Vị Tăng sinh kể chuyện Bác Hồ

Thứ sáu - 23/01/2009 01:55
Vừa tròn 27 tuổi, đang học cùng lúc hai đại học (Học viện Phật giáo, ĐH KHXH-NV) và đảm đương chức vụ Chánh Thư ký Ban Đại diện Phật giáo Q5 (TPHCM)… nhưng đại đức Thích Lệ Minh vẫn đậu “thủ khoa” ba vòng và đoạt giải ba vòng chung khảo cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Gặp vị Tăng sinh trẻ tại chùa Thiện Mỹ vào đúng giờ Ngọ, mặc dù đang thọ trai nhưng khi biết chúng tôi muốn học tập kinh nghiệm, đại đức Thích Lệ Minh vẫn gác đũa, nhẹ nhàng bảo: “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông/Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc/Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người”.

Theo đại đức, chữ “kiệm” trong đoạn châm ngôn trên và chữ “kiệm” trong lời dạy của Bác Hồ, là tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc của dân, của nước, còn là tiết kiệm của bản thân từ cái nhỏ cho đến cái lớn, không phô trương hình thức, xa xỉ, hoang phí.

Dẫn lời Bác, đại đức kể: “Tại lớp chỉnh huấn trung cao cấp của Bộ Quốc phòng tháng 5-1957, Bác căn dặn: Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp nhưng cái muốn phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp vậy là không có đạo đức. Do vậy ngay từ khi có ý thức và biết thế nào là lẽ phải, tôi đã xuất gia đi tu để cảm nhận xã hội còn nhiều hoàn cảnh neo đơn thống khổ!”.

Dù bận nhiều Phật sự nhưng đại đức Thích Lệ Minh vẫn theo học lớp cử nhân Phật học và cử nhân Anh Văn. Đại đức cho rằng trong tư tưởng của Bác Hồ, chuyện học là vô cùng vô tận. Theo đại đức, học để không chỉ thông tỏ kinh kệ phật pháp mà còn để sánh vai mở rộng quan hệ với Phật giáo trên toàn thế giới.

Chẳng thế mà từ các vòng thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở cấp cơ sở cho đến cấp thành phố, đại đức Thích Lệ Minh đều đạt giải nhất.

Đại đức tâm niệm với chúng tôi: “Những gì Phật giáo làm lợi cho đạo pháp tức phải làm lợi cho dân tộc. Những gì Phật giáo làm lợi cho dân tộc cũng tương đồng lợi ích của đạo pháp. Tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo lý nhà Phật sẽ trở thành một phần đời sống tinh thần của người Việt Nam, điều ấy làm sáng lên một điều: Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, khai mở tiềm năng tuệ giác để xây dựng đời sống hiểu biết và thương yêu, một xã hội công bằng dân chủ, một đất nước phồn thịnh và thăng hoa”.

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây