệp đó được nối tiếp, vẻ vang, làm như  thế thì lúc nào ta cũng có cha mẹ ở bên mình, ta mới thực sự là người truyền tiếp nguồn mạch của tổ tiên.

 

 

P.V:Thưa Thầy, Đức Phật dạy rằng, con người thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ phải đúng chính pháp. Xin Thầy nói rõ hơn về vấn đề này?

 

T.T Thích Bảo Nghiêm:  Con cái phải hiếu kính với cha mẹ, vâng lời cha mẹ, thay cha mẹ làm những công việc mệt nhọc để cha mẹ được nghỉ ngơi lúc tuổi già, động viên cha mẹ hằng ngày để cha mẹ được vui lòng và đặc biệt là phải săn sóc cha mẹ khi đau ốm. Nhưng Phật cũng dạy rằng, con người phải làm ăn sinh sống bằng chính năng lực của mình, thuận theo lương tâm, không làm điều phi pháp để làm tổn hại đến thanh danh cha mẹ, tổn hại đến truyền thống dòng họ tổ tiên. Thật buồn là có không ít người lấy cả cha  mẹ mình ra để kinh doanh lúc đau ốm và cả khi đã  mất.  

 

Lòng hiếu kính không gì đẹp bằng làm đúng lương tâm, đúng pháp luật, đem đồng tiền chân chính do chính mồ hôi công sức của mình làm ra biếu cha, biếu mẹ thì dù ít cũng làm cha mẹ vui vẻ, thảnh thơi. Còn những đồng tiền bẩn, do làm ăn phi pháp mà có dâng biếu cha mẹ mà khiến cha mẹ phải suy nghĩ, lo lắng. Như thế, khác nào chúng ta làm đau lòng mẹ cha.

 

P.V: Ngược lại, các bậc làm cha làm mẹ cũng phải làm tròn bổn phận của mình, không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng mà quan trọng nhất là phải dạy bảo con cháu nên người. Thầy có quan điểm gì về vấn đề này?

 

T.T Thích Bảo Nghiêm:  Cha mẹ phải có bổn phận, thiên chức nuôi dạy con cái nên người, đó là lẽ tất nhiên. Cha mẹ đừng vì quá mải mê kiếm tiền mà quên trách nhiệm ở bên con cái, chỉ bảo dạy dỗ chúng đến nơi đến chốn.

Quan niệm của đạo Phật là  nên biết đủ (tri túc), phải biết dừng ở chừng mực nhất định để nuôi dạy con cái. Đức Phật cũng dạy rằng, làm cha làm mẹ phải dạy bảo, hướng cho con học hành từ nhỏ, khi lớn lên phải hướng cho con nghề nghiệp tốt và phải tìm nơi xứng đáng để dựng vợ gả chồng cho con.  

 

Dù con đã khôn lớn rồi, nhưng lúc nào cũng có ánh mắt mẹ cha dõi theo từng bước đường con đi. Sự gương mẫu của cha mẹ trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Các con nhìn gương cha mẹ để sống, cha mẹ yêu thương nhau, tất con cái cũng biết đùm bọc, yêu quí nhau. Những gia đình cha mẹ ít cảm thông, chia sẻ cho nhau thì tình yêu thương cũng dần dần phai nhạt. Ngày nay, con cái hư hỏng phần lớn rơi vào những gia đình giàu có, chỉ lo kiếm tiền, mà ít quan tâm dạy bảo con cái.

 

 

P.V:Thưa Thầy, trong một xã hội mà nhịp sống gấp gáp, bận rộn luôn đòi hỏi con người phải cống hiến hết mình, làm việc hết mình thì phải làm gì để giữ gìn đạo Hiếu, hài hòa với cuộc sống?

 

T.T Thích Bảo Nghiêm:  Đúng là cuộc sống hôm nay đòi hỏi con người phải dành nhiều trí tuệ, tâm sức cho công việc, nhưng như tôi nói ở trên, chúng ta nên biết điểm dừng, biết chữ đủ, đừng để guồng máy danh lợi cuốn hút đến quên đi tất cả. Tất nhiên, với những công việc đại sự, chúng ta vẫn phải dành toàn bộ tâm sức, cha mẹ biết vậy cũng luôn vui lòng. Trong các nghi thức cúng lễ, hiếu hỷ cũng không nên rườm rà, cốt sao lòng thành tâm báo đáp.

Đơn giản như ngày giỗ ông bà, nên chăng cả gia đình tụ họp đông đủ, cùng đến bên ban thờ dâng nén hương rồi người lớn nhất trong gia đình sẽ ôn lại cuộc đời và công ơn của người  đã khuất cho toàn thể con cháu cùng nghe. Như thế con cháu mới ghi nhớ, và được tiếp thêm nguồn lực của tổ tiên ông bà, để làm rạng danh truyền thống đó.

 

P.V:Xin trân trọng cảm ơn Thầy!

Nguồn tin: www.tuoitrephatgiao.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây