Gan là cơ quan lớn nhất và quan trọng nhất trong cơ thể, nằm dưới khung sườn bên phải, phía trên dạ dày. Gan đảm nhiệm các chức năng: Dự trữ các vitamin, khoáng chất, sắt và đường cho cơ thể và chuyển hóa thức ăn. Sản xuất protein cơ bản và các yếu tố đông máu. Kiểm soát nồng độ các nội tiết tố và các chất hóa học trong máu. Loại bỏ các chất hóa học độc hại.
Bạn không thể sống mà không có gan. Nếu gan bị bệnh hay tổn thương, chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng và bạn có thể nhận thấy sức khỏe của mình bị thay đổi. Tổn thương gan do virus viêm gan C có thể tiến triển chậm qua nhiều năm, vì vậy việc phát hiện và điều trị là rất quan trọng.
Viêm gan do virus C được xem là “căn bệnh thầm lặng” vì nhiều người bị nhiễm virus mà không có bất kỳ triệu chứng nào và cũng không cảm thấy có bệnh. Virus này chỉ có thể phát hiện sau nhiều năm bị lây nhiễm, hoặc đã ở giai đoạn muộn như xơ hóa, xơ gan, ung thư gan. Hiện, căn bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa.
Virus viêm gan A và B có thể trở nên nguy hiểm hơn ở người đã nhiễm virus viêm gan C. Việc tiêm ngừa cả 2 virus viêm gan A và B có thể giúp phòng ngừa tình trạng nguy hiểm này.
Các chuyên gia y tế cho biết, bạn sẽ không bị nhiễm hoặc bị lây truyền virus viêm gan C khi hắt hơi, ho, hôn, sử dụng chung dụng cụ ăn uống, phòng tắm hay phòng vệ sinh hoặc qua một số hành vi giao tiếp hàng ngày. Mặt khác có những biện pháp mà bạn có thể thực hiện để phòng tránh sự lây nhiễm bằng cách:
1. Tránh sử dụng chung kim tiêm và các dụng cụ tương tự như: dụng cụ xăm mình, tiêm thuốc, châm cứu hoặc xỏ lỗ tai.
2. Tránh các hoạt động tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu và tránh giao hợp trong thời gian "đèn đỏ" (bao cao su sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiễm).
3. Làm sạch các vết máu (mang găng tay cao su và dùng chất khử trùng).
4. Phụ nữ nên cẩn thận trong thời gian "đèn đỏ" và nên bỏ băng vệ sinh đã sử dụng vào nơi an toàn.
5. Tránh sử dụng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân (như bàn chải răng, dao cạo râu hoặc dụng cụ cắt móng) vì chúng có thể có các vết máu khô.