Chiến tranh VN: Gặp người chụp bức ảnh khiến TT Kennedy chết lặng

Thứ tư - 23/04/2014 04:28
“Không có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử có thể tạo ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như thế” - Tổng thống Mỹ Kennedy.
Chiến tranh VN: Gặp người chụp bức ảnh khiến TT Kennedy chết lặng
Video: Hà Nội năm 1966 sục sôi chống chiến tranh phá hoại Chiến tranh VN: Những hình ảnh vô giá về miền Bắc - P1 Chuyện chưa kể về chiếc trống đồng Việt Nam ở trụ sở LHQ

Nhiếp ảnh gia Malcolm Browne nổi tiếng với bức ảnh gây chấn động thế giới về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp dã man Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Browne từng vinh dự được trao giải thưởng Pulitzer về Phóng sự Quốc tế cũng như giải Bức ảnh của năm do World Press trao tặng năm 1963.

Năm 2011 (1 năm trước khi qua đời), Browne đã có buổi trả lời phỏng vấn với Patrick Witty, biên tập viên ảnh quốc tế của tờ TIME, tại ngôi nhà của ông ở Vermont.

Patrick Witty (PW): Chuyện gì đã xảy ra ở Việt Nam thời điểm đó để rồi đưa ông tới khoảnh khắc chụp được bức ảnh nổi tiếng về vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức?

Malcolm Browne (MB): Tính đến ngày xảy ra sự kiện ấy thì tôi đã ở Việt Nam được vài năm, khi tình hình ở miền Trung bắt đầu diễn biến xấu đi. Tôi dành sự quan tâm cho những tín đồ Phật giáo Việt Nam nhiều hơn trước bởi tôi có cảm giác họ sẽ là động lực cho những gì sắp diễn ra. Tôi cũng thân thiết với khá nhiều vị tu hành, những người giữ vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh đang trong quá trình hình thành.

Khoảng mùa xuân năm 1963, giới tu hành đã bắt đầu bóng gió về việc họ chuẩn bị làm một điều gì đó đặc biệt thông qua các cuộc biểu tình. Dù có là cách nào đi chăng nữa thì nó cũng khiến tôi không thể không lưu tâm.

Thời điểm đó, các vị tu hành đã liên lạc điện thoại trước với cánh phóng viên nước ngoài tại Sài Gòn để báo tin về một sự kiện lớn sắp diễn ra. Hầu hết phóng viên tỏ ra không hứng thú với thông tin đó. Nhưng linh tính mách bảo tôi rằng chắc chắn các Phật tử sẽ làm gì đó thật sự quan trọng. Đó là lý do vì sao tôi trở thành phóng viên phương Tây duy nhất chứng kiến và đưa tin về thời khắc lịch sử đó.

PW: Hãy kể lại cho tôi về buổi sáng hôm đó. Chắc hẳn ông cũng không nghĩ tới một điều thật chấn động nhưng vẫn bị thôi thúc bởi cuộc điện thoại tối hôm trước?

MB: Tôi cũng đã ngờ ngợ là sẽ xảy ra chuyện gì đó đặc biệt, bởi tôi biết các vị ấy không có ý đùa cợt. Họ rất nghiêm túc khi nói về một việc hệ trọng sắp xảy ra. Ở một xã hội khác thì đó có thể là đánh bom hoặc tương tự như thế.

Các vị tu hành đã lường trước được hệ quả của vụ tự thiêu. Chính vì thế mà khi tôi đến ngôi chùa nơi diễn ra công đoạn chuẩn bị cho sự kiện này, mọi thứ đã đâu vào đấy - các nhà sư đang tụng bài kinh dành cho lễ tang. Nhận hiệu lệnh của người đứng đầu, tất cả xuống đường và đi bộ về phía trung tâm Sài Gòn. Tới nơi, các nhà sư nhanh chóng tạo thành vòng tròn bao quanh một ngã tư, nơi giao nhau của hai con phố chính ở Sài Gòn.

Một chiếc ôtô tiến đến. Hai vị sư trẻ bước ra, rồi đến một vị hòa thượng lớn tuổi hơn, vịn tay vào nhà tu hành trẻ. Vị hòa thượng tiến thẳng tới chính giữa giao lộ. Hai nhà sư trẻ mang đến một can xăng. Ngay khi vị hòa thượng ngồi xuống, hai nhà sư trẻ tưới xăng lên khắp người ông. Rồi ông mở hộp diêm, rút một que ra và đốt, sau đó đặt que diêm đang cháy vào lòng. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên nuốt trọn toàn thân vị hòa thượng. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng với tất cả mọi người. Nó khủng khiếp đúng như những gì tôi đã nghĩ tới.

Tôi không biết chính xác lúc nào thì vị hòa thượng ấy tắt thở, bởi không ai phán đoán được gì qua nét mặt, giọng nói hay bất cứ điều gì. Ông không hề hét lên tiếng kêu đau đớn nào. Khuôn mặt ấy dường như vẫn bình thản cho đến khi cháy đen tới nỗi không thể nhận dạng được nữa. Cuối cùng, khi khẳng định vị hòa thượng đã viên tịch, các nhà sư xung quanh mới khiêng ra một cỗ quan tài gỗ mới đóng xong.

PW: Và ông là nhiếp ảnh gia duy nhất ở đó?

MB: Theo tôi biết thì đúng là vậy. Thực ra cũng có một số người Việt Nam chụp được vài tấm hình nhưng họ không gửi chúng đi đâu cả, không điện tín hay bất kỳ cách thức nào tương tự như thế.

PW: Khi chứng kiến toàn bộ sự việc qua ống kính máy ảnh, ông có suy nghĩ gì?

MB: Điều duy nhất trong tâm trí tôi lúc đó là, có một đối tượng ảnh tự phát sáng trước mắt mình cần độ sáng tầm f10 gì đó, tôi không nhớ rõ lắm. Trên tay tôi lúc đó là chiếc máy ảnh rẻ tiền của Nhật Bản tên là Petri. Tôi sử dụng nó rất thành thạo, nhưng muốn chắc chắn rằng mình không chỉ cài đặt đúng chế độ mỗi khi chụp và lấy nét chuẩn, mà còn phải thay phim một cách nhanh chóng để theo kịp với những gì đang diễn ra. Hôm đó tôi chụp hết khoảng 10 cuộn phim vì chụp liên tục, gần như không nghỉ.

PW: Cảm giác của ông lúc đó thế nào?

MB: Mối quan tâm chính trong tâm trí tôi lúc đó là làm thế nào rửa được những bức ảnh ấy. Tôi nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện này và thấy cần phải gửi những tấm hình đến AP để lan truyền nó rộng rãi càng sớm càng tốt. Và tôi cũng biết để làm được điều đó ở Sài Gòn trong một thời gian ngắn thật không dễ dàng chút nào.


Nhiếp ảnh gia Malcolm Browne (phải) trò chuyện với một nhà sư ở chùa Xá Lợi ngày 27/6/1963.

PW: Vậy ông đã làm gì với cuộn phim?

MB: Mấu chốt nằm ở chỗ làm thế nào đưa được cuộn phim đến điểm truyền phát tín hiệu. Tôi phải gửi phim gốc đi bằng đường hàng không, hoặc theo đường nào đó. Thời điểm đó các cuộn phim không phải đối tượng bị kiểm duyệt. Chúng tôi sử dụng một “chú chim bồ câu” để gửi phim tới Manila. Và ở Manila người ta có thiết bị để truyền nó đi bằng sóng vô tuyến.

PW: Ông nói “Chim bồ câu” là có ý nghĩa gì?

MB: “Chim bồ câu” ám chỉ một hành khách trên một chuyến bay thương mại thông thường mà tôi phải thuyết phục để họ xách giúp một bưu phẩm. Đương nhiên vấn đề cốt lõi nằm ở tốc độ. Vì vậy mà tôi phải đem cuộn phim ra sân bay. Và nó đã lên một chuyến bay đi Manila không lâu sau đó.

PW: Khi cuộn phim đến nơi, có ai từ AP nhắn tin cho ông biết là bức ảnh đã được xuất bản trên toàn thế giới không?

MB: Không.

PW: Vậy là ông không hề hay biết?

MB: Đúng thế. Tôi không biết gì hết, giống như bắn đạn vào lỗ đen vậy. Tôi chỉ biết cuộn phim của mình đã tìm đến đúng địa chỉ khi nhận được những lời chúc mừng vì đã gửi bức ảnh. Chẳng ai dùng bức ảnh đó. Tờ New York Times không đăng bức ảnh đó. Họ nghĩ rằng nó quá ghê rợn nên không phù hợp với một tờ báo buổi sáng.

PW: Giờ tôi chỉ có thể nhìn bức ảnh trên màn hình. Hãy nói cho tôi những thứ mà tôi không thể thấy được – ông nghe thấy gì, ngửi thấy gì?

MB: Nổi bật nhất là mùi nhang. Nhang cháy tỏa ra mùi rất mạnh, không dễ ngửi nhưng đốt nhang là cách họ bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên. Đó là mùi rõ rệt nhất, không kể mùi xăng dầu và mùi thịt bị đốt cháy. Còn âm thanh chủ đạo lúc đó là tiếng các Phật tử gào khóc tiếc thương, những người đã biết và kính trọng Hòa thượng Thích Quảng Đức trong nhiều năm. Ngoài ra có cả tiếng hét trên loa phóng thanh của lính cứu hỏa khi cố gắng tìm cách đưa hòa thượng ra ngoài để dập lửa. Tóm lại, đó là một không gian hỗn loạn về âm thanh.

PW: Tôi từng đọc những điều Tổng thống Kennedy nói về bức ảnh của ông. Tổng thống nói: “Không có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử có thể tạo ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như thế”.

MB: Có lẽ đúng như vậy. Nghe như một câu nói thật lòng từ Nhà Trắng.

PW: Ông có nghĩ bức ảnh chính là thành tựu lớn nhất của mình trong hoạt động báo chí không?

MB: Đúng là bức ảnh đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Mặc dù không phải sự kiện căng thẳng nhất mà tôi từng đưa tin nhưng đó chắc chắn là một phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Malcolm Browne (1931 - 2012) tốt nghiệp ngành hóa học tại đại học Quaker (Pennsylvania) và làm việc trong phòng thí nghiệm. Đến năm 1956, ông nhập ngũ và được cử đến Hàn Quốc với tư cách là lính lái xe. Tình cờ ông kiếm được công việc viết bài cho một tờ báo quân sự, và bắt đầu sự nghiệp trong ngành báo chí.

Năm 1961, khi được hãng AP cử đến đưa tin về chiến tranh Việt Nam, ông đã chụp được bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và được hãng tin này đăng tải ngày 11/6/1963.

Bức ảnh mà Browne chụp được đã gây sốc cho toàn thế giới, khiến cho nhân loại chú ý đến những sự thực chiến tranh đang được phơi bày ở Việt Nam, khiến chính quyền Tổng thống Kennedy phải quyết định xét lại chính sách với Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt của khủng hoảng Phật giáo và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Đó là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng đầu tiên từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam và đã đem lại cho ông giải thưởng Pulitzer.

Browne rời AP năm 1965 và từ năm 1968, Browne bắt đầu làm việc cho tờ New York Times trong 30 năm với vai trò phóng viên - hầu hết thời gian là tác nghiệp ở những vùng chiến sự. Browne đã từng thoát chết sau ba lần bị bắn trong máy bay chiến đấu, bị trục xuất khỏi nhiều quốc gia và cũng từng nằm trong danh sách “phải chết” ở Sài Gòn.

Nguồn tin: Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây