Liệu trình xông, đắp, uống liên hoàn bằng thuốc Nam giúp hàng nghìn người thoát bệnh xương khớp

Thứ hai - 15/08/2016 09:13
Hơn 50 năm qua, ông Ngọc đã cứu chữa cho hàng nghìn người mắc các bệnh về xương khớp bằng bài thuốc Nam bí truyền đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, ông chữa trị miễn phí với tâm nguyện làm phúc cứu người là trên hết...
Ông Ngọc với những gói thuốc chuẩn bị đem ra bưu điện gửi cho bệnh nhân
Ông Ngọc với những gói thuốc chuẩn bị đem ra bưu điện gửi cho bệnh nhân
Học làm thuốc trong những ngày tha phương
Ngôi nhà của ông lang Trần Ngọc (xóm 3, thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nằm trong một con ngõ nhỏ. Năm nay đã bước sang tuổi 85, nhưng ông Ngọc vẫn rất minh mẫn, đôi mắt sáng và đặc biệt ông có một giọng nói rất hào sảng.
 
Ông Ngọc cho biết, ông làm thuốc đã được hơn 50 năm và chuyện đến với nghề thuốc với ông rất tình cờ. Quê ông Ngọc vốn là vùng trung du dưới dãy Trường Sơn, đất đai bạc màu, những năm chiến tranh thì càng thêm khắc nghiệt. Có thời gian, ông dạt lên vùng biên giới Việt – Lào, rồi sang Campuchia làm thuê cho một chủ đất người Khơ-me.
 
Ông chủ người Khơ-me này rất tinh thông y thuật, chữa trị được các loại bệnh như gai cột sống, thần kinh tọa, gân khớp.
 
“Nhiều lần chứng kiến ông chủ chữa bệnh, tôi vô cùng thán phục và mong muốn được học nghề để có thể về lại quê hương giúp đỡ bà con.
 
Quê tôi đất đai cằn cỗi, người dân quanh năm vất vả mà chỉ đủ sống qua ngày. Chính vì làm lụng quá sức mà nhiều người mắc các bệnh về xương khớp, gai cột sống, thần kinh tọa…
 
Nhiều trường hợp vì điều kiện khó khăn nên không thể vào bệnh viện điều trị, vì thế tôi muốn học bài thuốc của ông chủ để về chữa trị cho người dân quê mình”, ông Ngọc nói.
 
Sau nhiều lần đắn đo, ông Ngọc đánh bạo xin ông chủ truyền nghề dù biết nghề thuốc gia truyền không dạy cho người ngoài. Không ngoài dự đoán, ông Ngọc bị từ chối. Nhưng ông Ngọc vẫn không từ bỏ ý định học nghề thuốc.
 
Ông Ngọc kể: “Tôi vẫn ở đó để làm thuê mưu sinh sống qua ngày. Về sau, người chủ nhà thấy tôi lén nhìn trộm ông ấy chữa bệnh thì gọi tôi đến, xem đôi tay rồi bảo sẽ dạy nghề. Tuy nhiên nghề thuốc không phải chỉ muốn học là được, cần phải xem tay có hợp không nữa”.
 
Từ đó mỗi khi xong công việc ngoài đồng, ông Ngọc lại đến phụ thầy chữa bệnh cho mọi người, lúc rảnh rỗi lại chuyên tâm đọc sách y học.
 
“Ban đầu thấy thầy chữa bệnh, tôi cứ nghĩ học khoảng vài tháng là làm theo được vì các động tác đơn giản, nhẹ nhàng lắm. Nhưng khi vào học tôi mới thấy tiếp thu, lĩnh hội được bài thuốc không đơn giản, mà phải miệt mài chăm chút từng khâu, từng lời truyền dạy của thầy mới mong thành nghề. Vậy nên tôi phải học hơn 5 năm mới ra nghề”, ông Ngọc tâm sự.
 
Sau khi đã thành thạo với công việc của một thầy thuốc, ông Ngọc được thầy cho về quê nhà chữa bệnh cứu người như ước nguyện ban đầu của ông. Trước khi ra về, vị thầy người Khơ-me còn tặng ông Ngọc vài cuốn sách y học vô cùng quý báu.
 
Chiến tranh loạn lạc, ông Ngọc khó khăn lắm mới về tới quê nhà. Ông lại trở về với cuộc sống khốn khó, nhưng vẫn một lòng nuôi ý nghĩ chữa bệnh cứu người.
Ông Ngọc chữa bệnh xương khớp cứu người đã hơn 50 năm nay
Ông Ngọc bộc bạch: “Lúc đầu, tôi chỉ chữa bệnh cho những người thân trong gia đình, bà con họ hàng và người dân ở địa phương. Sau ngày đất nước giải phóng, tay nghề của tôi được nhiều người biết đến hơn. Bệnh nhân trong và ngoài tỉnh Bình Định tìm đến khám, chữa bệnh rất đông. Thời điểm tôi học nghề, mấy người cùng làm thuê cũng đến xin học nhưng ông chủ không đồng ý. Sau này ông chủ mới nói, ông thấy tôi có thiện tâm, muốn dạy nghề để tôi giúp đời”.
 
Ân nhân của người nghèo
Hơn 50 năm làm thuốc cứu người, ông Ngọc không nhớ nổi mình chữa cho bao nhiêu người, chỉ ước lượng được con số lên đến hàng nghìn. Một trong những trường hợp được ông Ngọc chữa khỏi là anh Nguyễn Đình Toàn (37 tuổi, thôn An Lạc, xã Mỹ Hòa). Anh Toàn bị căn bệnh đau lưng âm ỉ.
 
Cách đây 2 năm, bệnh đau lưng của anh nặng dần khiến tiệm sửa xe máy mới mở của anh phải đóng cửa. “Bệnh mỗi ngày một nặng, tôi không làm được gì cả.
 
Đau đến mức khom lưng xuống là ngã quỵ luôn. Tôi cũng năm lần bảy lượt đến bệnh viện khám, nhưng chẳng đỡ hơn tí nào. Tôi dần rơi vào tuyệt vọng”, anh Toàn cho biết.
 
Đang trong lúc tuyệt vọng, anh Toàn chợt nhớ đến ông Ngọc lâu nay nổi tiếng chữa đau xương khớp nên nhờ người thân chở đến nhà ông Ngọc nhờ cứu giúp. Sau khi xem bệnh, ông Ngọc bốc 10 thang thuốc Nam cho anh Toàn về sắc uống.
 
Anh Toàn chia sẻ: “Khi uống hết 10 thang, tôi thấy bệnh tình giảm hẳn nên đến nhờ ngoại (cách gọi thân mật của ông Ngọc) chữa trị cho dứt điểm luôn. Lần ấy, ngoại cũng cắt lễ rồi bốc cho tôi 5 thang nữa. Uống hết 5 thang đó, tôi hết đau nhức. B
 
ây giờ, tôi có thể khom lưng đủ hướng mỗi khi sửa xe. Không những thế, tôi còn phụ vợ làm ruộng, gánh lúa, vác đá… nhưng cái lưng không hề đau nhức gì cả. Nghĩ lại, nếu hồi ấy không có ngoại cứu chữa, chắc giờ tôi nằm một chỗ quá”.
 
Nghe anh Toàn gọi ông Ngọc bằng ngoại, chúng tôi hỏi mới biết từ ngày khỏi bệnh, anh Toàn rất quý mến tài đức của lão lương y này nên xin được làm cháu ngoại.
 
Anh Toàn bảo: “Hồi ấy, ngoại chữa cho tôi không lấy một đồng bạc. Tôi biết ơn ngoại vô cùng nên bây giờ mình còn trẻ giúp được gì cho ngoại thì giúp, chứ giờ tuổi ngoại cũng cao lắm rồi”.
 
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng bà Huỳnh Thị Phàn (66 tuổi, ở xóm Gò Ké, thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa) vẫn còn mãi ám ảnh về quãng thời gian bị bệnh tật hành hạ.
 
Bà Phàn kể, cách đây khoảng 25 năm, chân trái của bà bỗng dưng sưng tấy, đau nhức từ đùi tới bàn chân rồi lở loét. Bệnh mỗi ngày một nặng khiến bà không thể đi lại được.
 
Bà cũng tới bệnh viện chữa trị nhưng không bớt bệnh. Đến khi bệnh viện trả về, bà Phàn rơi vào tuyệt vọng. Lúc này bà được người quen giới thiệu đến ông Ngọc.
Nhờ bài thuốc của ông Ngọc, anh Toàn đã khỏi hẳn căn bệnh đau lưng của mình
Bà Phàn thuật lại: “Tôi bị nặng quá nên phải nhờ người thân chở đến nhà ông Ngọc nhờ cứu giúp. Ông Ngọc xem sơ qua rồi thông báo tôi bị viêm khớp nặng.
 
Ông giác hơi, đắp thuốc ở các khớp chân, sau đó bốc cho tôi hơn 10 thang thuốc Nam mang về sắc uống. Tôi không biết đó là thuốc gì, chỉ nhớ tôi uống được chừng 3 tháng thì bớt đau. Sau đó vài năm, tôi có bị tái phát lần nữa. Tôi đến ông Ngọc chữa trị lần 2 thì bây giờ gần như đã khỏi hẳn”.
 
Trước đây, nhiều người nghèo ở xa tìm đến ông Ngọc chữa bệnh dài ngày. Ông sẵn sàng giúp đỡ chỗ ăn, chỗ nghỉ. Khi chữa khỏi bệnh, họ đưa bao nhiêu thì tùy chứ ông không bao giờ ra giá. Nhiều người quá nghèo, ông chữa hoàn toàn miễn phí.
 
Ông Ngọc chia sẻ: “Khi thầy tôi truyền nghề đã nói rằng, làm nghề này không phải để làm giàu mà chủ yếu làm phúc. Dân trong vùng còn nghèo, bình thường đã khổ nên khi họ bị bệnh, tôi thương họ lắm”.
 
Bây giờ, nhiều bệnh nhân tìm đến ông Ngọc một lần để khám bệnh, bốc thuốc. Những lần sau, họ nhờ ông ra bưu điện gửi thuốc theo địa chỉ, sau đó họ chuyển tiền qua bưu điện lại cho ông. “Nhà tôi ở nơi hẻo lánh, trong khi những người đau xương khớp thì đi lại vô cùng khó khăn, bất tiện. Trường hợp nào cấp bách lắm, họ mới lặn lội tới nhà lần 2, lần 3. Còn không, tôi cứ gửi thuốc cho họ. Mình chữa bệnh cứu người là chính nên thấy họ hết bệnh, tôi mừng lắm”, ông Ngọc tâm sự.
 
Tiết lộ bài thuốc để giúp đời
Bao năm chữa bệnh cứu người, các bài thuốc được ông Ngọc sử dụng nhiều nhất là những bài thuốc chữa bệnh viêm khớp. Thông thường, người bị xương khớp ban đầu được ông Ngọc giác hơi, cắt lể để gân cơ giãn ra, khí huyết lưu thông, giải tỏa cơn đau.
 
Tiếp đó, ông dùng bài thuốc gồm các thành phần: Thuốc võ (một bài thuốc cổ truyền dùng trong võ thuật), thạch tín, mã tiền, rễ cây bí cẩn… để đắp lên rồi dùng than hơ nóng bên trên. Khi thuốc nóng lên sẽ thấm vào cơ thể giúp giảm cơn đau và điều trị căn bệnh.
 
Sau khi đắp thuốc, ông Ngọc sẽ cho người bệnh 2 bài thuốc Nam để về sắc uống với tổng cộng 12 vị, trong đó có các vị cơ bản là bạch đầu nam, bạch đầu nữ, mắc ó, mỏ quạ, trinh nữ, phóng huyết… Đây là một trong số các bài thuốc Nam ông Ngọc học được của ông thầy người Khơ-me. Bài thuốc có thể điều trị hầu hết các chứng bệnh về xương khớp. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh cụ thể, ông điều chỉnh thành phần vị thuốc, liều lượng cho phù hợp. 
Bà Phàn khỏi bệnh xương khớp nhờ bài thuốc của ông Ngọc
Bài thuốc Nam thứ 2 mà ông Ngọc vô cùng tâm đắc là bài thuốc ở dạng bột, được ông bào chế từ công thức bí truyền. Theo ông Ngọc, người bị bệnh xương khớp hầu hết xương khớp đã bắt đầu thoái hóa. Bài thuốc có tác dụng tái tạo chất nhờn khớp gối và cột sống, dùng trị các bệnh về xương khớp.
 
Ngoài ra, thuốc còn nuôi dưỡng sụn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng cường sức mạnh liên kết cơ, gân, sụn khớp. Thuốc này được ông Ngọc bảo quản trong từng bịch nhỏ, người bệnh theo đó chỉ cần pha với nước nóng uống hàng ngày, xen lẫn với việc uống thuốc Nam sắc từ 12 loại thảo mộc.
 
Các bài thuốc trên cũng được ông Ngọc áp dụng chữa trị cho người bị bệnh gai cột sống. Theo ông Ngọc, những người cao tuổi, cột sống thoái hóa gây đau đớn và khó khăn trong đời sống hàng ngày. Để trị bệnh này, ông Ngọc sẽ giác hơi, đắp thuốc, sau đó tùy vào từng người bệnh mà ông sẽ cho họ bài thuốc Nam hoặc bài thuốc bột để dùng hàng ngày.
 
Nhìn số thuốc đang phơi ngoài sân, ông Ngọc bảo: “Bây giờ, cây thuốc rất khó tìm, chỉ có tôi và thằng con trai đi thôi, lâu lâu mới nhờ một số đồng bào dân tộc tìm giúp. Tôi chặt xong, mang về róc vỏ, dạt mỏng rồi mới phơi cho khô. Xong, tôi lại đi tìm vị thuốc khác về sơ chế rồi mới trộn lại để tạo thành bài thuốc”.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có con trai út của ông Ngọc, anh Trần Văn Tuấn (42 tuổi) theo học nghề của cha.
 
Ông Ngọc tâm sự: “Hiện tại mới chỉ mình thằng Tuấn học nghề. Tôi vẫn khát khao truyền nghề cho càng nhiều người có tâm đức càng tốt.
 
Nếu nhiều người có tâm đức biết được bài thuốc của tôi thì sẽ càng nhân rộng ra. Nhiều người bệnh, đặc biệt những người nghèo không có điều kiện đến bệnh viện chữa trị sẽ có nhiều cơ hội khỏi bệnh hơn”.

Ông Lê Văn Thể (Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa) cho biết: “Ông Trần Ngọc hành nghề lương y chữa bệnh xương khớp đã hơn 50 năm nay. Ở địa phương, rất nhiều người được ông Ngọc chữa khỏi bệnh.

Ông Ngọc chữa bệnh bằng cả tấm lòng, bệnh nhân đưa bao nhiêu thì ông nhận bấy nhiêu. Không chỉ vậy, dù tuổi đã cao nhưng ông Ngọc vẫn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, là cầu nối của chính quyền và người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”.
Đình Kim
Theo Tuổi trẻ Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây