Ý nghĩa hoa Sen trong Phật Giáo

Thứ năm - 22/01/2009 18:52
Đọc sử Phật chúng ta thấy Phật xuất gia tu lúc gần thành đạo Ngài đến cội Bồ đề trải cỏ Kiết tường làm tòa ngồi thiền, sau đó Ngài thành Phật . Nhưng sau khi Phật Niết bàn, chúng ta lại thấy ở các chùa thờ tượng Ngài ngồi trên đài sen và cả tượng Phật đản sanh cũng đi bảy bước trên đài sen . Người sau làm như thế có trái với lẽ thật không ? Hoa sen có ý nghĩa gì mà đạo Phật làm như thế ?

Trong kinh A Hàm thuật lại, một hôm Phật ngồi thiền ở bên hồ sen, khi xả thiền Ngài nhìn xuống hồ sen, thấy sen trổ hoa, Ngài nhận rõ rằng tất cả sen trổ hoa đẹp toả hương thơm đều từ bùn chui lên, trên đá chỗ sạch không có hoa sen . Trong bùn sen nẩy mầm gọi là ngó sen, ngó sen chui lên khỏi bùn ở trong nước, rồi vượt lên khỏi nước trổ hoa .

 

Hoa sen đẹp thơm thanh khiết mà mọi người ưa thích khen ngợi, gốc từ bùn nhơ . Đây là một lẽ thật hết sức rõ ràng . Cuộc đời Thái Tử Sĩ Đạt Ta rất gần với cuộc đời của mọi người chúng ta, Ngài là một con người bằng xương bằng thịt ở trong cõi đời này, chứ không phải là bậc siêu nhân từ cõi nào đến . Ngài cũng ở trong chốn dục lạc, rồi từ dục lạc Ngài thức tỉnh đi tu .

 

Ngài trải qua bao năm công phu khó nhọc, khổ hạnh tu hành . Sau đó mới toàn giác thành Phật . Giai đoạn Thái tử mới sanh ra lớn lên trong hoàng cung, sống trong cảnh nhung lụa giàu sang, hưởng dục lạc sung mãn bên vợ con, dụ như ngó sen còn ở trong bùn . Giai đoạn Thái tử xuất gia tu hành dụ như ngó sen ngoi lên khỏi bùn còn ở trong nước . Giai đoạn Thái tử thành Phật giáo hoá chúng sanh dụ như hoa sen ra khỏi nước trổ hoa đẹp tỏa hương thơm . Đức Phật là một con người như bao nhiêu người trong cõi đời này .

 

Trước khi tu Ngài cũng thọ hưởng dục lạc như mọi người , đâu phải Ngài ra đời liền trường chay tuyệt dục chứng quả . Ngài cũng sống như mọi người nhưng có cái khác là Ngài chứng kiến cảnh sanh già bệnh chết liền thức tỉnh đi tu, tu một thời gian Ngài thành Phật đi giáo hoá chúng sanh . Cuộc đời của chúng ta có khác cuộc đời Ngài không ? Nếu đứng về hoa sen mà nói thì không khác, Ngài là mầm sen ở trong bùn, chúng ta cũng là mầm sen ở trong bùn .

 

Mầm sen của Ngài từ bùn chui ra khỏi bùn, vượt lên khỏi nước trổ hoa . Chúng ta nếu cố gắng thì mầm sen của chúng ta cũng vượt khỏi bùn, nhô lên khỏi nước và trổ hoa . Nhưng khác ở chỗ, Ngài ở trong dục lạc chứng kiến cảnh tượng già, bệnh, chết, nghiệm thấy rõ cuộc đời ai sanh ra lớn lên rồi cũng già bệnh, chết ; lớp người trước như vậy lớp người sau cũng như vậy và mãi mãi như vậy . Ngài không chấp nhận nên từ bỏ đế nghiệp đi tu .

 

Còn đa số chúng ta ai cũng chứng kiến cảnh già, bệnh, chết, chứng kiến rất nhiều lần mà có mấy ai thức tỉnh đi tu như Ngài . Đó là vì ngó sen của chúng ta cứ mải chui dưới bùn không chịu ngoi lên khỏi nước để trổ hoa . Sở dĩ hoa sen được người đời quý là vì hoa sen mọc từ bùn nhơ nước đục mà trổ hoa đẹp tỏa hương thơm . Nếu sen mọc ở chỗ nào cao ráo sạch sẽ thì không quý . Quý ở chỗ mọc trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn, lại nở hoa đẹp toả hương thơm thanh khiết . Cũng vậy nếu Phật sanh ra tu liền thì không quý . Quý vì Ngài ở trong cõi trần cũng nhiễm dục lạc như mọi người, nhưng Ngài tỉnh giác cái khổ của thế gian rồi đi, đi tu mới thành Phật .

 

 Hiểu rõ câu chuyện chúng ta mới thấy Đức Phật xứng đáng ngồi trên đài sen . Qua ý nghĩa trên, chúng ta lại thấy một điều đáng quý nữa là không bao giờ Đức Phật nói Ngài khác với chúng ta . Vì có ngó sen nào khác với ngó sen nào đâu, chỉ có khác ở chỗ, một bên thì ở trong bùn mãi không chịu chui ra khỏi bùn, một bên thì chui ra khỏi bùn . Như vậy, Phật và chúng sanh bình đẳng, nghĩa là Phật và chúng ta đều được sanh ra và lớn lên như nhau, nếu chúng ta tu thì cũng thành Phật như Ngài . Chúng ta không nên mặc cảm rằng chỉ có Phật mới thành Phật, chúng ta phàm phu không thể thành Phật . Phật và chúng sanh rất gần nhau, chỉ có cách biệt Phật thì giác, chúng sanh thì mê .

 

Con người Phật sanh ra như vậy, chúng ta sanh ra cũng như vậy, tại sao chúng ta chịu thua rồi than khổ ? Phật giác ngộ nên hết khổ, chúng ta không chịu giác ngộ cứ chấp nhận khổ hoài ! Phật không bảo chúng ta phải xuất gia tu như Ngài , tuỳ theo căn cơ hoàn cảnh của mỗi người mà dạy pháp thích hợp cho tu . Người ở tại gia Phật dạy tu theo hạnh tại gia, người xuất gia Phật dạy tu theo hạnh xuất gia . Không phải chỉ có xuất gia mới tu được, tại gia tu không được . Nếu ở nhà tu không được chắc gì vô chùa tu được . Trọng tâm tu hành không phải ở nhà hay ở chùa, mà là mê hay tỉnh . Ở nhà mà tỉnh là có tu, ở chùa mà mê là không tu . Vậy mê là thế nào, tỉnh là thế nào? Mê là say sưa chạy theo dục lạc không dừng . Tỉnh là biết thân này tạm bợ , tất cả dục lạc thế gian cũng giả dối không đắm mê đuổi bắt .

 

Làm sao biết thân này giả dối ? Thân này có hai phần, nội tứ đại và ngoại tứ đại . Nội tứ đại là đất nước gió lửa bên trong : chất cứng là thịt xương … thuộc về đất, chất ướt là máu , mồ hôi …thuộc về nước, động là hơi thở thuộc về gió, hơi ấm thuộc về lửa, bốn món đó hợp lại mới thành thân người . Nhưng thân người hoàn thành, tự nó không tồn tại, mà phải nhờ ngoại tứ đại bồi bổ mới sống còn . Ngoại tứ đại bồi bổ bằng cách nào? Tôi xin hỏi hiện tại lỗ mũi quý vị đang làm gì? – Đang thở . Hít không khí vô là mượn, thở ra là trả . Mượn trả, mượn trả đều đều như vậy thân này mới sống. Trả ra mà không mượn vào chừng năm phút là chết ngay. Khát uống nước là mượn vào, một lát trả ra ; đói ăn vài chén cơm là mượn vào, một ngày là trả ra . Nếu chúng ta mượn trả đều đều và thông suốt thì sống, mượn trả không đều và không thông thì bệnh hoặc chết . Như vậy hạnh phúc con người là gì ?

 

Là mượn đều đặn và trả suôn sẻ . Nếu mượn không đều trả không suôn sẻ đi bệnh viện cấp cứu thì hết hạnh phúc rồi . Cuộc sống của con người là mượn trả tứ đại, vậy chúng ta phải khéo mượn để trả cho suông . Chẳng hạn khát, mượn nước thiên nhiên trong sạch tiêu dùng một lát trả ra là tốt rồi . Nhưng có người khát chê nước thiên nhiên không ngon, tìm nước cam, nước yến … uống cho ngon miệng . Đói, mượn vài bát cơm với tương rau đậu hũ tiêu dùng, đủ dinh dưỡng qua một ngày trả ra là tốt rồi . Nhưng có người đói không chịu ăn, đòi cao lương mỹ vị nên phải nhọc nhằn tìm kiếm . Do đòi hỏi những cái cầu kỳ quá đáng nên khổ .

 

Người mượn như vậy là không hiểu lẽ thật, vừa nhọc công, vừa tốn kém, thêm bệnh hoạn, khổ nhiều . Nếu mượn đơn giản thì ít tốn kém, ít cực, ít bệnh, bớt khổ . Nơi thân này chúng ta tỉnh giác thấy nó hư dối không thật do tứ đại giả hợp mà thành, mà do vay mượn tứ đại mà tồn tại không có gì là quan trọng nên không lệ thuộc nó, chúng ta liền bớt khổ ngay trong đời này . Nếu chúng ta không tỉnh giác thấy thân này quan trọng, cưng quý nó, tìm cầu những món cao lương mỹ vị cung phụng cho nó được thỏa mãn thì khổ triền miên .

 

Đó là cái vay mượn của thân . Sau đây là sự vay mượn của tâm . Mọi người chúng ta ai cũng cho cái hiểu biết phân biệt tốt xấu hay dở … là tâm mình . Song mới ra đời chúng ta đâu đã biết suy nghĩ phân biệt tốt xấu hay dở . Lớn lên nhờ học nơi cha mẹ, nơi thầy bạn, nơi sách vở mới có . Thế mà chấp cái hiểu biết phân biệt đó là mình, chấp cái mình nghĩ là hay là đúng, ai nghĩ khác mình là sai . Vì ai cũng cho cái mình nghĩ là đúng nên gặp nhau liền cãi, tranh đấu gây đau khổ cho nhau . Trong gia đình vợ chồng cha con rầy rà cãi vã nhau, ngoài xã hội người này cãi lộn tranh chấp với người kia, nhóm này tranh đấu với nhóm nọ … không đồng ý kiến là mình nghĩ thế này mình cho là đúng, người khác nghĩ thế khác cũng cho là đúng .

 

Ai cũng thấy ý mình nghĩ là đúng, là chân lý . Nhưng xét lại ý nghĩ của mình có phải là chân lý không ? Ý nghĩ của mình không phải là của mình tại sao bắt người phải làm theo mình ? Đây là cái sai lầm rất lớn . Người biết tu là phải tu cái tâm của mình là xả bỏ kiến chấp . Mình có quyền nghĩ thế này, ngưòi khác cũng có quyền nghĩ thế khác . Mình nghĩ thế này chỉ nói với mọi người rằng đây là cái nghĩ của tôi, tôi không nói đúng sai . Người khác cũng nói đây là ý nghĩ của tôi, không nói đúng sai thì không cãi lẫy tranh chấp . Đó là người biết tôn trọng chân lý . Đạo Phật tôn trọng tự do nơi nội tâm của mỗi người . Mỗi người có quyền phát biểu ý kiến theo ý nghĩ của họ, mình không vì bất đồng ýkiến với họ mà buồn giận . Tăng Ni và Phật tử hiểu được lẽ này thì cuộc sống hàng ngày rất là nhẹ nhàng thoải mái .

 

Nhiều khi thấy thật đáng thương, hai người đang thân thiện vui vẻ, chỉ vì hai ý kiến bất đồng nhau liền cãi lẫy đánh lộn gây thương tích, gây đau khổ cho nhau . Nếu biết thân này do tứ đại giả hợp, ăn uống là vay mượn, huyễn hóa không thật ; tất cả những suy nghĩ cũng vô thường chợt hiện chợt mất , không chắc là đúng, không phải là chân lý . Đạo Phật dạy cho con người cách sống để tự mình không khổ và làm khổ lây cho người khác . Người học Phật không biết sống theo Phật, cứ cho ý kiến mình là đúng, là chân lý ; ai nghĩ khác nói khác thì cãi lộn đánh lộn, đó là người mê cố chấp . Người ở chùa mà thấy thân này là thật, ăn uống là quan trọng ; những nghĩ suy là tâm mình, là chân lý, ai nói làm khác ý mình liền tức giận, người đó tuy ở chùa mà vẫn còn mê cũng còn khổ .

 

Giá trị của sự tu không phải ở nhà, không phải ở chùa, mà ở chỗ đối với thân tâm và cảnh vật tỉnh hay mê . Mê thì ở đâu cũng khổ, ở nhà cũng khổ ở chùa cũng khổ . Tỉnh ở đâu cũng vui, ở nhà cũng vui, ở chùa cũng vui . Hiện tại đa số người tu Phật ít có người biết và thực hành như vậy, chỉ biết ăn chay gõ mõ tụng kinh, thì làm sao hết khổ ? Mọi người chúng ta ai sanh ra đời cũng mê, nhưng nhờ học đạo lần có tỉnh . Tu theo đạo Phật không phải chuyện mầu nhiệm linh thiêng như đa số Phật tử nghĩ là đi chùa thắp ba cây hương lạy Phật, khấn nguyện cầu xin Phật ban cho gia đình con an vui hạnh phúc, con cái thi đỗ làm quan… việc này Phật có cho được không ? Nếu chồng vợ cứ cố chấp bảo thủ ý riêng của mình và cãi nhau hoài thì làm sao an vui hạnh phúc ? Con cái lười biếng dốt học thì làm sao thi đỗ ? Người cố chấp thì bị trói buộc, lúc nào tư tưởng cũng lăng xăng loạn động .

 

Không cố chấp thì ít loạn tưởng, nhẹ nhàng thảnh thơi . Sở dĩ chúng ta ngồi thiền, hết nghĩ chuyện này tới nghĩ chuyện kia không phút giây dừng nghỉ là do cố chấp . Nghe người nói một câu vừa tai cũng nhớ, nghe người nói một câu xúc não cũng nhớ, nhớ hoài không quên, ôn tới ôn lui nhớ hoài không bỏ. Nhớ lời ưa thích là tham, nhớ lời xúc não là sân . Tham sân tích lũy đầy dẫy cho nên mất tự chủ, ngồi lại vọng tưởng cứ trồi lên không yên, thấy toàn phiền não chớ không thấy đạo lý an vui . Lúc đó tuy mắt tai không thấy nghe những vật bên ngoài mà cảnh tượng âm thanh vẫn cứ dấy khởi, khởi hết chuyện này tới chuyện khác, thật lao nhọc . Sở dĩ thế là do cố chấp, chuyện tốt cũng nhớ, chuyện xấu cũng nhớ, không chịu buông xả nên tu không tiến . Chúng talúc nào cũng phải nhớ :- Thứ nhất Phật là con người cũng ở trong dục lạc, chúng ta là con người cũng say mê dục lạc .

 

Đức Phật tỉnh giác xa lià dục lạc đi tu thành Phật . Nếu chúng ta tỉnh giác, xa lià dục lạc đi tu thì cũng sẽ thành Phật như Ngài . Vì Ngài là con người, chúng ta cũng là con người, cái gì Ngài làm được chúng ta cũng có thể làm được ; - Thứ hai , thân mạng này không thật, mà trăm người đều thấy nó thật nên muốn thụ hưởng tất cả dục lạc ở thế gian . Dục lạc thế gian hưởng càng nhiều thì bệnh càng lắm, cái chết kề bên . Sống thanh đạm chừng mực xa lìa dục lạc nhẹ nhàng ít bệnh, ít khổ ; -Thứ ba, do cố chấp mà sanh ra tranh chấp phiền muộn làm cho gia đình bất an, xã hội xáo trộn . Xả bỏ hết cố chấp thì gia đình hạnh phúc, xã hội an bình, nhân loại hết đau khổ . Đó là những điều tôi nhắc nhở mong Tăng Ni và Phật tử học hiểu, thực hành cho đúng để được an vui hạnh phúc.

Tác giả bài viết: HT: Thích Thanh Từ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây