Thủ phạm bất ngờ gây ung thư gan
Hiện nay, ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba do ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo ghi nhận của cơ quan ung thư quốc tế được công bố trên Globocan năm 2012, tỷ lệ mắc ung thư gan chuẩn theo tuổi ở nam giới là 40,2/100.000 dân, phổ biến đứng hàng thứ hai còn ở nữ thấp hơn là 10,9/100.000 dân, phổ biến đứng hàng thứ ba.
Ung thư gan bao gồm 2 dạng ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Nguyên nhân gây ung thư gan là do xơ gan, trong thực tế lâm sàng 70 - 80% bệnh nhân bị ung thư gan tiến triển trên nền xơ gan.
Tại Việt Nam, ung thư gan gắn liền với viêm gan vi rút cộng thêm thói quen uống rượu bia, sử dụng thực phẩm nấm mốc như gạo mốc, ngô mộc, đậu phộng mốc, các loại hạt ngũ cốc có chứa dầu dễ bị mốc hơn do khí hậu nhiệt đới. Các nguyên nhân này kèm theo viêm gan càng tạo đà cho ung thư gan phát triển.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn đặc biệt là các loại hạt ngũ cốc chứa dầu càng tăng nên nỗi lo nhiễm nấm từ các loại hạt này càng tăng cao.
TS Phong cho biết, khi những hạt này bị nấm mốc sẽ sinh ra độc tố là Aflatoxin. Đây là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư gan. Vì thế, nếu thấy các loại hạt bị mốc, người dân tuyệt đối không nên ăn.
Tuy nhiên, theo ông Phong, nhiều người Việt có thói quen rửa bỏ nấm mốc rồi tái sử dụng. Thực tế, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài, còn thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm và sinh ra chất độc từ bên trong ăn vào rất độc cho sức khỏe.
Không thể thải độc tố
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội nguy cơ nhiễm độc tố có trong nấm từ các loại hạt trong ngày Tết rất lớn, nhất là trong điều kiện thời tiết như hiện nay.
PGS Thịnh cho biết, mắt thường có thể nhìn thấy nấm ở hạt sống, nếu rang, sấy khô thì không còn thấy nấm nhưng thực ra các độc tố trong nấm vẫn còn, nếu ăn vào cơ thể người có thể gây độc.
Độc tố nấm chính là Aflatoxin là một mycotoxin được tiết ra từ nấm aspergillus và A.parasiyicus. Chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm nông sản, thức ăn gia súc, gia cầm như ngô, lạc, đậu… trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam.
TS Nguyễn Duy Thịnh
Theo PGS Thịnh, Afatocxin bền với nhiệt, không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường (ở 120oC, phải đun 30 phút mới mất tác dụng độc). Do vậy, nó có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng; đồng thời, nó rất bền với các men tiêu hóa.
Tuy nhiên, nó lại không bền dưới ánh sáng mặt trời và tia tử ngoại nên việc khử độc thực phẩm sẽ có nhiều biện pháp hơn. Có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1.
Aflatoxin dễ dàng được hấp thu sau khi ăn, nguy hiểm hơn khi loại nấm này được hấp thu hoàn toàn. Khi đến ruột non, aflatoxin sẽ được nhanh chóng hấp thu vào máu tĩnh mạch mạc treo, hấp thu ở ruột non và tá tràng là nhiều nhất.
Niêm mạc ống tiêu hóa có khả năng chuyển dạng sinh học aflatoxin B1 nhờ sự gắn kết với protein - đây là con đường chính để giải độc aflatoxin B1 cho gan.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, khi chọn các loại hạt ăn tết nhất là loại hạt có nhiều tinh dầu dễ gây nấm mốc với Aflatoxin, ozchatoxin người mua cần nâng cao cảnh giác, thấy hạt có mùi mốc phải bỏ đi.
Người tiêu dùng có thể thử hương và vị của hạt có mùi mốc hay không bằng cách lấy hạt nhai thử rồi thở qua mũi để biết cả hương và vị. Nếu hạt bị mốc cần loại bỏ ngay cho dù giá thành rẻ. Người sử dụng nên mua sản phẩm tại các hãng tin tưởng, loại bỏ các hạt khi có các dấu hiệu bất thường như hạt bị đen phía trong hoặc màu bất thường, mùi hắc nồng...
Nguồn tin: Soha.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự