Cao Lộc: Mở rộng các mô hình phát triển sản xuất

Thứ ba - 23/09/2014 20:28
Hẳn là nhiều người biết đến Cao Lộc với nhiều loại cây thế mạnh như hồng Bảo Lâm, mận Hải Yến và Hòa Cư, rau xanh Tân Liên và Gia Cát... Tuy nhiên sản phẩm của một số loại cây này đang đứng trước nguy cơ bị thoái hóa, tiêu thụ khó khăn. Chính vì thế từ nhiều nguồn vốn khác nhau, 3 năm trở lại đây, Cao Lộc tập trung phát triển và mở rộng các mô hình sản xuất với quy mô vừa và nhỏ.
Điển hình là gia đình bà Hoàng Thị Đại thôn Pác Đông 2, xã Gia Cát vừa làm ruộng,  trồng rau màu bán, vừa chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Bà Đại kể: gia đình tôi chỉ có 4 sào đất ruộng. Nếu để cấy lúa chỉ đủ lương thực cho 4 miệng ăn trong cả năm. Vì thế tôi thuê và mượn ruộng, đất của anh em trồng thêm 8 sào màu gồm: cà chua, mướp, rau cải, lạc, khoai tây... Từ nguồn hỗ trợ của một số dự án do huyện triển khai, tôi còn được cấp lợn nái về nuôi, nay đã gây được 2 con nái chuyên cung cấp con giống. Mô hình kinh tế này rất phù hợp với điều kiện gia đình tôi. Vì thế tôi tiếp tục duy trì, tìm thêm những cây trồng, con giống mới đưa vào sản xuất tăng thu nhập.

Hàng năm, huyện có chủ chương, kế hoạch tuyên truyền nhân dân tận dụng và lựa chọn cho mình mô hình phát triển kinh tế phù hợp nhất. Các đơn vị chức năng tích cực đôn đốc, khuyến cáo, hướng dẫn người dân nên nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp và tranh thủ nhiều nguồn đầu tư hỗ trợ từ các tổ chức khác để phát triển các mô hình sản xuất. Trong số đó phải kể đến vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), vốn từ thiện nhân đạo. Riêng từ khi thực hiện chương trình XDNTM, đến năm 2014 toàn huyện đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 4 xã điểm thực hiện các mô hình phát triển sản xuất như: trồng lúa bao thai nguyên chủng ở xã Cao Lâu; nuôi lợn nái Móng Cái ở xã Gia Cát; nuôi lợn nái ở xã Hải Yến; trồng lạc L14 tại xã Gia Cát và Tân Liên. Hay bằng nguồn vốn từ tổ chức nhân đạo của Pháp, mô hình chăn nuôi lợn thịt cho hộ dân nghèo thôn Tằm Riền, xã Hòa Cư đã giúp 9 hộ dân nghèo ở đây có kỹ thuật chăn nuôi và tìm được hướng phát triển kinh tế mới, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Anh Mông Văn Điện ở thôn Tằm Riền, xã Hòa Cư cho biết: “Được dự án của Pháp hỗ trợ, gia đình tôi đầu tư 5 con lợn về nuôi. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, lợn đã tăng trưởng gần 1 tạ/con. Ước tính với giá bán hiện nay (gần 50.000 đồng/kg lợn hơi) thì gia đình tôi cũng thu được gần 30 triệu đồng. Từ số tiền này chúng tôi có thể tiếp tục tái đầu tư với quy mô lớn hơn. Hiện nay, huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gà Lương Phượng bán chăn thả tại xã Tân Thành, nuôi cá tại xã Hợp Thành và Gia Cát. Ước tính hiện nay trên địa bàn huyện có gần 100 mô hình phát triển sản xuất quy mô vừa và nhỏ dựa vào tiền hỗ trợ của các tổ chức, hàng trăm mô hình do người dân tự đứng ra làm chủ. 

Ông Bế Thanh Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực tế 3 năm qua cho thấy, các mô hình phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ đã mang lại sự an toàn, hiệu quả cho nhiều hộ dân trong huyện. Nhất là với những hộ dân sống ở vùng nông thôn, có ít vốn, bởi nó phù hợp với trình độ và điều kiện thâm canh của gia đình họ. Trước thành công này, thời gian tới, huyện tiếp tục đưa thêm nhiều mô hình hay, phù hợp vào sản xuất. Đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh lo đầu ra cho sản phẩm (lạc giống, cá, khoai tây, các loại rau xanh).

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây