Phát sanh trí tuệ

Thứ hai - 18/05/2015 21:46
Nói đến tuệ giác, người học Phật liền liên tưởng đến tiến trình văn (nghe, đọc, học), tư (suy ngẫm), tu (ứng dụng thực hành). Trong tiến trình này, văn tuệ - tức nhờ nghe, đọc, học giáo pháp mà phát sanh trí tuệ - là căn bản nhất.

Nói đến sự học thì dù học đời hay học đạo, trước phải có thầy, “không thầy đố mầy làm nên”. Ngoài những vị thầy bằng xương bằng thịt, người học còn có các vị thầy khác rất thông tuệ, nhiệt tình và nhẫn nại là kinh sách (băng, đĩa). Khi không có thầy và kinh sách, chúng ta vẫn có thể học hỏi giáo pháp từ nơi bạn bè, những người xung quanh.

Người ta sinh ra vốn không phải là tự điển bách khoa, nên ngoài chuyên môn của mình, các vấn đề khác thì không rành hoặc không biết, âu cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là có tâm cầu học, ham muốn tìm hiểu, ưa thích học hỏi.

Hẳn ai cũng biết, muốn học giỏi, cần nhất là thông minh. Nhưng nếu có tư chất thông minh mà không chịu tìm tòi học hỏi, lại thêm lười biếng, ưa thích ngủ nghỉ thì sự học vẫn bị chướng ngại. Vì thế, Đức Phật dạy, muốn thành đạt trí tuệ thì trước hết cần tăng cường học hỏi, nhất là phải cố gắng hết sức mình mới có thể thành công.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai pháp này khiến người không có trí tuệ. Thế nào là hai pháp? Là chẳng thích hỏi người hơn mình; chỉ tham ngủ nghỉ, không có ý tinh tấn. Đó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp khiến người không có trí tuệ.

Lại có hai pháp khiến người thành đạt trí tuệ. Thế nào là hai pháp? Là thích hỏi nghĩa ở người khác; không tham ngủ nghỉ, có ý tinh tấn. Đó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người có trí tuệ, hãy học xa lìa pháp ác. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Khuyến thỉnh, 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.307)

Thì ra, trước khi thành tựu tuệ giác Bát-nhã, trí tuệ quét sạch vô minh phiền não thì cần phải thành tựu tri thức. Trí tuệ mà Thế Tôn nói trong pháp thoại này chỉ là văn tuệ, là tri thức mà thôi nhưng có vai trò quan trọng, làm nền tảng cho trí tuệ ba-la-mật về sau.

Pháp học và pháp hành sẽ hỗ tương nhau trong suốt lộ trình tu học. Dĩ nhiên, thành tựu tri thức hay văn tuệ chỉ là bước khởi đầu. Những nấc thang đầu tiên này nếu được gia cố vững chắc thì về sau mới có thể lên cao được. Theo Thế Tôn, để thành tựu pháp học, căn bản vẫn là siêng năng, không ngừng học thầy và học bạn.

Ngày nay, một số vị thầy có khuynh hướng dẫn dắt người sơ cơ tu học theo kiểu “độn công phu”. Đại loại như là chỉ cần nhất tâm với một câu Phật hiệu là đủ chuẩn vãng sanh hay miên mật với một câu thoại đầu là phá thủng vô minh, thành tựu tuệ giác mà không cần học thêm gì khác. Dĩ nhiên các pháp tu kỳ đặc ấy không sai nhưng hợp với những hạng người nào để ứng dụng hành trì nhằm đạt kết quả thiết thực mới là vấn đề.

Do vậy, ai có khả năng đi tắt, đón đầu thì cứ đi. Còn nếu căn cơ bình thường thì nên đi theo thứ lớp văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Trong đó, siêng năng học hỏi nơi các vị thầy, học trong kinh sách và mọi người để thiết lập chánh kiến và chánh tín là căn bản nhất, khiến người học đạo từng bước thành đạt trí tuệ.

Tác giả bài viết: Quảng Tánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây