Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, trong ba ngày tết mọi mọi người vui chơi, thăm viếng lẫn nhau, các bữa tiệc linh đình với nhiều món ăn, thức uống hấp dẫn, ngon miệng nhưng cũng rất dễ dàng gây nên những tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu vì thức ăn thường chứa quá nhiều chất béo, chất đạm, lại đi kèm với nhiều loại thức uống như bia, rượu, nước giải khát có gaz,…
Chứng khó tiêu, đầy bụng trong một số trường hợp chỉ là những rối loạn tiêu hóa cấp thời, có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị với vài loại thuốc điều trị triệu chứng thông thường. Tuy nhiên, một số trường hợp khác lại là biểu hiện của những tổn thương thực thể của các bệnh lý rối loạn tiết dịch dạ dày, phá hủy hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm mất cân bằng giữa yếu tố “bảo vệ” và yếu tố “phá hủy” bên trong dạ dày dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày, thậm chí có thể là ung thư dạ dày.
Để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa do đầy bụng, khó tiêu trong những ngày Tết, cần lưu ý:
– Hạn chế ăn quá nhiều thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt, không uống quá nhiều rượu, bia , các loại nước giải khát có gaz, …
– Nên ăn kèm với các thức ăn lỏng, dễ tiêu, ít chất béo như cháo, súp,…
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Không mua dự trữ thực phẩm quá nhiều, quá lâu, loại bỏ những thực phẩm kém chất lượng, nghi ngờ không vệ sinh, hư hỏng, hạn chế sử dụng quá nhiều phẩm màu, chất độc hại trong chế biến và bảo quản thức phẩm.
– Không nên nằm ngay mà nên đi tản bộ sau ăn.
Một số loại gia vị có ngay trong bếp có thể sử dụng khi bị đầy bụng, khó tiêu
Gừng: Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng điều chỉnh tình trạng co thắt cơ trơn dạ dày – ruột, giúp tiêu hóa thức ăn. Có thể dùng gừng dạng tươi hoặc khô.
– Vài lát gừng tươi, nhai ít một cho đến khi hết cảm giác đầy trướng.
– Giã nhuyễn gừng, pha với nước nóng hoặc với mật ong uống từ từ.
– Pha một muỗng nước gừng + một muỗng nước cốt chanh + một muỗng mật ong với một ly nhỏ ấm rồi uống từ từ.
– Dùng 150g gừng tươi băm nhỏ, phơi hoặc sấy khô trộn với mật ong để ăn từ từ trong ngày.
– Gừng khô 10g, hãm với 100ml nước sôi uống dần trong ngày.
Lưu ý: Phụ nữ đang hành kinh, rong kinh hoặc có thai chỉ nên dùng một lượng ít.
Rau răm: Có vị cay, tính ấm, là vị thuốc giúp kích thích tiêu hóa, trị các chứng đau bụng, đầy hơi. Lấy khoảng 15g rau răm (cả thân và lá), có thể ăn sống hoặc giã nhuyễn vắt lấy nước uống.
Tỏi: Lấy 15g tỏi giã nát, trộn với 5g đường phèn, hòa tan với 60ml nước ấm, uống dần dần.
Tía tô: Dùng cả lá và thân mềm, khoảng 30g, giã nhuyễn, vắt lấy nước uống hoặc đem chưng cách thủy cho nóng lên rồi uống khi còn ấm, giúp tiêu hóa thức ăn và chống dị ứng do thức ăn hiệu quả.
Nghệ: Một muỗng bột nghệ pha với một ly nước sôi và một muỗng mật ong, uống khi còn ấm, có thể thay bột nghệ bằng vài lát nghệ tươi.
Trong một số trường hợp có thể dùng một vài loại thuốc để điều trị những khó chịu do chứng đầy bụng khó tiêu gây ra như các loại thuốc trung hòa acid, chống tiết acid; thuốc chống đầy hơi, than hoạt tính; thuốc điều hòa hoạt động dạ dày; men tiêu hóa,…
Tuy nhiên nếu tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài nhiều ngày không giảm, hoặc có kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng nhiều, nôn ói nhều, nôn ra máu, bụng chướng to thì cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự