Giới đức trong đạo Phật

Thứ năm - 20/08/2009 23:06
Giới đức là một phần của Con Ðường. Hai phần kia là Ðịnh và Tuệ. Giới gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. được xem như những tảng đá vững chắc cẩn trên Con Ðường Trong Sạch (Thanh Tịnh Ðạo), là nền tảng của mọi cuộc sống đạo đức. Giới, tiếng Pāli là Sīla, có nghĩa là quy luật. Giới luật không phải là những điều răn cấm mà Ðức Phật ban hành, bắt buộc hàng tín đồ phải tuân hành, nếu không là có tội. Phật Giáo không quan niệm có sự ban thưởng diều lành hay trừng phạt điều dữ mà chỉ truyền dạy lý nghiệp báo, tức định luật nhân quả. Gieo giống nào sẽ gặt quả nấy.

Gieo cam sẽ có trái cam, gieo ớt sẽ có ớt. Cây cam trổ sanh trái ngon ngọt không phải để ban thưởng, cũng như cây ớt trổ sanh trái ớt cay không phải để trừng phạt người trồng, mà đó chỉ là sự biến chuyển tự nhiên từ nhân đến quả.

Như vậy khi ta làm điều lành, hành động ấy là nhân lành, sẽ đưa đến hậu quả tốt, hành ác ta sẽ gặp điều dữ. Hoàn cảnh thuận lợi hay nghịch lòng đến với ta là hậu quả đương nhiên phát sanh từ những hành động của ta trong quá khứ, chớ không phải do sự thưởng phạt của Ðức Phật hay của vị thần linh nào, vì ta làm đúng theo lời dạy hay phạm vào một điều răn của các Ngài. Giới hay quy luật là sự hướng dẫn mà Ðức Phật khuyên dạy những ai vui lòng bước theo chân Ngài nên xem đó là các điều phài tránh để khép mình vào nếp sống kỷ cương, tạo không khí an lành, gội rửa tâm trong sạch và sau cùng phát triển trí tuệ,

Ba tháng sau khi Ðức Thế Tôn Nhập Diệt, năm trăm vị đệ tử A La Hàn kết tập lần đầu tiên tại thành Rājāgaha (Vương Xá) để nhắc lại những lời vàng ngọc của Ngài trong bốn mươi lăm năm hoằng Pháp. Về sau những lời dạy nầy được ghi chép trên lá buông và sắp xếp thành ba Tạng (Tam Tạng Kinh): Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Luận.

Riêng Tạng Luật bao gồm tất cả những giới luật mà Ðức Phật đã ban hành để cho hàng môn đệ xem đó mà tránh những điều không nên làm. Nên hiểu rằng những điều không nên làm ở đây có nghĩa là những hành động bằng thân, khẩu, hay ý có tính cách gây chướng ngại trên con đường dẫn đến Niết Bàn. Tạng Luật nêu rõ đầy đủ nguyên do tại sao và trong trường hợp nào Ðức Phật ban hành một quy luật. Có những giới dành cho hàng xuất gia và những giới cho hàng tại gia cư sĩ.

Ðối với người tại gia cư sĩ Ðức Phật khuyên dạy nên giữ tròn năm giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không dùng những chất say.

1. Không sát sinh. Mọi người, mọi chúng sinh, đều quý trọng mạng sống của mình. Không ai có quyền hủy hoại sự sống của kẻ khác. Ðức Phật khuyên dạy, dầu tại gia cư sĩ hay hàng xuất gia, chúng ta nên lánh xa mọi hành động có tính cách sát hại hay gây thương tích cho bất cứ người hay thú.

Không có công lý nào bắt buộc một chúng sinh phải làm mồi cho một chúng sinh khác. Dầu để được ngon miệng hay để giải khuây, không có lý do nào để ta tự cho phép, hoặc nhờ người khác giết một chúng sinh. Nếu sát hại thú là sai lầm thì giết người còn đáng ghê tởm đến bậc nào -- dầu giết từng cá nhân hay từng đoàn, từng nhóm; dầu dùng những khí giới thô sơ tàn bạo hay những phương tiện gọi là văn minh tân tiến và nhân đạo; dầu giết để đem lại hòa bình hoặc giết vì lý do tôn giáo, hay vì một mục tiêu có vẻ tốt đẹp nào khác.

2. Không Trộm Cắp. Người Phật tử cũng được khuyên dạy nên lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là trực tiếp trộm cắp, hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp gián tiếp, vi tế, kín đáo ẩn núp dưới một lớp gì khác. Trong khi cố gắng lánh xa hành động trộm cắp người Phật tử cũng phát triển đức tính liêm khiết, chân thật, và chính trực.

3. Không tà dâm. Lánh xa những hành động làm giảm suy phẩm cách con người và do đó, có một cuộc sống thanh cao trong sạch.

4. Không vọng ngữ. Tránh vọng ngữ, là không nói lời giả dối, không nói đâm thọc làm cho người nầy phiền giận người kia, không nói lời thô lỗ cộc cằn, và không nói lời nhảm nhí vô ích mà chỉ nói lời chân thật, dịu hiền, những lời có thể đem lại sự hòa hợp, tình trạng an vui hạnh phúc cho kẻ khác, và những lời hữu ích.

5. Không dùng chất say. Người Phật tử không nên dùng rượu mạnh hay những món gì có thể làm cho tinh thần kém sáng suốt, trái lại nên luyện tập cho tâm an trụ, trí minh mẫn.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Ba giới đầu tiên -- không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm -- là tránh tạo thân nghiệp bất thiện. Giới thứ tư -- không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối, không nói đâm thọc, không nói lời thô lỗ cộc cằn, và không nói lời nhảm nhí vô ích -- là tránh tạo khẩu bất thiện nghiệp. Giới thứ năm -- không dùng chất say -- nhằm giúp cho tâm không bị mê mờ, là tránh tạo ý nghiệp bất thiện.

Như vậy, nghiêm trì ngũ giới là tránh tạo bất thiện nghiệp.

Nên hiểu rằng đây chỉ là khía cạnh tiêu cực, những gì không nên làm. Tuy nhiên giới luật trong Phật Giáo cũng bao hàm ý nghĩa tích cực. Như lời dạy "không nên nói dối" cũng hàm ý là "nên" nói lời chân thật. "Không nên nói đâm thọc" có nghĩa là "nên" nói những lời đem lại tinh thần đoàn kết, hòa hợp v.v... Khi ban hành giới luật, không phải Ðức Phật hàm ý rằng chỉ cần tránh những hành động bất thiện là đủ, mà đó là tuần tự diễn tiến một cách hợp lý để giữ thân tâm trong sạch. Một cái ve chai đang còn dơ, nếu muốn dùng để đựng nước uống, trước tiên ta phải rửa, sút sạch sẽ. Cùng thế ấy, trước khi phát triển những loại tâm thiện, điều cần nên làm là gội rửa các bất thiện pháp trong tâm.

Người đã giữ tròn năm giới nầy quả thật là con người thanh lịch và hữu ích, nhưng đây chưa phải là mục tiêu cứu cánh mà chỉ là phương tiện giúp đưa đến mục tiêu.

Khi đã vững vàng hướng về mục tiêu giải thoát, người Phật tử tại gia có thể cố gắng bước thêm một bước tiến nữa là trong những ngày giới, tự nguyện giữ thêm ba giới là:

6. Không ăn sái giờ, tức từ buổi ngọ cho đến sáng hôm sau không dùng vật thực cứng. Chỉ uống nước mà không ăn.

7. Không múa hát, thổi kèn, đàn, hay xem múa hát, nghe đàn, kèn và trang điểm, thoa ướp nước hoa, dồi phấn và đeo tràng hoa.

8. Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp

Theo Bát Quan Trai giới, giới thứ ba trong Ngũ Giới -- không tà dâm -- trở thành không thông dâm, có nghĩa là chẳng những không lang chạ phóng túng mà trong cuộc sống giữa vợ và chồng cũng phải gìn giữ trong sạch như người hoàn toàn độc thân, trong ngày Bát Quan. Ðó là phương pháp tu tập tiến dần từ tạo thiện nghiệp của Ngũ Giới đến tâm từ khước, dứt bỏ -- trạng thái tâm làm chủ giác quan.

Năm giác quan của ta có những thích thú đòi hỏi được thỏa mãn. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp, tai muốn nghe âm thanh êm dịu, mũi muốn hửi mùi thơm, lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ, thân muốn có những cảm xúc dễ chịu. Ðã lâu rồi giác quan ta được phụng sự đầy đủ, và sẽ còn được phụng sự cho đến khi trở thành quá đỗi khó chịu.

Cài gì phụng sự giác quan? Chính cái tâm phải phục vụ giác quan như người nô lệ phục vụ cùng lúc năm vị hoàng đế khó tính. Tâm, vị chúa tể, đã bị truất phế, và năm tên quân hầu -- năm giác quan -- đã choán ngôi. Người Phật tử chúng ta có bổn phận phải phục hồi ngôi vị cho tâm, vì tâm là nguồn lực duy nhất có thể giúp ta mở vạch con đưởng dẫn đến tự do.

Tâm của người thế gian thông thường đã kiệt sức vì phải luôn luôn phụng sự giác quan, không thể có chút thì giờ để thấy rõ chân tướng của sự vật. Ðể chế ngự mọi khát vọng của cơ thể vật chất, giới luật giúp người Phật tử chân chính sống giản dị và thanh đạm vì cuộc sống xa hoa biến con người trở nên nô lệ của tham vọng.

Trên Con Ðường phát triển tâm Trong Sạch (Thanh Tịnh Ðạo) giới hạnh quả thật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, tự nó, giới không phải là mức đến, mà chỉ là phương tiện đưa đến mục tiêu.

Năm giác quan đã phối hợp, chung sức làm lu mờ ngọn đèn tâm. Giới có hiệu năng lau chùi, giúp làm cho ngọn đèn tâm trở nên sáng tỏ, thấy rõ thực tướng của sự vật.

Sau đây là một đoạn trích dịch từ sách Visuddhi Magga, (Thanh Tịnh Ðạo) đề cập đến giới luật, xem như nền tảng của tất cả hạnh lành. Bà Hồ Thị Linh sắp thành văn vần.

 

Ðạo chính đáng cho người vững chí
Sống thanh cao, cao quý chi bằng,
Nên trang đức hạnh ai tầng,
Mấy ai tả được uy hùng đến đâu.
Cũng không phải dòng sâu lồng lộng
Của Hằng giang với ngọn Da-Ma (Yamuna)
Thủy triều reo rắc sông Sa (Sarabhu)
Sông A-Ti (Acivarati) với đại hà Ma-Hi
Mà rửa sạch những gì nhơ bợn
Và những chi bất tịnh trong lòng,
Chỉ đức hạnh, sức khôn cùng,
Gội tan ác ý, rửa dần mê tâm,
Với gấm vóc hương trầm bảo vật
Cùng trăng thu vằng vặc ánh vàng,
Nhẹ nhàng gió mát đêm trường
Cũng không xoa dịu nỗi lòng tham sân.
Chỉ đức hạnh trong ngần cao quý
Là vững bền tiết chế lòng người.
Trầm hương bay thuận gió đời
Chỉ hương đức hạnh ngát trời gần xa.
Nào nấc tiến cho ta tinh tấn
Ðể ta nương đến tận trời cao.
Cửa nào mở lối ta vào
Niết Bàn cảnh giới muôn màu cho ta.
Ðời đạo hạnh tinh hoa giới đức
Không điểm tô, trang sức chi hơn
Mà luôn sáng tỏ vô ngần,
Chỉ nơi đức hạnh rở ràng hào quang,
Nào vua chúa ngọc vàng lóng lánh
Dường mờ lu bên ánh rạng nầy.
Tâm người đạo hạnh ngày ngày
Chỉ còn thanh tịnh và đầy an vui,
Qua kinh sách lòng người phải rõ,
Ðời thanh cao uy thế chi bằng,
Ðạo là nguồn cội phước lành,
Ðạo là tiêu diệt mọi căn mê lầm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây