Ngay sau đó các cấp, ngành đã có những động thái tích cực cụ thể hóa chương trình hành động này, thể hiện quyết tâm của Lạng Sơn trong việc tập hợp và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học vào sự phát triển chung của tỉnh.
Kỹ sư Hoàng Lê Minh, chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp của tỉnh nêu một con số vĩ mô: Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2012 cả nước xuất khẩu đồ mộc thu về trên 4,6 tỉ USD, đây là con số rất lớn, nhưng phần lớn trong số đó, chiếm đến 70-80% lượng gỗ phải nhập khẩu. Đây là con số đáng phải suy nghĩ, chứng tỏ nguồn gỗ lớn cho công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ của nước ta không còn nhiều. Đó là con số của cả nước, còn trong địa bàn tỉnh thì quả thực đến thời điểm này hầu hết chỉ còn gỗ trong nhân dân do tích trữ được. Những cánh rừng tự nhiên với các loại gỗ quý hiếm cơ bản đã không còn.
Các vấn đề đặt ra trở thành một trong những đề tài thảo luận chính của cuộc họp Ban Chấp hành Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Ông Nguyễn Mỹ Sơn, Chủ tịch Hội cho biết: hiện nay các thành viên của hội đã tìm được các loại giống cây gỗ lớn phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng 8-10 năm được khai thác, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với hiện nay, nhưng tại sao giữa nghiên cứu và ứng dụng, nhân rộng, chuyển giao vẫn còn khoảng cách? Chúng tôi phải thảo luận cụ thể, phân tích nguyên nhân, trả lời được câu hỏi đó để từ đó tham mưu cho các cơ quan quản lý, UBND tỉnh những giải pháp thiết thực nhất.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN nhận xét: Những vấn đề mà Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp đưa ra rất cụ thể và là vấn đề rất cấp bách, đây là điểm rất mới của các hội khoa học trên địa bàn tỉnh. Thay vì nội dung sinh hoạt được đưa ra chung chung như trước kia thì hiện nay ngoài việc phổ biến các văn bản, chính sách liên quan đến các hoạt động khoa học, thì những vấn đề được đề cập đến là những vấn đề hết sức cụ thể, liên quan trực tiếp và là vấn đề “nóng” trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực của tỉnh tập trung vào thảo luận, tìm các giải pháp tháo gỡ là biện pháp tham mưu rất tích cực cho các cơ quan quản lý trong việc ra các quyết sách phù hợp.
Hiện nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật trên địa bàn đã có 20 hội thành viên với trên 75.000 hội viên. Trong quá trình hoạt động, các hội khoa học đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV thì nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật vẫn còn nhiều lúng túng, chưa gắn kết được các hoạt động giữa các hội thành viên. Đồng thời chưa xây dựng được quy chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chưa có quy chế phối hợp giữa Liên hiệp hội với các cơ quan nhà nước, giữa các hội thành viên trong việc khai thác tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức...
Trong bối cảnh đó, ngày 12/7/2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 48, thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiện các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể hóa chương trình hành động, ngày 17/11/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn. Mục đích cơ bản của quyết định này là cung cấp cho các đối tượng đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm cơ sở khoa học, luận cứ khoa học mang tính độc lập, khách quan khi đề xuất, quyết định phê duyệt, thực hiện các dự án; hoặc đánh giá kết quả thực hiện đề án sau một giai đoạn. Đồng thời tăng cường đoàn kết, hợp tác của đội ngũ trí thức, nâng cao năng lực và vai trò của Liên hiệp hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đây là quyết định rất quan trọng, tạo cơ sở cho việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đơn đặt hàng cho các hội khoa học kỹ thuật. Ông Hoàng Quang Khôn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Hiện nay chúng tôi đang tập hợp các nhà khoa học đầu ngành trong mọi lĩnh vực của tỉnh.
Trước tiên là phổ biến, tập huấn về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đồng thời củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành viên. Những biện pháp này, kết hợp với những văn bản, chính sách của tỉnh sẽ là điều kiện để Lạng Sơn phát huy tối đa sức sáng tạo của các nhà khoa học, phát huy sức mạnh của khoa học, kỹ thuật trong tiến trình phát triển của tỉnh.