Người trí thức trẻ miệt mài gieo việc thiện

Thứ hai - 25/09/2017 02:50
Đó là ThS.Lê Minh Huân - cố vấn chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ tâm lý và Giáo dục kỹ năng sống Hạt Mầm Lam, chuyên viên tư vấn Tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM).
Thạc sĩ Lê Minh Huân chia sẻ kỹ năng cho học sinh - Ảnh: Nguyễn Lâm
Thạc sĩ Lê Minh Huân chia sẻ kỹ năng cho học sinh - Ảnh: Nguyễn Lâm
Huân sinh năm 1989, anh cho biết có duyên với công việc tư vấn phòng tránh xâm hại trẻ em và gắn bó hơn 2 năm nay, ngoài ra, anh còn tham gia chia sẻ kỹ năng ở một số khóa tu dành cho người trẻ ở chùa.

Thực ra, “mộng” của ThS.Huân là được làm giáo viên dạy Văn, bởi ngay từ nhỏ, anh đã thích chia sẻ kiến thức mình hiểu với bạn bè, em nhỏ. Lớn một chút lại thấy yêu sự giàu đẹp của tiếng Việt, nhưng... không đủ duyên với nghề, do năm đầu không đỗ vào Đại học Sư phạm TP.HCM ngành Văn, đủ điểm vào một số ngành và trường khác nhưng học phí quá cao. Thương mẹ ở nhà vất vả - người mẹ mà theo anh là “rất cừ”, đã nuôi trên 10 người con trưởng thành bằng nghề nông ở đất Bình Thuận - nên anh quyết định thi lại lần 2 vào sư phạm. Năm thứ 2 vẫn không vào được ngành Văn mà mình thích nhất nhưng đủ điểm vào vài ngành khác, Huân chọn sư phạm Tâm lý - Giáo dục cũng là ngành thú vị mà anh khá yêu thích.

Câu chuyện dở dang ước nguyện, theo Huân, là cái duyên để anh làm công việc hiện tại. Anh cảm thấy mình có vẻ phù hợp hơn với nghề chia sẻ kỹ năng, tư vấn tâm lý cho người khác.

Trong quá trình học, vì thương mẹ, vì luôn ý thức được giá trị của kiến thức cùng các kỹ năng khác cần thiết cho chính mình nên Huân miệt mài tích lũy, từ viết sách, báo tới gia sư… Tất cả đều là công việc không chỉ để kiếm cơm phụ mẹ mà là cơ hội để Huân trau dồi bản thân.

Chính vì vậy, từ một người khá trẻ, Huân đã dần được biết đến trong vai trò “chuyên gia tâm lý”. Huân đặc biệt hướng đến đối tượng tuổi nhi đồng và vị thành niên, còn ngồi ở ghế nhà trường để chia sẻ với những mảng đề tài nhạy cảm như chống xâm hại trẻ em.

Huân bày tỏ: “Giúp cho phụ huynh, học sinh hiểu về xâm hại, cách phòng chống hoặc vượt qua nếu chẳng may rơi vào tình huống bị xâm hại cũng là công việc lành”. Phóng viên nói, chọn nghề lành để làm là đúng theo tinh thần “chánh nghiệp” của nhà Phật. Anh bảo - chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình nỗ lực hết mình, góp thêm được tiếng nói bảo vệ an toàn cho trẻ em trước thực trạng quá đau lòng hiện nay với số vụ xâm hại trẻ em gần như san sát nhau là đã cảm thấy an yên trong lòng hơn rồi.

Những con số mà ThS.Lê Minh Huân dẫn cho chúng tôi xem, rồi kết luận là “quá xót xa” chính là: cứ 4 bé gái thì có một bé bị xâm hại, 6 bé trai thì có một bé bị xâm hại (theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em - NSPCC); 5.300 là thống kê sơ bộ về số trẻ bị xâm hại từ 2011-2015, thậm chí có tổ chức còn thống kê được mỗi năm số trẻ bị xâm hại có thể rơi vào khoảng 2.000-2.500… (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội). Hay có 8/10 đứa trẻ bị xâm hại tình dục biết thủ phạm là ai nhưng 3/4 số trẻ bị xâm hại tình dục không nói cho bất kỳ ai và nhiều người trong số họ giữ bí mật đó cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay (tổ chức Parents Protect - Anh quốc).

Trước thực trạng đó, ThS.Huân chia sẻ: “Khi đứng lớp, tôi dạy trẻ phân biệt khá kỹ hai loại đụng chạm: an toàn (được cha mẹ và con đồng ý, khiến con dễ chịu, vui vẻ) và không an toàn (cha mẹ và con không đồng ý, khiến con cảm thấy khó chịu, khó hiểu, sợ, đau…). Với đụng chạm không an toàn, trẻ cần phản ứng để phòng vệ vì đây là con đường ngắn nhất có nguy cơ dẫn đến nạn xâm hại”.

Theo ThS.Lê Minh Huân: “Hãy để tâm đến từng câu chuyện, lời nói, cảm xúc mà trẻ thể hiện, đó là mấu chốt quan trọng để nắm bắt tâm lý con trẻ. Nếu làm được vậy, đứa trẻ sẽ có lòng tin về người lớn, sẽ sẵn sàng chia sẻ những điều thầm kín về mối quan hệ của chúng và rất nhiều điều khác”.

Ngoài chia sẻ các kỹ năng chung, anh còn nhiệt tình tư vấn cho những ai cần tâm tình qua phương tiện Facebook hoặc luôn sẵn lòng nêu góc nhìn khi phóng viên các báo hỏi về các kỹ năng sống. Bởi, với thầy giáo trẻ này, làm được gì thì ráng làm, làm gì cũng nghiêm túc thì chắc chắn sẽ đem lại niềm vui cho mình, cho người.

Với những khóa tu ở chùa, có nhiều khóa ở nơi rất xa, thuộc miền Tây hay ra tận Huế cũng được Huân đặt chân tới chia sẻ, nhiệt thành nói về những kỹ năng vượt qua khó khăn, thất bại...  Anh cũng là một Phật tử thuần thành, trong một gia đình mà mẹ và anh em rất thích đi chùa, giúp người khác kệ kinh, năng làm từ thiện. Vì thế, ThS.Lê Minh Huân nói, luôn hoan hỷ với những lời mời từ nhà chùa nếu có các khóa tu dành cho người trẻ...

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây