Nhường những chuyện đáng nhường thì có phước rất lớn

Thứ tư - 17/08/2022 15:28
Nhường nhịn là tốt, tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý: Nhường những chuyện đáng nhường thì có phước rất lớn; nhường những chuyện không đáng nhường, những chuyện không nên, không phải thì lại mang tội.
Nhường những chuyện đáng nhường thì có phước rất lớn

Ví dụ nhà có ba anh em trai, cha mẹ chết đột ngột, không để lại di chúc, không kịp chia gia tài. Theo luật pháp thì tài sản phải thanh lý hết và chia đều cho mỗi người con. Tuy nhiên, người anh cả nói rằng nhà để thờ tổ tiên không thể bán. Anh ta tự chia cho ba anh em và dành phần lớn hơn cho mình. Người anh thứ hai không đồng ý vì phần của mình ít hơn, lời qua tiếng lại, tranh giành nhau mãi mà không giải quyết được. Người em út thấy vậy liền nói “Thôi, em nhường phần đất của em cho anh Ba để anh bằng với anh hai. Em được ba mẹ nuôi cho ăn học đến ngày hôm nay là đã rất may mắn, bây giờ em đã trưởng thành, có thể tự làm việc kiếm tiền để nuôi sống bản thân. Em xin không nhận phần gia tài của cha mẹ, để anh ba không bị thiệt thòi. Hai anh hãy ở đây để trông coi và giữ gìn mảnh đất hương hỏa.”

Nói rồi người em út ra đi, đến một nơi thật xa thuê nhà và tìm việc làm để bắt đầu cuộc sống mới. Không lâu sau đó, thì nghe tin ở nhà hai người anh đã bán nhà đi nơi khác ở, từ đó họ bặt tin nhau. 30 năm sau người em vô tình gặp lại anh Hai trong hoàn cảnh hết sức trái ngang. Em thì lịch sự, giàu có, đi xe hơi, anh thì lôi thôi, lếch thếch lang thang bán vé số ngoài lề đường. Hỏi ra mới biết, anh Ba cũng thê thảm không kém.

Hai người anh chỉ vì tham lam, giành giật một chuyện sai lầm bất nghĩa nên quả báo trở lại là nghèo khổ. Người em vì một lần nhường nhịn chuyện có nghĩa nên quả báo được giàu sang, giàu không chỉ đời này mà còn nhiều đời sau nữa.

Nhân quả không sai chạy là vậy.

Trước đây, có câu chuyện của một vị thầy cũng liên quan đến nhân quả như thế. Đúng ra vị thầy đó sẽ là người kế thừa và trụ trì chùa khi sư phụ mất, nhưng một người sư đệ đã công khai tranh giành. Ông ta rêu rao rằng sư huynh mình là người kém cỏi, không thể làm trụ trì được, rằng chỉ có ông ta mới xứng đáng tiếp nhận vị trí đó. Ông ta làm đủ mọi cách để vận động, lôi kéo Phật tử về phía mình. Thấy người sư đệ quá ham muốn làm trụ trì nên nửa đêm vị thầy đã lặng lẽ đón xe ra đi, xin tu ở một chùa khác, nhường chùa lại cho người sư đệ.

Bẵng đi một thời gian, khi vị thầy trở lại thăm chùa xưa, thì người sư đệ của mình đã hoàn tục và kịp có 4 đứa con nheo nhóc. Tâm giành giật khiến cho người này không còn đủ phước để tu nữa. Còn thầy, vì biết nhường nhịn đúng nên sau này đi đến đâu làm trụ trì tới đó, đi đến đâu người ta đưa lên chức cao tới đó. Nhân quả rất công bằng.

Hoặc như trong công ty có mình và một người nữa đang là ứng cử viên cho vị trí quản lý. Biết người đó vừa không tốt, vừa không có thực tài, chỉ được cái khéo miệng, nhưng vì không muốn tranh đua nên mình tự động xin rút lui và nhường cho người đó chức quản lý. Kết quả là sau một thời gian người đó làm cho cả công ty đi xuống, nhân viên khổ sở, mệt mỏi. Sự nhường nhịn của mình vô tình tạo tội.

Nhường nhịn là tốt, tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý: Nhường những chuyện đáng nhường thì có phước rất lớn; nhường những chuyện không đáng nhường, những chuyện không nên, không phải thì lại mang tội.

Theo Thượng Tọa Thích Chân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây