Năm 2017, ngành tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN mà Quốc hội đã quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Chi NSNN được tổ chức triển khai dự toán chi NSNN tích cực, chủ động, tiết kiệm triệt để các khoản chi, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung kinh phí... Bên cạnh đó, ngành tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính-ngân sách.
Năm 2018, dự toán thu cân đối NSNN là 1.319,2 nghìn tỷ đồng (phấn đấu tăng thu 3% so với dự toán Quốc hội giao), trong đó dự toán thu nội địa 1.099,3 nghìn tỷ đồng, dự toán thu dầu thô 35,9 nghìn tỷ đồng, dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 179 nghìn tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 1.523,2 nghìn tỷ đồng; dự toán bội chi NSNN là 204 nghìn tỷ đồng (3,7% GDP); nhiệm vụ huy động vốn là 363,28 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi 206,15 nghìn tỷ đồng, để trả nợ gốc 157,1 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính tập trung vào 9 nhóm giải pháp cụ thể.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả mà ngành tài chính đạt được cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2017. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, công tác tài chính - NSNN năm 2017 vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong những năm tiếp theo. Cụ thể như chính sách tài chính quốc gia cần chủ động khắc phục khiếm khuyết, qua đó, ngành liên quan cần nghiên cứu các chính sách kinh tế mà một số nước đã làm; việc thay đổi chính sách cần theo kịp sự phát triển của đất nước; các chính sách về thuế cần đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế; tập trung mở rộng cơ sở thuế…Từ đó, Bộ Tài chính cần rà soát các điểm nghẽn, bất cập để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý tài sản công; cơ chế quản lý hóa đơn giá trị gia tăng; hoạt động thanh, kiểm tra… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ để giải quyết.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự