Chàng trai khuyết tật chinh phục giải chạy núi 100 km

Thứ tư - 09/12/2020 13:47
Không có hai tay để dùng gậy như các runner khác, Ngô Văn Vinh chỉ có thể dùng sự kiên trì vượt qua 100 km đường chạy đèo dốc trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Ngô Văn Vinh khám phá ra "khả năng của con người là vô hạn" từ khi chạy bộ. Ảnh: Phan Dương.
Ngô Văn Vinh khám phá ra "khả năng của con người là vô hạn" từ khi chạy bộ. Ảnh: Phan Dương.

"10, 9, 8..." - tiếng đếm ngược vang lên, cùng lúc pháo hoa chói sáng trên bầu trời Sapa lúc 21h ngày 20/11. Ngô Văn Vinh lao vào màn đêm cùng với gần 200 người khác chinh phục cự ly 100 km của giải Vietnam Mountain Marathon. Đây là giải chạy khắc nghiệt nhất Việt Nam. Năm 2019, đã có đến một nửa số runner không thể hoàn thành cuộc đua.

Chàng trai trẻ với hai cánh tay ngắn ngủn, băng qua con dốc trước khi vào bản, chạy trên những con đường trâu đi, sỏi đá nham nhở; vượt qua con suối... những nơi mà chỉ cần sểnh chân một chút là trượt ngã và phải dừng cuộc chơi sớm. Lần đầu tiên chinh phục cự ly này, Vinh háo hức nhiều hơn lo lắng. "Bao nhiêu mồ hôi, công sức của 14 tháng tập luyện, chỉ chờ đến ngày này", chàng trai 25 tuổi chia sẻ.

1
Ngô Văn Vinh tham gia giải Mu Cang Chai Adventure Marathon hồi tháng 9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Qua được chốt thứ nhất và hai với những con dốc dài liên tục, Vinh tiến vào đường leo lên chốt thứ ba trong rừng, trời tối đen kịt. Những người khác có thể dùng gậy để leo lên và xuống, nhưng Vinh không thể do khuyết tật ở đôi tay. Cậu thực hiện chiến thuật tăng tốc ở đường bằng, đi chậm khi lên dốc và xuống dốc.

Đến km thứ 30 đã là 2h sáng, cái lạnh dưới 10 độ và những con dốc dựng đứng khiến không ít người nhụt chí. Từng chinh phục giải này năm 2019, cự ly 42 km, Vinh biết "một khi đến km này không còn chạy bằng đôi chân nữa mà chạy bằng ý chí".

Sau hơn 9 tiếng chạy trong đêm, Vinh chợt nhận ra mình đang ở giữa một thung lũng. Mây lởn vởn từng cụm, khói bốc lên từ mái nhà tranh nhấp nhô bên những nương đồi. Mùi cơm gạo mới thơm lừng. "Đó là khoảnh khắc đẹp nhất trên hành trình. Tôi đã đi chậm hơn để tận hưởng", cậu kể.

Đến gần trưa, Vinh đặt chân lên cung đường thử thách khi leo lên đỉnh cao nhất cuộc đua ở độ cao 2.281 m. Nắng tháng 11 không quá rát nhưng vẫn làm chùn bước nhiều runner. Vinh cảm tưởng mình giống như chú trâu, mệt lử rồi vẫn kiên trì từng bước. Có những đoạn cậu phải chống chọi với cơn buồn ngủ.

Khi đang đổ dốc từ đỉnh cao nhất về trạm CP4, Vinh không giữ được thăng bằng, ngã nhào phía trước. "Trong một khoảnh khắc lăn xuống đường, tôi chỉ muốn nằm xuống ngủ một giấc luôn. Cơ thể thì muốn thế như con tim tôi thúc giục: Nào đứng dậy, đồng đội đang chờ phía trước!", chàng trai hồi tưởng. Vinh lại đứng dậy, bổ sung một chút nước, gel năng lượng và viên muối để có sức đi tiếp.

Vẫn là những con dốc dài, với cơ thể thấm mệt. Những chiến binh của giải này luôn thấm thía câu "leo dốc thì mệt tim, đổ dốc thì mệt giò". Tim có thể phục hồi nhanh bằng cách ngồi nghỉ, nhưng đùi một khi đã biểu tình thì khỏi cứu. Nhiều đoạn hơn 2 tiếng chỉ có xuống dốc. "Đặt mục tiêu an toàn khi về đích, tôi chỉ phải chiến đấu với chính tôi, nên không chạy được thì tôi đi. Chẳng may bị chấn thương sẽ phải dừng lại hoặc gây thêm khó khăn cho những người bạn trên đường chạy cùng mình", cậu chia sẻ.

Với tâm thế như vậy Vinh tiến về chặng cuối. Lúc này khoảng 19h, từ xa vẳng lại tiếng khèn mừng chiến thắng của các anh trai dân tộc Mông. Đến mốc này, Vinh nhập với đội chạy 42 km và 70 km, cùng nhau vượt qua con dốc dài hơn 3 km.

Những tưởng lết đến đỉnh Đá Bạc là đã gần về đích, nhưng 5 km đổ dốc cuối cùng mới thực sự đáng sợ. Trước những đoạn dốc quá "gắt", có người thậm chí bò xuống, người đi giật lùi, hay đi bằng gót chân. Riêng Vinh, vì không có đôi tay để bám vào đâu, nên chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đi những bước chậm. "Hai chân mỏi rời chỉ muốn đầu hàng nhưng lại bị quyết tâm trong tôi thuần phục để đi tiếp", cậu nói.

Cách cổng đích 200 m, đèn rất sáng, tiếng loa thông báo các vận động viên về đích tạo động lực cho Vinh chạy nước rút. "1037 Ngô Văn Vinh", tiếng loa ban tổ chức vang lên. Cùng lúc trong lòng vinh cảm thấy pháo hoa đang vỡ òa. Cậu chạy qua vạch đích, nghiêng mình nhận tấm huy chương danh giá. Rất nhiều người bao quanh hỏi han, nhiều người bất ngờ vì chàng trai với cơ thể khiếm khuyết đã làm được.

1
Ngô Văn Vinh bắt đầu cự ly chạy 100 km trên dãy Hoàng Liên Sơn lúc 21h 20/11 và về đích lúc 20h58' ngày 21/11. Ảnh: VMM.

Ngô Văn Vinh hoàn thành cự ly 100 km trong 23h58', xếp thứ 103 trong tổng số 137 người hoàn thành, 57 người đã bỏ cuộc giữa chừng. Theo chàng trai, thời gian khóa đường ở mỗi chốt là động lực buộc cậu phải di chuyển liên tục. Kể cả khi cơ thể đã cạn năng lượng thì vẫn luôn tiến về phía trước nếu không muốn bị quá giờ.

Anh Đặng Xuân Sơn - người song hành cùng Vinh khoảng 40 km - chia sẻ, Vinh luôn chủ động chạy và leo, thi thoảng anh soi đèn nói chuyện để cậu vui, đổi lại Vinh đi cùng vì biết chân anh Sơn bị đau. Trên đường Vinh giúp đỡ, khích lệ nhiều vận động viên khác, trong đó có một bạn gái bị lạc và sợ chạy đêm, Vinh đã chạy cùng với bạn gái đó một đoạn đường dài.

"Vinh bị tật ở tay nên không thể dùng gậy để leo núi như bao anh chị em khác, tất cả chỉ dựa vào đôi chân đã bị chấn thương từ lúc luyện tập trước giải. Thế mà em ấy vẫn về đích tươi tỉnh hơn tôi nhiều", anh Sơn cho hay.

Sinh ra với đôi tay bé teo, những ngón tay không đầy đủ, không vì thế cản bước chàng trai quê Chương Mỹ (Hà Nội) học hành và có công việc tốt. Năm 2017, Vinh được đàn anh truyền cho tình yêu chạy bộ. Cậu bắt đầu tập luyện, ban đầu gặp nhiều khó khăn vì hai tay không thể đánh nhịp nhàng nên rất mau mệt và khó giữ thăng bằng.

Những ngày đầu cậu mới tham gia, phong trào chạy bộ ở Việt Nam chưa phát triển, nhưng đến nay đã thành một trào lưu mạnh mẽ. Ngay tại cơ quan Vinh, nhờ được chàng trai khuyết tật truyền cảm hứng mà từ chỗ chỉ có một người chạy, giờ đã có trên 30 người.

Tháng 9/2019, Vinh tham gia giải Vietnam Mountain Marathon, cự ly 42 km. "Chạy xong tôi thấy mình vẫn còn sức", cậu nói. Từ đó cậu đặt mục tiêu chinh phục đường chạy khó khăn nhất - 100 km. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi "Sao không chạy 70 km?" và lo cậu "đốt cháy giai đoạn". Nhưng Vinh luôn tin mình làm được.

Niềm tin này có cơ sở vững chắc thông qua việc tập luyện bền bỉ 4-5 buổi/tuần. Sau giờ làm việc, Vinh chạy ở sân Học viện An ninh, hồ Văn Quán, hồ Trung Văn. Mưa nhỏ cậu vẫn chạy. Ngày mưa to, cậu luyện bằng cách leo cầu thang.

Để thích ứng đường chạy núi, cứ cuối tuần, cậu cùng anh em trong hội chạy trên dãy Hàm Lợn với nhiều đoạn dốc cao, dài. Trung bình mỗi lần ở đây cậu chạy 27 km. Trong tháng 6, Vinh đã chạy "điên cuồng" dưới trời nắng đổ lửa để rèn sức chịu đựng và đạt được 300 km, trong đó có hai buổi chạy đêm 42 km và 60 km. Trước ngày thi một tháng, Vinh chạy lên mức 70 km với tổng độ cao cả quãng đường là 3.000 m.

Tình hình dịch bệnh năm nay khiến Vinh lo giải chạy bị hoãn, đồng nghĩa công sức luyện tập suốt năm qua "không có đất dụng võ". Khi ban tổ chức thông báo hoãn giải đến tháng 11 - thời điểm Sapa rất lạnh nên nhiều người đã bỏ cuộc và khuyên Vinh giữ sức cho mùa sau. Chàng trai không hề nao núng.

Giờ đây tấm huy chương 100 km được đặt vị trí trung tâm trên bàn làm việc của Vinh, xung quanh là vài chục tấm huy chương khác. Thông qua câu chuyện của bản thân, chàng trai muốn truyền đi thông điệp với mọi người rằng chiến thắng được những khó khăn, trở ngại bạn sẽ trưởng thành, mạnh mẽ.

"Nhờ chạy tôi khám phá ra mình cũng giống mọi người. Một khi đủ quyết tâm, không có giới hạn nào chúng ta không làm được", chàng trai trẻ đầy tự tin nói.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây