Oresol được sử dụng khá phổ biến, nhất là với các bệnh nhi. Khi trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn, cha mẹ thường hay sử dụng loại thuốc này để bù nước và điện giải. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Phòng khám Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, từng tiếp nhận một bé trai 20 tháng tuổi trong tình trạng sốt, co giật, vật vã kích thích. Sau khi thăm khám và tìm hiểu bệnh sử, bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống dung dịch Oresol nhưng pha sai nồng độ.
Trẻ bị tiêu chảy, mất nước, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, thậm chí đe dọa tính mạng. Oresol với thành phần là muối, đường, khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi.
Tuy nhiên, nếu pha thuốc đặc hơn so với khuyến cáo, hàm lượng muối trong máu của bệnh nhân sẽ tăng lên, gây tình trạng ưu trương, áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, sẽ “hút” nước từ tế bào ra khoảng kẽ, khiến tế bào bị mất nước và “teo” lại.
Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng. Tế bào não bị “teo” khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, có thể hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.
Lưu ý khi dùng thuốc bù nước điện giải cho trẻ
- Sử dụng đúng liều lượng quy định.
- Chỉ dùng dung dịch đã pha trong 24 tiếng, bảo quản kỹ, tránh nhiễm bẩn.
- Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Điều đó khiến các thành phần không đồng nhất và gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
- Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.
- Không pha với nước khoáng, làm sai lệch nồng độ, chỉ nên dùng nước lọc đun sôi, để nguội.
- Theo dõi các triệu chứng của trẻ như phát hiện mất nước, khả năng đáp ứng thuốc... Khi xuất hiện dấu hiệu nặng, bất thường cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bài chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Phương Thanh, bộ môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội.