Trong năm học 2017 - 2018, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả nổi bật. Chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao. Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và sắp xếp cơ cấu đội ngũ, tinh giản biên chế; các hoạt động đổi mới công tác giáo dục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận điểm thi tại một số hội đồng thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017 – 2018, gây tâm lý hoang mang trong học sinh và dư luận xã hội.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong năm học 2017 – 2018, ngành giáo dục tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, tu sửa cơ sở vật chất đầu năm học, huy động mọi nguồn lực để xây dựng mới phòng học, công trình vệ sinh, bếp nấu ăn; đầu tư trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi đáp ứng công tác dạy và học; công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được quan tâm. Qua đó, chất lượng các mặt giáo dục được nâng lên.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã phát biểu làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế trong công tác giáo dục năm học vừa qua và đề xuất, kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao các mặt đạt được của ngành giáo dục thời gian qua, đặc biệt là công tác phân cấp tự chủ về giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng yêu cầu: Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần bám sát các nhóm chỉ tiêu phát triển giáo dục mà Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” đã nêu. Các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, tinh giản biên chế, tránh tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu”; quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh tự chủ ở các trường đại học; quan tâm công tác nghiên cứu khoa học… để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới toàn diện.