Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau khi nhận được Kế hoạch số 91 của Bộ Công an, 100% công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm rõ chủ trương, mục đích, yêu cầu của bộ về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.
Đồng thời cụ thể hóa vào các nhiệm vụ trọng tâm như: công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC); công tác tổ chức chữa cháy…
Kết quả, 5 năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC đã điều động phương tiện, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa hơn 8.600 vụ cháy. Bên cạnh đó, kịp thời ngăn chặn, khống chế nhiều vụ cháy lớn và bảo vệ được lượng tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng; cứu nạn và hướng dẫn thoát hiểm cho hàng nghìn lượt người bị kẹt trong đám cháy.
Tại hội nghị, công an các tỉnh, thành phố tham luận, đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, tập trung vào công tác PCCC tại nhà cao tầng, khu chung cư, nhà liền kề kết hợp sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò lực lượng PCCC tại chỗ…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương lưu ý: Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác PCCC vẫn còn một số hạn chế cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục trong thời gian tới.
Đồng chí đề nghị: Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục có đánh giá cụ thể, sâu sắc tình hình PCCC ở đơn vị, địa phương mình, coi trọng trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục, sửa chữa những tồn tại, bất cập trong công tác PCCC; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC…