Sừng tê giác có cấu tạo như... móng tay
Ông Trần Việt Hưng, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam cho biết, sừng tê giác do chất keratin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay. Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng, sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư hay các bệnh khác như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hơn thế nữa, theo các bác sĩ Đông y, hầu hết sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là "hàng giả".
Đồng quan điểm này, bà Trần Thanh Lan, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã WWF cũng khuyến cáo, sừng tê giác chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người. Tuy nhiên, lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút...
Thực tế từng có người bị nhiễm độc da dị ứng do uống sừng tê giác. Bệnh nhân uống sừng tê giác để chữa nhiệt miệng lâu ngày. Sau khi uống hai hôm, chị bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ ở mặt, ngứa và đau rát, sau đó lan ra hai cánh tay, sốt nhẹ.
Bà Lan cho biết, năm 1983, WWF và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) công bố kết quả của nghiên cứu dược lý mà các nhà khoa học đã tiến hành tại Phòng thí nghiệm của Công ty Dược phẩm Hoffmann-LaRoche. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh dù là bệnh dễ nhất như hạ sốt. Sừng tê giác về bản chất hoá học giống như chiếc móng tay, được làm bằng tóc kết bó lại với nhau. Việc cho rằng, sừng tê giác có khả năng hạ sốt, chống viêm, giảm đau, chống co thắt... là hoàn toàn bịa đặt. Có chăng là tâm lý của người sử dụng, tự cho rằng nó có tác dụng nên cũng tự huyễn hoặc mình. "Không phải vì muốn bảo tồn loài tê giác mà tôi nói thế. Nhận thức của nhiều người cần thay đổi để bảo vệ sức khoẻ của mình", bà Lan nhận định.
Dị ứng và nhiễm độc
Theo ông Trần Việt Hưng, sừng tê giác được nhiều người sử dụng, tuy nhiên ít ai biết thành phần cụ thể của nó là gì. Sừng tê giác có nhiều thành phần khá phức tạp với nhiều loại hoạt chất có nguồn gốc xa lạ với con người, nên sừng tê giác hoàn toàn có nguy cơ gây các phản ứng dị ứng và nhiễm độc. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi sử dụng. Niềm tin vào công dụng chữa bách bệnh và thể hiện đẳng cấp khi sở hữu sừng tê giác khiến nhu cầu về sản phẩm này của người Việt ngày càng tăng dẫn đến tình trạng nhập lậu vào Việt Nam ngày càng lớn.
Ông Trần Vĩnh Hải, Hội Đông y Hà Nội cho biết, người ta thường dùng sừng tê giác bằng cách mài trong nước đun sôi để nguội bằng dụng cụ sành sứ ráp cho tới khi nước mài trở thành dịch trắng đục như sữa để uống hay tán thành bột mịn uống. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng đến nay chưa thấy có công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố về vấn đề này. Khoa học ngày nay cũng mới chỉ xác định được một số chất chứa trong sừng như keratin, canxicarbonat, canxiphotphat, axit amin. Nước chiết có phản ứng alcaloid, chưa phát hiện được hoạt chất tác dụng. Xét về y học hiện đại thì không có cơ sở để nói sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh.
Cũng theo ông Trần Vĩnh Hải, tác dụng trong đông y của sừng tê giác cũng chỉ đúc rút từ kinh nghiệm truyền miệng của các thầy thuốc. Việc sừng tê giác gây ngộ độc, dị ứng cho người sử dụng là rất dễ hiểu vì các chất chứa trong sừng tê giác ngoài thành phần chính là chất sừng thì có nhiều thành phần không rõ tác dụng. Chất sừng, hay canxi này đi vào cơ thể nó cũng sẽ giống mọi loại chất khác, sẽ bị đào thải qua đường tiêu hóa. Trường hợp người nào đó có hệ tiêu hóa nhạy cảm thì rất dễ dị ứng và nhiễm độc. Việc tin vào khả năng chữa bệnh của sừng tê giác là không có cơ sở.
"Trước đây, nhiều thầy lang được dư luận đồn thổi là sừng tê giác chữa được ung thư đã được Bệnh viện K mời đến điều trị cho các bệnh nhân tự nguyện tại viện. Tuy nhiên, thực tế tất cả đều là tin đồn, bệnh không thuyên giảm, thậm chí là diễn biến nặng hơn trước". Ông Trần Vĩnh Hải.