Khi gặp khó khăn đổ thừa nghiệp quả liệu có đúng?

Thứ bảy - 07/03/2020 11:43
Hỏi: Kính bạch thầy, thông thường khi gặp việc khó khăn rắc rối không may trong đời sống, thì người ta lại đổ thừa trút hết cho nghiệp quả, tại, bị nghiệp thế này, thế kia nên mới phải chịu như vậy. Vậy nghiệp là gì mà khiến cho người ta đảo điên như vậy? Và tại sao phải đổ thừa cho nghiệp
Khi gặp khó khăn đổ thừa nghiệp quả liệu có đúng?

Đáp: Sự có mặt của con người ở cõi đời nầy là kết quả của nghiệp nhân đã gây tạo từ trong quá khứ. Cái báo thân mà chúng ta đang mang đây là tiếp nối của nghiệp quả đời trước và đồng thời cũng đang gây tạo nghiệp nhân trong đời nầy và đời sau. Như vậy, cái thân nầy là vừa trả cái nghiệp cũ đời trước mà cũng vừa gây tạo thêm nghiệp mới trong hiện tại và tương lai. Theo luật nhân quả, khi chúng ta đã gây ra nghiệp lành hay dữ thì sớm muộn gì cũng đều phải trả. Kinh nói: "Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ". Nghĩa là, dù trải qua trăm ngàn kiếp, chỗ tạo nghiệp của mình không có mất, khi nhân duyên đến rồi, quả báo phải chịu trả mà thôi.

Nghiệp, trong đạo Phật không chấp nhận và cho phép chúng ta phải phó mặc buông xuôi như thế.

Nghiệp, trong đạo Phật không chấp nhận và cho phép chúng ta phải phó mặc buông xuôi như thế.

Sách Nho cũng có câu: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng, hành tàng hư thiệt tự gia tri, họa phước nhơn do cánh vấn thùy, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì". Nghĩa là, làm lành hay làm dữ cuối cùng rồi cũng phải trả, đừng có hòng cao bay xa chạy mà tránh khỏi. Hành động của mình giả dối hay chân thật thì tự mình biết, họa hay phước cũng đừng có hỏi ai, nó chỉ đến với mình sớm hay muộn mà thôi. Đã thế, thì sao gọi là đổ thừa hay trút hết cho nghiệp? Đã có vay thì phải có trả. Điều đó là lẽ tất nhiên. Bởi nhân quả báo ứng là một chân lý phổ biến trùm khắp cả vũ trụ không vật nào thoát khỏi.

Phật tử hỏi: Nghiệp là gì mà khiến cho người ta đảo điên như vậy? Và tại sao phải đổ thừa cho nghiệp?

Không phải đổ thừa cho nghiệp rồi mình buông xuôi tới đâu hay đó. Mà mình có thể chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt và quyết không đầu hàng buông xuôi theo nghiệp.

Không phải đổ thừa cho nghiệp rồi mình buông xuôi tới đâu hay đó. Mà mình có thể chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt và quyết không đầu hàng buông xuôi theo nghiệp.

Vấn đề nhân quả nghiệp báo chúng tôi cũng đã có trả lời qua một vài câu hỏi trong 100 câu hỏi Phật Pháp tập 2. Phật tử muốn biết rõ hơn về vấn đề nầy thì nên xem lại quyển sách đó. Ở đây, tôi không muốn lặp lại nhiều những gì đã giải thích. Tuy nhiên, Phật tử đã hỏi thì tôi cũng xin trả lời một cách đại khái như sau:

Nghiệp, không có gì là viễn vông mơ hồ huyền hoặc khó hiểu, mà nó rất thực tế chi phối cả đời sống của chúng ta. Nghiệp nguyên tiếng Phạn là Karma, Trung Hoa dịch là nghiệp, tiếng việt gọi là hành động tạo tác được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Nghiệp còn có các tên gọi khác như: tập khí, chủng tử... Đã là thói quen, tất nhiên, nó có thói quen tốt và thói quen xấu. Nói cách khác là nghiệp lành hoặc nghiệp dữ. Động cơ tạo thành thói quen lành, dữ, tốt, xấu là do ba nghiệp: "Thân, Ngữ, Ý". Chính do ba chỗ tạo thành thói quen nầy mà đời sống của chúng ta có những biến đổi xấu, tốt, lành, dữ khác nhau. Nếu tạo thành thói quen tốt thì kết thành quả báo tốt. Ngược lại, nếu chúng ta gây nghiệp xấu ác, thì chúng ta phải lãnh lấy quả báo xấu ác. Phải chịu nhiều điêu đứng thất điên bát đảo như Phật tử đã nói.

Thói quen là do chính chúng ta gây ra và nó trở lại có một sức mạnh phi thường (nghiệp lực) lôi cuốn chi phối đời sống của chúng ta. Như thói quen cờ bạc, rượu chè, hút xách, chơi bời đàn điếm... khi những thói quen nầy đã trở thành ghiền nặng rồi thì gây cho ta lắm điều đau khổ hệ lụy. Không những đau khổ cho bản thân mình mà còn gây họa hại cho gia đình và xã hội nữa. Trong nhà Phật có nêu ra hai loại thói quen: cũ và mới. Thói quen cũ lâu đời (căn bản chủng tử) nó có gốc rễ sâu xa thật khó trừ khó đoạn. Như những thói quen tham, sân, si, mạn, nghi... Những thói quen nầy chúng có một sức mạnh phi thường làm chủ chi phối đời ta. Nếu nghe theo mệnh lệnh của nó sai khiến thì, chúng ta tạo ra vô số nghiệp ác. Từ đó, chúng ta phải bị trầm luân sa đọa thọ khổ.

Thói quen mới (tân huân chủng tử) đây là những thói quen do ta bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội mà chúng ta đang sống. Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Nếu ảnh hưởng bởi môi trường tốt thì, chúng ta có những thói quen lành mạnh tốt. Như thói quen đọc sách, thể dục, thể thao, từ thiện, đi chùa, bố thí, cúng dường, lạy Phật, tụng Kinh, niệm Phật ... Do chúng ta huân tập những thói quen tốt nầy lâu ngày, nó trở thành có một sức mạnh rất lớn. Chính nó là nguyên động lực thúc đẩy dẫn dắt đời ta đi trên con đường giác ngộ hành thiện. Kết quả nó sẽ mang đến cho ta nhiều điều tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.

Nói tóm lại, nghiệp quả là do chúng ta gây ra và chúng ta phải chịu trách nhiệm nhận lấy, không đổ thừa đổ tháo cho ai cả. "Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa" (Truyện Kiều).

Tại sao phải đổ thừa cho nghiệp?

Đổ thừa là một căn bệnh phổ thông triền miên của con người. Không ai chịu nhận lấy trách nhiệm về mình. Dù mình gây ra tội lỗi đầy trời nhưng cũng không bao giờ chịu nhận lấy. Thường thì hễ cái gì có lợi, tốt đẹp là cái đó thuộc về mình, còn cái gì xấu xa bất lợi thì đổ thừa cho kẻ khác. Những hành động sai trái khi việc đó xảy ra thì, người ta hay đổ thừa trút hết cho nghiệp. Nếu nhìn hạn cuộc những việc xảy ra trong hiện tại, thì đây quả là một cách chạy tội không dám nhìn nhận cái kết quả do chính hành động bất thiện của mình gây ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn bằng cặp mắt nhân quả báo ứng xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai thì, chúng ta sẽ có một cách nhìn khác. Trên đời, không có một việc gì xảy ra mà không có cái nguyên nhân của nó. Nếu không có lửa thì làm sao có khói? Nhìn khói là ta biết có lửa. Nhìn quả là ta biết có nhân. Nếu không có nghiệp nhân thì không bao giờ có nghiệp quả. Không gieo hạt ớt thì làm sao có trái ớt? Đó là nói theo nguyên tắc luật định của nhân quả. Tuy nhiên, nếu nói một cách nghiêm khắc tỉ mỉ hơn thì, chỉ có một hạt ớt đơn thuần không thể nào tạo thành có trái ớt được. Mà nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố trợ duyên tốt khác nữa. Bởi nhân quả được đặt định trên chiều thời gian. Cho nên việc đổ thừa cho nghiệp cũng không hẳn là hoàn toàn vô lý. Có những nghiệp nhân gây ra vì trải qua thời gian lâu xa nên chúng ta không biết, nay đến thời điểm chín mùi tất nhiên là ta phải nhận lấy. Duy Biểu học gọi đây là quả Dị thục.

Việc đổ thừa cho nghiệp mới nghe qua như là một cách chạy tội, không dám nhận lãnh hành động xấu ác hay nghiệp quả do chính mình gây ra, nhưng xét cho kỹ thì đó là một sự thật. Điều đáng nói và đáng trách ở đây là, những gì mà mình đã gây ra, dám làm thì phải dám chịu, phải can đảm thành thật mà nhận lấy trách nhiệm, quyết không đổ thừa đổ trút cho ai cả. Có thế, thì mình mới ăn năn hối cải và quyết tâm vươn lên làm mới lại cuộc đời. Đó không phải là hành động khiếp nhược mà là hành động dũng mãnh cang cường có ý thức. Không phải đổ thừa cho nghiệp rồi mình buông xuôi tới đâu hay đó. Mà mình có thể chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt và quyết không đầu hàng buông xuôi theo nghiệp. Không khéo là chúng ta rơi vào chủ thuyết định mệnh phó mặc cho định mệnh an bày. Nghiệp, trong đạo Phật không chấp nhận và cho phép chúng ta phải phó mặc buông xuôi như thế.

Kính chúc Phật tử hành động sáng suốt theo lý nhân quả để có được một cuộc sống tràn đầy an lạc hạnh phúc.

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây