“Nỗi đau tột cùng”

Thứ bảy - 20/11/2021 05:44
Đó là lời của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến khi nói về sự tử vong của đồng bào, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong đại dịch Covid-19, tại lễ tưởng niệm diễn ra ở Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, tối 19-11-2021.
Dâng hương tưởng niệm người đã mất trong đại dịch Covid-19 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - Ảnh: Trần Thế Phong
Dâng hương tưởng niệm người đã mất trong đại dịch Covid-19 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - Ảnh: Trần Thế Phong

Chương trình do Ủy ban Trung ương MTTQVN, Thành ủy TP.HCM, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM kết hợp với các sở, ban, ngành đơn vị liên quan tổ chức; đồng thời diễn ra tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV 1 truyền hình trực tiếp, kết nối điểm cầu tại Công viên Thống Nhất, TP Hà Nội, chùa Pháp Hoa - quận 3, TP.HCM.

1
Ông Võ Văn Thưởng đã đại diện Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức tưởng niệm.

Mở đầu buổi trực tiếp vào lúc 20g, Đài truyền hình VN phát phóng sự cảm động về tuyến đầu, ghi nhận những tháng ngày khốc liệt chống dịch bệnh, đã có hàng vạn người đã tử vong, những hy sinh của cán bộ, y bác sĩ, tình nguyện viên, những em bé mồ côi… để lại những nỗi đau, khoảng trống không thể bù đắp.
 
“Nỗi đau tột cùng” ảnh 2
Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch bệnh Covid-19.
 
"Nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu..."
 

Tham dự lễ tưởng niệm tại điểm cầu TP.HCM có ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ban, ngành, Thường trực Thành ủy TP.HCM.

Tại điểm cầu Thủ đô Hà Nội có ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội; bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cùng lãnh đạo TP.Hà Nội, các tỉnh lân cận.

Hiện diện tại 2 điểm cầu còn có đại diện bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; các tổ chức ngoại giao; lực lượng phòng chống dịch và thân nhân đồng bào tử vong, gia đình của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong dịch Covid-19.

Đại diện Giáo hội TP.HCM, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Văn phòng II Trung ương Giáo hội; Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, cùng chư tôn đức Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự TP.HCM, Ban Trị sự các quận huyện, Tăng Ni các tự viện tham dự lễ tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 3
Chư tôn đức Giáo hội TP.HCM tham dự.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội; Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương cùng chư Tăng Ni tiêu biểu.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 4
Ông Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc lễ tưởng niệm.

Phát biểu khai mạc lễ tưởng niệm, ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng thành kính đến các hương linh đã tử vong, chia sẻ đến gia đình đồng bào, thân nhân cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19.

“Nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng”, ông Đỗ Văn Chiến cầu nguyện.

Ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng khẳng định, trong khó khăn hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp. Hàng triệu triệu phần quà đại đoàn kết, bữa cơm ấm lòng, túi an sinh, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế hàng chục ngàn tỷ đồng để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân của đồng bào khắp cả nước ủng hộ và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo ông Chiến, hàng chục ngàn người, cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch để chăm sóc, chữa trị người bệnh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ. Có những người khi bố mẹ từ trần không thể về chịu tang. Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh và không thể trở về.

"Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót!", Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN nhận định trong lời tưởng niệm.

Thắp lên hàng vạn ngọn nến, hoa đăng thành kính tưởng niệm

“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nào nữa”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cầu nguyện.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 19-11-2021, toàn thế giới có 256 triệu người bị nhiễm Covid-19, số ca tử vong 5,13 triệu người.

Tại Việt Nam, tổng số ca nhiễm 1,07 triệu người, tử vong 23.476 người; tại TP.HCM bị tổn thất nặng nề nhất với số người nhiễm là 452.722, với 17.307 người tử vong trong đại dịch Covid-19.

Trong vòng hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã để lại nỗi đau, đã cướp đi sinh mạng của hơn hai vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu, để lại nỗi đau tận cùng cho gia đình, người thân, bạn bè của họ.

Sinh mệnh con người là quý giá nhất, biết bao người không may qua đời, không được tổ chức lễ tang, lặng lẽ ra đi không người thân… Hàng ngàn ngọn nến, hoa đăng, tiếng Đại hồng chung cầu nguyện... để tưởng nhớ những người không may qua đời, động viên, an ủi cho những người thân ở lại. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo đồng bào, nhân dân cả nước, mong xoa dịu nỗi đau, để cùng đoàn kết vượt qua đại dịch, bước vào trạng thái bình thường mới.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 5
Đại diện Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành trung ương, Thành ủy TP.HCM thực hiện nghi thức tưởng niệm.

Thời khắc thiêng liêng, với hàng ngàn ngọn nến được thắp lên tưởng niệm giữa Hội trường Thống Nhất, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành Trung ương, TP.HCM, các tỉnh thành, chư tôn đức GHPGVN, TP.HCM và tất cả những tấm lòng thành kính đã dành phút tưởng niệm, tiễn biệt đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 với lời “cầu nguyện các linh hồn siêu thoát, yên giấc ngàn thu”.

Và, toàn thể người tham dự lễ tưởng niệm trực tiếp, cũng như trực tuyến đã dành phút tưởng niệm trong tiếng nhạc u hoài giữa hàng ngàn ngọn nến, thành kính cầu nguyện hương linh người mất an lòng, siêu thoát.

Ban Tổ chức đã dâng vòng hoa tưởng niệm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, tưởng niệm những người đã khuất. Ông Võ Văn Thưởng đã đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức tưởng niệm trong âm ba của lễ quân nhạc, thành kính dâng hương tưởng niệm giữa hàng ngàn ngọn nến mặc niệm, bái lạy tiễn biệt hương linh đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19, cầu nguyện người đã khuất về cõi an lành.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 6
Ông Nguyễn Phú Trọng gởi vòng hoa tưởng niệm.

Tiếp đó, ông Trần Thanh Mẫn, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Văn Nên, bà Võ Thị Ánh Xuân, ông Vũ Đức Đam, cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành, Tổ công tác đặc biệt phòng chống Covid-19, Thường trực Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 giữa ánh nến, âm ba tiếng lễ nhạc ai hoài, thành kính tiễn biệt, cầu nguyện hương linh người đã khuất.

Tại đầu cầu TP.Hà Nội, bà Bùi Thị Minh Hoài cùng lãnh đạo Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ, ban, ngành Trung ương, TP.Hà Nội, các tỉnh lân cận, đại diện Trung ương GHPGVN... đã dâng hoa, dâng hương thành kính tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, với niềm tiếc thương vô hạn.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 7
Trỗi khúc nhạc ai hoài thành kính tưởng niệm các chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu tử vong vì Covid-19.

8g45', đồng loạt tại TP.HCM, nhiều địa phương trên cả nước đã tắt đèn, thắp hàng vạn ngọn nến, thả hoa đăng tưởng niệm. Điểm cầu tại chùa Pháp Hoa (quận 3, TP.HCM) hàng ngàn hoa đăng được thả xuống dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình) và trên tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (quận 4, 5, 8); tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng cũng kéo còi tưởng niệm… Không khí thiêng liêng mặc niệm hòa cùng tiếng Đại hồng chung của những ngôi tự viện đồng loạt ngân vang cầu nguyện cho chư hương linh giải thoát về cõi lành.

Qua đó, chia sẻ nỗi mất mát, đau thương với người thân của họ, đó cũng là tiếng chuông cảnh giác cho những người ở lại nêu cao tinh thần phòng chống dịch bệnh, để không lặp lại nỗi đau này, nén đau thương, bước tiếp vào giai đoạn bình thường mới.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 8
Thắp nến tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ tử vong trong đại dịch.

Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM cho Báo Giác Ngộ biết theo quan niệm của Phật giáo, tử vong trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 như vừa qua, là cái chết không bình thường, được gọi là “hoạnh tử”, do vậy rất cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần.

Với ý nghĩa đó, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 với quy mô cấp quốc gia, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình đã mất đi người thân trong lặng lẽ, không được gặp mặt người thân, không tổ chức lễ tang như bình thường; đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19, cùng đoàn kết, quyết tâm đưa đất nước vượt qua đại dịch.

Hình ảnh lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19, tại Hội trường Thống Nhất:

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 9
Hương án tôn thờ hương linh những người đã khuất.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 10
Phút tưởng niệm những người đã khuất.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 11
Thành kính tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 12
Lễ tưởng niệm cấp quốc gia.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 13
Lãnh đạo, nguyên lãnh Đảng, Chính phủ, Bộ, ban, ngành Trung ương, TP.HCM, các tỉnh thành thắp hương tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 14
Người thân Phật tử Anh Vũ Quốc Cường, pháp danh Tuệ Hiếu đưa di ảnh anh đến lễ tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 15
Anh Vũ Quốc Cường qua đời trong lúc phục vụ cơm từ thiện cho người dân chống Covid-19.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 17
Đại diện Đảng, Chính phủ, Bộ, ban, ngành Trung ương, TP.HCM thắp nến tưởng niệm, cầu nguyện trong âm ba tiếng nhạc ai hoài tiễn biệt người đã khuất.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 18
Nguyện cầu chư hương linh được siêu thoát về cõi Tịnh.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 19
Dâng hoa tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 20
Các bạn trẻ dâng nến thành kính tưởng niệm hơn hai vạn người đã khuất.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 21
Tưởng niệm giữa hàng ngàn ngọn nến, bái lạy tiễn biệt hương linh đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong do đại dịch Covid-19.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 22
8g 45 đồng loạt tại TP.HCM, nhiều địa phương đã tắt đèn, thắp nến, thả hoa đăng tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 23
Thân nhân người mất xúc động tại lễ tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 24
Nghi thức tưởng niệm cấp quốc gia.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 25
Chư tôn đức Trung ương GHPGVN, Giáo hội TP.HCM tham dự lễ tưởng niệm.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 26
Tri ân hàng chục ngàn người, cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 27
Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nào nữa.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 28
Tưởng nhớ những người không may qua đời, động viên, an ủi cho những người thân ở lại.

“Nỗi đau tột cùng” ảnh 29
Thành kính tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, với niềm tiếc thương vô hạn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây