Nhẫn nại trước khen chê

Thứ tư - 11/12/2019 09:08
Ở đời, bị mang tiếng xấu cũng là chuyện thường. Có thể tiếng xấu ấy bắt nguồn từ những hành vi hay lời nói trước đó của mình nhưng cũng có thể, tiếng xấu ấy là sự hiểu lầm, thậm chí là sự vu oan giá họa của kẻ tiểu tâm.
Nhẫn nại trước khen chê
Dư luận có sức mạnh đặc thù. Về phương diện tích cực, nó có thể góp phần mạnh mẽ để chuyển hóa cái xấu ác thành hiền thiện. Phương diện khác, dư luận cũng có thể đẩy người ta đến thân bại danh liệt, thậm chí là tìm đến cái chết.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia đùa giỡn với vợ con của gia chủ, bị mang tiếng xấu. Lúc đó Tỳ-kheo tự nghĩ:
- Nay ta hỏng mất, mang tiếng xấu chung đụng vợ con người. Nay ta muốn tự sát ở trong rừng này.

Lúc ấy Thiên thần ở trong rừng kia tự nghĩ: ‘Không tốt, hỏng mất rồi! Tỳ-kheo này không hư hỏng, không lỗi lầm mà muốn tự sát ở trong rừng. Bây giờ, ta hãy đến đó tìm cách khai ngộ’.
Lúc ấy, Thiên thần kia hóa thân thành con gái của gia chủ, nói với Tỳ-kheo rằng: ‘Nơi các đường làng, giữa các ngã tư đường, mọi người đều đồn tiếng xấu về tôi và ngài rằng đã gần gũi nhau, làm những việc bất chính. Vốn đã mang tiếng xấu rồi, bây giờ có thể hoàn tục để cùng nhau hưởng lạc’.

Tỳ-kheo đáp:

- Nơi các đường làng, giữa các ngã tư đường, mọi người đều đồn tiếng xấu về tôi và các cô đã cùng gần gũi nhau, làm những việc bất chính. Hôm nay tôi chỉ còn tự sát’. Lúc ấy, Thiên thần kia liền hiện lại thân Trời, nói kệ:

 
Tuy mang nhiều tiếng xấu
Người khổ hạnh nên nhẫn
Không vì khổ, tự hại
Cũng không nên sanh phiền.
Nghe tiếng mà sợ hãi
Ấy là thú trong rừng
Là chúng sanh khinh tháo
Không thành pháp xuất gia.
Nhân giả nên nhẫn nại
Không vướng vào tiếng xấu
Giữ tâm, trụ vững chắc
Đó là pháp xuất gia.
Không vì người ta nói
Mà mình thành giặc cướp
Cũng không vì người nói
Mà mình đắc La-hán.
Như ngài đã tự biết
Chư Thiên cũng biết vậy.

Sau khi được Thiên thần kia khai ngộ rồi, chuyên tinh tư duy, đoạn trừ các phiền não, đắc A-la-hán.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1344)
 
Vị Tỳ-kheo trong pháp thoại ở trên có hành vi thiếu đoan chính, phóng túng, nhả cợt, đùa giỡn với người nữ khiến mọi người đàm tiếu, chê cười. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó vì “tam sao thất bản”, người ta tiếp tục vẽ vời, đồn đãi Tỳ-kheo có quan hệ bất chính với nữ sắc khiến ông xấu hổ, nhục nhã đến độ muốn tự sát.

Trong sự cố này, xấu hổ và nhục nhã là điều nên có nhưng tự sát thì thật sai lầm. Vì sao? Nếu có lỗi thì sám hối, có sai thì chỉnh sửa thân tâm để hoàn thiện, đó là chưa nói đến lỗi lầm ở đây chưa đến độ đánh mất giới thể. Mặt khác, tự sát cũng đâu giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho tội nghiệp nặng nề hơn.

Kinh văn cũng nêu rõ quan điểm, trước áp lực đa chiều của dư luận mà thiếu bình tĩnh, kém nhẫn nại, phiền muộn và đau khổ muốn tự sát là điều chẳng nên; với người tu lại càng không nên.

Người con Phật hãy bình tâm, tỉnh giác tiếp thu dư luận. Nếu dư luận phản ánh đúng và góp ý hay, hãy kính cẩn ghi nhận để sửa đổi. Nếu dư luận chỉ là cảm tính, a dua theo số đông thì hãy an nhiên. Bởi dư luận chỉ tác động có tính khách quan, còn bản chất thiện hay ác mỗi người tự biết, nhân quả mỗi người tự hưởng hay tự chịu.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây