Niềm tin không phai nhạt!

Thứ tư - 23/01/2013 03:43
Người Việt Nam có tinh thần lạc quan, dẫu trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Trong đa số người Việt ấy lại được ảnh hưởng bởi văn hóa, giáo lý đạo Phật về nhân quả, vô thường… nên càng vững tin, càng biết làm mới và xốc dậy niềm lạc quan, nhất là trong những thời khắc đầu năm, Tết đang gần kề!

Dẫu cuộc đời còn những “chấm đen”

Báo chí những tháng cuối năm lao xao chuyện cướp giật hoành hành giữa phố, cái ác lộng hành giữa ban ngày và con người thì vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, biểu hiện bằng sự vô cảm, thờ ơ hoặc làm ngơ vì sợ liên lụy...

Không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ (với những vụ xả súng liên tiếp, ngay cả vào chốn học đường gây chết hàng chục người) đến Ấn Độ, nơi xuất phát ra nhiều đạo giáo, trong đó có đạo Phật cũng đang xuống cấp về đạo đức với vụ hiếp dâm tập thể gây chết người, tạo ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng thế giới…


Cuộc đời dẫu có chấm đen nhưng điểm sáng
trong tâm hồn người vẫn chưa bao giờ lụi tắt - Ảnh minh họa của Vũ Giang

Ở Mỹ, Âu châu, Nhật Bản… là những trụ cột kinh tế thế giới cũng lao đao vì sự khủng hoảng kinh tế, tài chính. Câu chuyện “vách đá tài khóa” ở Mỹ, hay nợ xấu ở các nước Liên minh châu Âu (EU) trở thành điểm nóng thời sự kinh tế-chính trị toàn cầu. Tranh chấp lãnh thổ trên biển và đất liền có những diễn biến phức tạp và cuộc chạy đua vũ trang của các nước đang trở thành mối lo cho những người dân về nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra, chết chóc, tang thương chắc chắn đi kèm.

Những ai yêu chuộng hòa bình, luôn mong ước tự do, an lạc cho mình và người trên toàn thế giới đều không muốn có súng nổ, có những cuộc đụng độ dẫn tới máu chảy, mất mát mạng người. Nhưng, ước mong và lời nguyện cầu nhân văn ấy đôi khi trở nên bất lực trước những thế lực háo chiến, muốn bành trướng, không tôn trọng luật pháp, công ước quốc tế… vẫn được nhắc đến như một “điểm đen” của nhân loại trong bất kỳ thời đại nào.

Và, thiên tai với nguyên nhân được xác định là do con người tham lam quá độ, bất chấp tất cả đã tạo ra biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt… trở thành nỗi ám ảnh không của riêng ai, trong đó có Việt Nam, một nước thường có thiên tai, lũ lụt.

Những cái chung trong cái riêng của một đất nước tương đối ổn định nhưng vẫn còn những “nỗi niềm” khó đỡ và khó gỡ từ những dư luận về lợi ích nhóm, câu kết chi phối cơ quan công quyền, làm lòng dân bất an.

Nhưng không thiếu màu hồng hi vọng

Hy vọng vào lòng tốt của con người, nói theo dân gian là “lương tâm” và theo quan điểm nhà Phật là Phật tánh vẫn hiện diện trong tâm mỗi người. Niềm tin ấy không phải là mù quáng mà có cơ sở bởi bên cạnh “cái ác lộng hành” thì vẫn có những “Lục Vân Tiên thời hiện đại” với danh hiệu được công luận trao tặng là “hiệp sĩ”, sẵn sàng đứng ra bảo vệ người cô thế, chống lại hành động xấu ác.

Dẫu “hiệp sĩ” không nhiều giữa những ô hợp, vô cảm của số đông nhưng ngọn lửa từ họ đủ sưởi ấm lại lòng người tưởng chừng bị khô héo, chết ngắt rung cảm và lòng trắc ẩn.

Câu chuyện chàng sinh viên tên Linh (năm 4 Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) giúp người bị nạn rồi bị nhóm côn đồ hành hung đến chết trong những ngày cuối năm 2012 dẫu không có hậu đối với gia đình nạn nhân nhưng nó đã làm bật lên ngọn lửa đối với những người có trách nhiệm bảo vệ an toàn, an ninh cho công dân nước mình.

Chính vì tấm gương của Linh và nhiều người, cũng như từ thực tế an ninh bất ổn đang diễn ra đó đây mà TP.HCM đã chỉ đạo phải ra quân truy quét tội phạm cướp giật, sáng kiến phối hợp các lực lượng công an, an ninh, kêu gọi nhân dân cùng tham gia trong cuộc đấu tranh này. Niềm tin của người dân nhanh chóng được lấy lại từ sự quyết liệt đó của nhà chức trách.

Cũng vậy, việc nữ sinh viên bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở Ấn Độ đã đánh thức lương tri của nhiều cộng đồng. Những cuộc tuần hành đòi nữ quyền, yêu cầu bảo hộ phụ nữ lan đi nhanh chóng trên thế giới. Với người Phật tử, điều đó càng nhắc nhở ý thức tương sinh trong đời sống và ý nghĩa của việc giữ gìn lối sống theo năm giới mà Đức Phật đã dạy.

Việc sống đạo đức, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và người trong giềng mối tương quan nhân quả, tôn trọng tiết hạnh cũng chính là tôn trọng đạo đức, gìn giữ hạnh phúc của chính mình và góp phần thiết thực vào việc xây dựng môi trường sống tốt lành hơn.

Với Tăng Ni, Phật tử, trong bức tranh của các hoạt động Phật sự năm qua có nhiều sự kiện trọng đại, trong đó quan trọng nhất là Đại hội đại biểu Phật giáo các quận, huyện, tỉnh, thành phố cũng như Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII thành công tốt đẹp đã mở ra thêm một nhiệm kỳ mới với Hiến chương được sửa đổi theo hướng kiện toàn hơn, đã tạo niềm tin cho Tăng Ni, Phật tử vào sự phát triển của Phật giáo nước nhà.

Chắc chắn, các vị lãnh đạo Giáo hội là những bậc thượng tôn danh đức sẽ có những ứng biến phù hợp, như lời Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã tuyên bố trong đạo từ tại Đại hội VII: “Không ngụy biện với tinh thần tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”.

Đặc biệt, cuối năm Nhâm Thìn thì việc chung tay chia sẻ niềm vui Tết cho đồng bào từ miền ngược tới miền xuôi được diễn ra sôi nổi, khắp nơi. Trong đó, vai trò của Phật giáo trong công tác từ thiện xã hội bao năm qua là điểm sáng khác, thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui của người con Phật đã được Nhà nước, dư luận đánh giá cao.

Câu chuyện Tết ấm, mang mùa xuân đến người nghèo trở thành câu chuyện nhân văn, xốc dậy niềm tin về tình người, “bầu bí thương nhau” vốn đã là truyền thống đẹp của dân tộc. Truyền thống ấy không hề suy suyển mà nó càng được phát huy khi con người tiếp kiến, học hỏi, hành trì giáo lý từ bi-trí tuệ Phật dạy, sử dụng đôi mắt quán chiếu nhân quả…  Những ánh sáng lung linh của tinh thần ấy sẽ được thắp tiếp theo trên những trang báo, thông tin không chỉ của Giác Ngộ với những chuyên mục từ thiện, xã hội, mở rộng lòng từ… mà còn trên nhiều phương tiện truyền thông khác.

Và, một niềm tin khác mà khuôn khổ bài này muốn chia sẻ còn là hình ảnh dấn thân của những tu sĩ trẻ. Họ chọn nơi nghèo khó, hẻo lánh để tới, mang ánh sáng Phật pháp quảng độ chúng sinh. Tâm nguyện và công hạnh của họ được ghi nhận trong những trang báo Giác Ngộ suốt tháng qua với chủ đề “Tu sĩ trẻ dấn thân” đã gửi thêm một niềm tin nữa nơi những người chọn con đường xuất gia, không ngại khó, ngại khổ, nhất là khi chúng sinh cần!

Thêm vào đó, khi xã hội đang loay hoay và “bó tay” với một vài hiện tượng xuống cấp về đạo đức, thì nền tảng giáo lý nhà Phật dạy con người “làm lành, lánh dữ” trên cơ sở hiểu rõ nhân quả, nghiệp báo, với những khóa tu, khóa học kỹ năng dành cho giới trẻ do chính quý thầy, sư cô trẻ, cùng thời tổ chức sẽ là nơi để các bậc phụ huynh lựa chọn, gửi gắm con em mình. 

Nhà chùa sẽ trở thành trường học dạy đạo đức và như thế quý thầy, quý sư cô trở thành người thầy, yêu cầu mẫu mực, mô phạm cũng sẽ là yếu tố giúp người tu càng tinh tấn, gìn giữ oai nghi, tế hạnh trong xã hội hiện đại - vốn là những người trẻ đang rơi rớt niềm tin cũng như bị tha hóa theo tác động bởi thị hiếu nhất thời của xã hội tiêu dùng… Đó chính là niềm tin vào một đạo Phật “tùy duyên, tùy thuận” chúng sinh và thời đại mà hóa độ, trường tồn.  

Nguồn tin: Lưu Đình Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây