Từ củ mài, người ta chế biến nhiều món ăn ngon, ngoài ra củ mài sau khi chế biến còn là vị thuốc được dùng nhiều trong Đông y (gọi là hoài sơn hay sơn dược). Bộ phận dùng là rễ phình ra thành củ, dùng sống thường gọi là củ mài. Thành phần: trong củ mài chủ yếu có tinh bột, protein, allatoin, các acid amin, ngoài ra có nhiều nguyên tố vi lượng. Theo Đông y, củ mài vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, phế, thận và vị. Có tác dụng kiện tỳ, bổ thận, nhuận phế, sinh tân, ích tinh sáp niệu. Dùng cho các chứng tỳ hư, phế hư, thận hư với các triệu chứng ăn kém, chậm tiêu, tiêu chảy, gày còm mỏi mệt, ho lâu ngày, di tinh liệt dương, đái dắt tiểu ít, đái hạ (huyết trắng), tiểu đường... Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc chữa bệnh đường ruột từ cháo bột củ mài.
Nước bột gạo củ mài: Củ mài 100g, khiếm thực 100g, xuyên tiêu 30g, gạo nếp 1.000g, đường trắng 30g. Gạo nếp ngâm một đêm, vo sạch, để khô, rang chín, tán bột. Củ mài, khiếm thực, xuyên tiêu đều sao qua, tán bột. Trộn đều hai thứ bột với nhau để sẵn. Mỗi lần ăn, lấy 30 - 60g pha với nước sôi, đường trắng. Dùng cho các trường hợp ăn kém, chán ăn, chậm tiêu do tỳ vị hư nhược.
Hồ cháo củ mài:
Củ mài, số lượng tuỳ ý, sao vàng tán bột để sẵn, để khuấy bột với nước cơm, nước hồ, thêm ít muối ăn. Dùng cho các bệnh nhân kiết lỵ, tiêu chảy.
Cháo củ mài: Sơn dược 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng, muối ăn tuỳ ý. Ăn quanh năm, ăn phụ sáng và tối, ăn nóng. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.
Cháo củ mài ý dĩ: Sơn dược 30g, ý dĩ 30g, hạt sen bỏ tâm 15g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 50 -100g. Tất cả nấu cháo thêm đường, muối. Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư, ăn kém chậm tiêu, trướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi toàn thân.
Kiêng kỵ: Người có thấp nhiệt thực tà không được dùng.
Nguồn tin: theo SKĐS
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự