Ngày Tết, mọi nhà đều dự trữ nhiều thức phẩm để đãi khách và sử dụng cho gia đình, từ những món ăn ngọt như bánh, mứt (mua hoặc tự làm) đến các món mặn: thịt nguội, lạp xưởng, bò khô, dưa cải muối. Nếu việc dự trữ, chế biến thức ăn không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc thức ăn.
Nếu việc dự trữ, chế biến thức ăn không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc thức ăn.
Cách phòng tránh ngộ độc thức ăn
- Để khỏi bị nhiễm độc, tốt nhất bạn nên ra chợ tự mua thực phẩm, chọn những con vật (cá, tôm, gà vịt...) đang còn sống, cử động được.
- Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình và dĩ nhiên nên lưu lại các hóa đơn mua hàng để sau đó nếu có ngộ độc xảy ra còn biết do loại nào, do ai bán... để làm các thủ tục pháp lý và đền bù thỏa đáng.
- Cần lưu ý đến ngay cả khâu chế biến thực phẩm của mỗi cá nhân và gia đình. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải thật sạch. Sắn (khoai mì) chứa xyanua, cả trong phần thịt và phần vỏ (thường có hàm lượng cao hơn).
- Cách tốt nhất để loại bỏ xyanua trong khoai mì là phải lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, trong lúc luộc nên mở nắp nồi để xyanua bay đi. Đối với khoai tây, khoai mì, đậu phộng, người tiêu dùng hoàn toàn không nên dự trữ lâu.
- Để tránh ngộ độc solanin có trong khoai tây, không nên ăn những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu. Nên thận trọng với những thức ăn để lâu hay bảo quản không tốt mà chuột, bọ, dán, ruồi... có thể động chạm đến.
- Nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp: các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ 2-3 lần trước khi ăn.
- Bảo quản thực phẩm hợp lý: các loại vi khuẩn tiềm ẩn sẽ phát triển rất nhanh nếu thực phẩm không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.
- Sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì bảo quản trong tủ lạnh và hâm lại trước khi ăn.
- Các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá.
- Loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.