Phật giáo đem lại lợi ích gì cho tuổi trẻ?

Thứ tư - 17/03/2021 15:22
Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo? Câu hỏi này không đơn giản, đôi khi là cả một học thuyết. Nhưng, ở nghĩa đơn giản nhất, qua trải nghiệm của bản thân tôi, có cả thất bại lẫn thành công, tuổi trẻ cần ở Phật giáo ở 3 điểm chính yếu Bi, Trí, Dũng.
Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo?
Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo?

Thuở đôi mươi, khi đọc cuốn Tuổi trẻ tình yêu lý tưởng và Nói với tuổi 20 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã bồi hồi xúc động. Dù thời điểm còn non nớt ấy chưa thể hiểu hết thông điệp mà Thầy gửi gắm, nhưng tôi thấy tâm hồn mình được khai thông.

Cánh cửa tuệ giác từ đó mở ra, từng chút một, từng ngày một. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường đi sinh hoạt ở Gia đình Phật tử vào mỗi chiều Chủ nhật, được là chú chim oanh vũ dưới sự hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng, những hạt mầm Phật pháp đã được gieo từ sớm. Nhưng, mãi đến khi đọc sách của Thiền sư, tôi mới thấy Phật giáo có ý nghĩa lớn lao đối với tuổi trẻ.

Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo? Câu hỏi này không đơn giản, đôi khi là cả một học thuyết. Nhưng, ở nghĩa đơn giản nhất, qua trải nghiệm của bản thân tôi, có cả thất bại lẫn thành công, tuổi trẻ cần ở Phật giáo ở 3 điểm chính yếu Bi, Trí, Dũng.

Tinh thần Bi:

Người trẻ là có nhiều cảm xúc và ham muốn, cái lớn nhất có thể thấy là tham ái. Đối với họ, tình yêu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Họ dễ dàng yêu đời, yêu người, yêu cảnh. Họ còn trẻ, họ còn thời gian và vì thế mà họ thả lỏng mình chạy nhảy quanh những ham thích. Không biết mình muốn gì nhưng chính họ cũng không nhận ra điều đó, họ đau buồn với cái mình mất đi, họ hân hoan với cái mình có được.

Họ chấp vào cái cảm giác “được” và sợ cái cảm giác “mất”. Vì vậy, họ cố ra sức sở hữu càng nhiều cảm giác “ái” càng tốt, đối với con người và cả sự việc. Nhưng, đến một lúc, có tiếng nói nhỏ thôi từ trong sâu thẳm của họ sẽ cho thấy, họ đang không hạnh phúc. Càng “ái” thì tôi càng không hạnh phúc. Tất cả những cười nói kia chỉ là chốn đông người, nhưng khi về lại một mình, tôi vẫn cảm thấy cô đơn, trống rỗng. Lúc này đây, Phật giáo sẽ giúp họ.

Hạt giống tham ái cấu thành gồm 50% là tham, 50% là ái, chỉ cần chuyển hoá “ái” hơn 51% trở lên thì người trẻ có xu hướng và cơ hội thực tập tâm từ bi. Tỷ lệ tham càng thấp đi, tỷ lệ ái thuần khiết càng lớn lên, đó chính là cơ hội cho bi phát triển. Tâm từ bi, nói cho thật sâu thì vô cùng, nhưng nói đơn giản có nghĩa là biết yêu thương, cảm thông, có sự rung động của trái tim sâu sắc đối với mọi việc và con người. Thuyết vô thường trong đạo Phật có thể giúp người trẻ chuyển hóa được. Bởi khi thấm nhuần ý nghĩa rằng, mọi thứ trên đời đều không có gì là mãi mãi, tính tham của họ sẽ mất dần đi.

Phật giáo sẽ giúp người trẻ phân biệt giữa kiến thức thô mộc và kiến thức có trí tuệ qua khái niệm vô minh.
Phật giáo sẽ giúp người trẻ phân biệt giữa kiến thức thô mộc và kiến thức có trí tuệ qua khái niệm vô minh.

Tinh thần Trí:

Đặc trưng của người trẻ là tò mò, ham học hỏi. Việc gì cũng muốn biết, muốn học, muốn gom kiến thức. Tri thức là vô cùng quan trọng, trong những điều răn của Đức Phật, khiếm khuyết lớn nhất của đời người là thiếu hiểu biết. Thế nhưng, không phải cứ có nhiều kiến thức là trở thành người hữu dụng. Kiến thức phải được chuyên sâu, hữu ích cho bản thân và cho xã hội.

Phật giáo sẽ giúp người trẻ phân biệt giữa kiến thức thô mộc và kiến thức có trí tuệ qua khái niệm vô minh. Nếu tìm hiểu sâu về thuyết vô minh, người trẻ sẽ nhận ra rằng, có kiến thức giỏi không đồng nghĩ với trí tuệ sáng suốt. Có nhiều kiến thức, chấp trước vào những gì mình biết, kéo theo những hành động không mang lại lợi ích gì cho người khác, như vậy cũng đã là vô minh.

Vô minh có hai cách hiểu đơn giản, một là thiếu sáng suốt để nhìn vào bản chất của cuộc sống và hai là không nhìn thấy sự vật như nó là. Người trẻ, với kiến thức của mình, kết hợp thực tập giải thoát khỏi vô minh, thì họ sẽ có trí tuệ sáng để làm những việc có lợi cho chính bản thân, biết phân biệt đúng sai, biết đi con đường đúng đắn từ đó đóng góp hữu ích cho cộng đồng.

Người trẻ là có nhiều cảm xúc và ham muốn, cái lớn nhất có thể thấy là tham ái. Đối với họ, tình yêu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống.
Người trẻ là có nhiều cảm xúc và ham muốn, cái lớn nhất có thể thấy là tham ái. Đối với họ, tình yêu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống.

Tinh thần Dũng:

Ai cũng từng là người trẻ và đều hiểu rằng đặc điểm nổi bật của người trẻ là tính hiếu thắng. Cũng vì hiếu thắng mà người trẻ bất chấp tất cả, đặt cái tôi to lớn của mình làm trung tâm trong mọi hành xử. Thời điểm đó, có thể bản thân họ cũng chưa nhận ra mình hiếu thắng. Họ chỉ biết rằng mình phải vượt lên, mình phải thành công, người khác phải công nhận mình, để rồi bất chấp những rủi ro, hiểm nguy, tổn thương xảy ra cho chính mình.

Thế nhưng, ở mặt khác, tính tích cực của những người có tính hiếu thắng là dám nghĩ, dám làm, dám bước về phía trước. Và đó cũng chính là đặc điểm của người dũng cảm. Vậy, làm thế nào để chuyển hóa từ hiếu thắng sang dũng cảm. Đó chính là bỏ cái tôi đi. Và đạo Phật với thuyết vô ngã cũng như nhiều câu chuyện, bài học, phương thức khác nhau sẽ giúp người trẻ bỏ bớt ngã mạn. Bởi một khi thấu hiểu rằng, cái tôi này chẳng thể tồn tại một mình, mà có sự liên kết của tất cả nhân duyên và nhiều con người xung quanh ta thì cái tôi mới có thể tồn tại. Như vậy, nếu vẫn cứ giữ tinh thần dám vượt lên phía trước nhưng biết gạt bỏ cái tôi, thì người trẻ sẽ có tinh thần dũng cảm.

Đặc trưng của người trẻ là tò mò, ham học hỏi. Việc gì cũng muốn biết, muốn học, muốn gom kiến thức.
Đặc trưng của người trẻ là tò mò, ham học hỏi. Việc gì cũng muốn biết, muốn học, muốn gom kiến thức.

Tuổi trẻ, với tình yêu và lý tưởng đẹp đẽ sẵn có, nếu được thắp sáng và tiếp sức bởi tinh thần bi - trí - dũng thì họ sẽ trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ và hữu ích.

Nếu chỉ có trí và dũng mà không có tâm từ bi thì con người dễ ngã mạn, tự cao tự đại, không có lòng cảm thông với tha nhân. Nhưng chỉ có bi mà thiếu trí, dũng thì con người cũng sẽ trở nên yếu đuối, thiếu phương tiện và ý chí để làm việc hữu ích.

Và, chỉ có bi và dũng mà không có trí thì người trẻ thiếu phương tiện để làm việc tốt, không thể phát huy hết khả năng của mình, không biết con đường chánh đạo để đi.

Nếu có trí và bi mà thiếu dũng thì con người thiếu lửa, thiếu sự dấn thân, lúc đó, tất cả những ước mơ hoài bão chỉ dừng lại ở lý thuyết và trí tưởng tượng mà thôi.

Dĩ nhiên, học tập, chuyển hóa, thực hành 3 tinh thần này không phải là việc một sớm một chiều. Có nhiều phương thức cho người trẻ chọn lựa như đọc sách, hành thiền, lắng nghe các bậc tiền bối giải thích, và quan trọng hơn hết là thực hành trong đời sống hàng ngày, từng việc nhỏ, từng phút giây. Khi biết kết hợp nhuần nhuyễn và linh động bi trí dũng, người trẻ đang thật sự hướng đến một cuộc sống tinh tấn và an lành từ bên trong.

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây