Húng chanh
Húng chanh còn gọi là rau tần dày lá, rau thơm lông. Tên khoa học là Plectranthus amboinicus, họ hoa môi - Lamiaceae. Húng chanh có chứa tinh dầu giàu hợp chất phenol, salixylat eugenol và sắc tố đỏ colein, kháng sinh mạnh.
Theo Đông y, húng chanh tính ấm vị cay thơm, hơi chua, thơm mùi chanh, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, tiêu độc. Thường dùng làm thuốc chữa bệnh đường hô hấp, ho, viêm họng, hen suyễn, trị ong, kiến, bọ cạp đốt. Ngoài ra có thể dùng húng chanh để tắm ngoài chữa trị bệnh dị ứng. Một số cách dùng húng chanh trị bệnh:
Ứng dụng:
- Chữa bệnh cảm cúm sốt nóng, rét: Lá húng chanh 30g, gừng tươi 3 lát mỏng, hành tươi 3 củ (cả rễ, củ, lá). Đem tất cả sắc (nấu) lấy nước, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày, uống lúc nước còn nóng ấm. Ngày uống 1 lượng như trên, và dùng liền trong 2 ngày.
- Chữa bệnh cảm lạnh, sốt: Lá húng chanh 15g, bạc hà 5g, tía tô 8g, gừng tươi 3 lát mỏng. Đem tất cả nấu lấy nước uống 1 lần trong ngày.
- Chữa ho, viêm họng, khản tiếng: húng chanh, kinh giới, tía tô, hẹ, gừng tươi mỗi thứ 8g sắc với 500ml nước, chia uống ngày 3 lần. Hoặc lá húng chanh rửa sạch, thêm chút muối, ngậm nuốt nước dần. Hoặc húng chanh 10g giã ép nước cốt uống ngày 2 lần. Trẻ em thêm đường, hấp cách thủy uống.
- Chữa hen suyễn có đờm: húng chanh 10g, lá thuốc bỏng 10g ép nước uống khi đi ngủ.
- Chữa đau bụng: vài lá húng chanh thêm chút muối, nhai nuốt nước dần.
- Giảm đau nhức do bị kiến độc đốt, rết, bọ cạp đốt: húng chanh 20g, muối ăn vài hạt, tất cả đem giã nhỏ hoặc nhai kỹ, nuốt nước, bã đắp vào chỗ ong đốt.
Húng quế
Rau húng quế còn gọi là húng chó, húng giổi, é trắng. Tên khoa học là Ocimum basilicum L., họ hoa môi - Lamiaceae. Húng quế chứa tinh dầu thơm mùi chanh pha sả, chứa linalol, cineol, metylchavicol, estragol.
Theo Đông y, húng quế có vị cay, tính nóng, có mùi thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau. Quả có vị ngọt và cay, tính mát, có tác dụng tốt cho thị lực. Toàn cây có tác dụng chữa cảm cúm, cảm sốt nhức đầu, nghẹt mũi, đầy bụng, kém tiêu.
Ứng dụng:
- Chữa bệnh cảm cúm đầy bụng: Húng quế 20g, húng chanh 10g, lá hồng bì 8g, vỏ quýt 6g. Đem tất cả nấu lấy nước để uống, chia làm 2 lần dùng trong ngày. Dùng 3 ngày liền như thế.
- Chữa mỡ máu cao: Lấy hạt húng quế 5-10g đem hãm với nước sôi cùng với đường và mật ong thành một loại đồ uống có tác dụng giảm cholesterol máu...
- Chữa đại tiện táo kết: Hạt húng quế 5-10g, rau mồng tơi 50g. Đem cả hai nấu canh để ăn.
- Chữa viêm họng: Húng quế 20g, củ rẻ quạt 6g, gừng tươi 5 lát. Đem tất cả nấu lấy nước, và chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
- Chữa đau đầu, ho viêm họng, bồn chồn, đau đầu chóng mặt: lá và hoa khô hãm như chè, ngày uống 2 - 3 chén.
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa: 3 - 6g hạt ngâm nước cho hạt nổi nhầy, giã với 20 - 30g lá, lọc lấy nước, thêm đường uống, bã xoa chỗ ngứa. Hoặc lá húng quế khô sắc nước uống (nếu kết hợp tắm nước lá khế đun sôi để nguội càng tốt).
- Giúp tăng tiết sữa ở các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa: 10g lá sắc với 1.000ml nước, làm nước uống hằng ngày.
- Chữa rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy: 15g cành lá tươi húng quế sắc uống.
- Phòng cảm cúm, đau nhức chân tay: hằng ngày ăn rau húng quế.
Tác giả bài viết: Khánh Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự