Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Công tác phát triển Đảng trong nhà trường- kết quả rõ nét

Thứ ba - 11/11/2014 08:34
Kiên trì triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TU ngày 23/7/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về lãnh đạo công tác phát triển đảng viên, “xóa” thôn, trường “trắng” đảng viên, giảm thôn trường ghép chi bộ, trong 10 năm qua, ngành GD&ĐT đã thu được những kết quả khá rõ nét.
Cán bộ, đảng viên, giáo viên ngành giáo dục thành phố Lạng Sơn nghiên cứu nghị quyết  của Đảng về GD&ĐT
Cán bộ, đảng viên, giáo viên ngành giáo dục thành phố Lạng Sơn nghiên cứu nghị quyết của Đảng về GD&ĐT
Trong 10 năm qua, toàn ngành đã tăng 267 trường và 6.321 cán bộ giáo viên các cấp học. Quy mô giáo dục tăng nhanh không chỉ đòi hỏi về công tác quản lý chuyên môn, mà công tác đảng, công tác chính trị trong nhà trường theo Chỉ thị số 34, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (Khóa XIII) về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, công tác phát triển Đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển đảng viên trong trường học” càng phải được coi trọng. Từ năm 2004 đến nay, mặc dù số giáo viên tăng nhanh và hầu hết là giáo viên trẻ, mới ra trường, song tỷ lệ đảng viên trong nhà trường vẫn tăng từ 32% năm 2004 lên 35,16% năm 2014. Toàn ngành đã “xóa” trường “trắng” đảng viên một cách vững chắc.  Do quan tâm sâu sắc đến việc củng cố các đoàn thể chính trị trong nhà trường như Đoàn thanh niên, Công đoàn; do duy trì tốt và sâu rộng các cuộc vận động mà nòng cốt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,cuộc vận động “Mỗi thày giáo cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Hai tốt”, coi đó là “kênh” quan trọng để giáo dục và rèn luyện đoàn viên thanh niên giáo viên, nên nguồn phát triển Đảng trong các nhà trường khá dồi dào. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Lương Hằng, Phó Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc cho biết, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên trẻ của nhà trường có chí tiến thủ, đam mê nghề nghiệp, lại được các phong trào, các cuộc vận động nuôi dưỡng, chăm lo, nên họ luôn có chí hướng phấn đấu trở thành đảng viên. Các tổ chức chính trị trong nhà trường luôn trân trọng, ghi nhận  sự phấn đấu của họ và giới thiệu cho chi bộ bồi dưỡng và xem xét kết nạp, nên trong nhiều năm qua chi bộ nhà trường luôn được bổ sung bằng đội ngũ giáo viên trẻ. Trong năm học 2013-2014, toàn trường đã kết nạp thêm 8 đảng viên mới, trong đó có 2 đảng viên từ “kênh” Đoàn trường và 6 đảng viên từ “kênh” Công đoàn; đưa tổng số đảng viên toàn trường lên 64 đồng chí, chiếm tỷ lệ 46,72% tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên toàn trường, cao nhất trong khối các trường THPT.
     
Tăng chi bộ độc lập, song vẫn còn nhiều chi bộ ghép
     
Năm học 2003-2004, năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn ngành GD&ĐT có 349 chi bộ độc lập và 106 chi bộ ghép và còn 8 trường chưa có đảng viên. Những chi bộ ghép chủ yếu ở những trường nhỏ, ít giáo viên, ít đảng viên; trường “trắng” đảng viên chủ yếu là những trường mới tách, mới thành lập. Bằng các giải pháp khác nhau như tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp, điều chuyển cán bộ giáo viên là đảng viên làm nòng cốt cho các trường mới tách, nên ngành đã nhanh chóng chấm dứt tình trạng trường “trắng” đảng viên.  Điển hình như năm 2004, tỷ lệ đảng viên ở Trường THPT Lộc Bình mới chỉ đạt 18% và chi bộ phải sinh hoạt ghép. Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 36, tỷ lệ đảng viên đã là 21% và là chi bộ độc lập. Từ năm 2010 đến nay, mặc dù phải “san sẻ” số cán bộ giáo viên, đảng viên để thành lập Trường THPT Tú Đoạn và tỷ lệ giáo viên hợp đồng chiếm tới 16,3%, nhưng nhà trường vẫn có chi bộ độc lập với 20 đảng viên, chiếm tỷ lệ 19,61% . Những trường mới đi vào hoạt động cũng đã có được tỷ lệ đảng viên khá, có chi bộ độc lập như THPT Tú Đoạn 18,75%, THPT Đồng Bành 20,7%. Do quan tâm đến công tác phát triển Đảng ở các trường khu vực nông thôn, nên trong 10 năm qua, tỷ lệ đảng viên của khối nhà trường do huyện quản lý đã tăng khá như Bắc Sơn từ 39% năm 2004 lên 43,4% năm 2014; thành phố Lạng Sơn từ 37,4% năm 2004 lên 50,54% năm 2014. Bằng sự kiên trì của các đơn vị, nhà trường, đến năm 2014, toàn ngành đã có 609 chi bộ độc lập (chưa kể số chi bộ trong cơ quan Sở GD&ĐT), tăng 260 chi bộ so với năm 2004.
      
Tuy vậy, toàn ngành vẫn còn tới 118 chi bộ ghép, điển hình như  ngành giáo dục Bình Gia còn tới 28 chi bộ ghép, Cao Lộc 14 chi bộ ghép, Đình Lập, Lộc Bình 10 chi bộ ghép... Đây là sự tất yếu của việc thành lập, chuyển đổi trường ở tốc độ nhanh, đặc biệt là thành lập mới các trường mầm non. Nhưng cũng có trường duy trì tình trạng chi bộ ghép rất lâu như Trường THPT Bình Độ. Hiện nay, trường này có 6 đảng viên, chiếm tỷ lệ 19,35% nhưng vẫn chưa thể tách, vì vẫn có 1 đảng viên ở Phòng khám ĐKKV Bình Độ sinh hoạt chung. Đồng chí Hoàng Quốc Bình, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng lý giải rằng, “mang tiếng” là “ghép” nhưng thực ra cũng là sự độc lập vì chỉ có 1 đảng viên ở cơ quan ngoài vào sinh hoạt chung.
                                                         

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây