Xã hội hóa công tác y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ tư - 22/09/2010 07:41
Dẫn chúng tôi đi xem một số thiết bị hiện đại do cán bộ nhân viên Trung tâm góp vốn mua sắm, Bác sĩ Hoàng Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Gia cho rằng, chính sự “góp vốn” để mua sắm máy móc hiện đại theo “kênh” xã hội hóa ( XHH) phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao, vừa tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên, đỡ được tình trạng “chân trong chân ngoài”.

Trước đây, mỗi khi có nhu cầu về siêu âm kỹ thuật cao, nội soi tai mũi họng( TMH)…người dân Bình Gia thường “khăn gói” ra ngoài thành phố hoặc sang Thái Nguyên. Vừa tốn kém tiền tàu xe, vừa phải ăn chực nằm chờ nhà người thân, rất phiền phức. Nay có các loại máy hiện đại ngay tại quê nhà, mỗi khi sức khỏe “có vấn đề”, không chỉ các bác cán bộ hưu trí, mà ngay cả các bà, các chị chuyên đi “chợ chuyến” với số tiền vừa phải cũng có thể vào “kiểm tra sức khỏe”.

 

Máy chụp cắt lớp của BV Đa khoa Lạng Sơn theo phương thức XHH

Thực ra cụm từ XHH y tế đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước và được thực hiện ở các thành phố; các phòng khám đa khoa, phòng mạch, nhà thuốc tư nhân được cơ chế “mở cửa” mọc lên như nấm mùa xuân.

Song nó chỉ thực sự xuất hiện trên địa bàn Lạng Sơn được mấy năm nay với các phòng khám, nhà thuốc do sự liên kết về vốn và nhân lực của một số bác sĩ, dược sĩ Hà Nội- Lạng Sơn. Có lẽ do quan niệm hoặc tính trông chờ ỷ lại vào nhà nước đã trở thành “nếp” ăn sâu trong tiềm thức của người dân Lạng Sơn, nên người ta thường nhìn và nghĩ về khu vực y tế tư nhân một cách thiếu thiện chí.

Đối với các bệnh viện công, với lượng bệnh nhân vừa phải chưa gây nên sự quá tải, nên người dân chưa thực sự có nhu cầu. Mặt khác, do “quen”sử dụng máy móc “công” và tinh thần phục vụ “vô điều kiện”, nên nhiều người cho rằng sự xuất hiện của “thành phần tư nhân” trong bệnh viện (BV) công là một sự phi lý. Thậm chí khi cán bộ nhân viên Đa khoa Lạng Sơn góp vốn hoặc liên kết mua máy móc để thực hiện khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu, thì người ta cho đó là sự “xé rào”.

Nay đã khác, với tinh thần của công tác XHH giáo dục, y tế, TDTT, khu vực y dược tư nhân đã ngày càng lớn mạnh và có sự bứt phá về chất lượng phục vụ. Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 114 cơ sở KCB tư nhân, một số cơ sở đã mua sắm các trang thiết bị hiện đại; có 181 cơ sở hành nghề dược cung ứng thỏa mãn nhu cầu thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Với sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ của ngành chủ quản, y dược tư nhân đã “nắm tay” các BV công cùng tiến, có cạnh tranh lành mạnh về chất lượng KCB, chăm sóc, giá thuốc, chất lượng thuốc và vật tư y tế…và trong cuộc cạnh tranh này, chính người dân được hưởng lợi.

Đối với các BV công, ngoài việc khai thác tối đa công dụng của các trang thiết bị mới và hiện đại để khám và điều trị, rất nhiều BV đã mạnh dạn vận động cán bộ nhân viên đóng góp cổ phần mua máy móc thiết bị.

Từ khi BV đa khoa vận dụng hình thức liên kết có được chiếc máy chụp cắt lớp từ năm 2006, tính đến nay, bằng nguồn vốn XHH ( cổ phần, liên doanh liên kết…), các BV đã mua sắm được 4 máy siêu âm màu 4D, 4 máy nội soi TMH, 1 máy X quang, 2 máy đo lưu huyết não, 1 máy sinh hóa, 4 máy xét nghiệm huyết học, 1 máy chụp cắt lớp, 5 máy chạy thận nhân tạo…với tổng trị giá gần 11 tỷ đồng.

Đối với cơ sở dược tư nhân, nhiều cơ sở đã tích tụ vốn, nhân lực, đẩy mạnh liên kết, có hệ thống bán lẻ rộng rãi. Nhiều người dân nhận xét rằng giá thuốc chữa bệnh tại khu vực tư nhân nhiều khi rẻ hơn rất nhiều so với giá thuốc tại các BV công.

Những đợt khan hiếm và “loạn giá” thuốc chữa bệnh trong những năm vừa qua, chính hệ thống nhà thuốc tư nhân đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn về sự khan hiếm thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc chữa bệnh. Do tính thiết thực của nó, nên công tác XHH y tế đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần cùng y tế công lập nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy vậy các cơ sở hành nghề y dược tư nhân chủ yếu tập trung tại các thị trấn, thành phố, quy mô KCB còn nhỏ lẻ, đầu tư còn nghèo nàn, thiết bị lạc hậu. Các thiết bị máy móc đầu tư theo “kênh” XHH tại các bệnh viện công có giá thành rất cao, song chưa phát huy hết công suất, nên khả năng thu hồi vốn chậm. Tuy công tác XHH y tế ở tỉnh ta đã có bước phát triển nhanh, song vẫn chưa xứng với tiềm năng; người dân chưa có thật nhiều sự lựa chọn để có thể được đáp ứng một cách tốt nhất.

Chính sách thu hút đầu tư cho y tế ngoài công lập đã được ban hành, song còn thiếu cụ thể, thủ tục rườm rà, hạn chế nhiều khả năng thu hút đầu tư xã hội cho y tế. Cần “mở rộng” cánh cửa để y dược tư nhân phát triển, đồng thời tăng cường quản lý để khu vực y tế ngoài công lập phát huy tác dụng, cùng Nhà nước nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây