Ăn chay và mối tương quan giữa người và vật

Thứ hai - 03/06/2013 15:13
Khi bàn về vấn đề ăn chay, trước hết chúng ta cần giải quyết mối tương quan giữa Con Người và Con Vật.
Con người là động vật bậc cao. Con vật là động vật bậc thấp. Như vậy, giữa 2 loài này khác trước hết ở chữ “cao” và “thấp”, nhưng đều là động vật. Do vậy có thể xem loài người và loài vật là đồng loại. Đồng loại thì không nên ăn thịt nhau. Con vật do trí óc kém phát triển, nên chúng sống theo bản năng tăm tối là điều dĩ nhiên. Con người với trí thông minh vượt trội, lại có quá nhiều người sống dựa vào bản năng nên tụt dốc thảm hại về nhân tâm.
 
Đức Phật không bảo người tu tại gia phải tuyệt đối ăn chay, mà trước hết khuyên người nên ăn theo Tam tịnh nhục: ăn thịt của con vật khi không giết nó, không thấy nó bị giết và không nghe tiếng nó kêu [cứu] khi bị giết. Tuy nhiên nếu một lòng hướng về Phật, một lòng nguyện được về Tây phương Cực lạc thân cận cùng mười phương chư Phật thì việc tiến tới trường trai là cái đích cần với đến.

Trường trai sức khỏe có đảm bảo? Ngày nay khoa học đã chứng minh, ăn mặn đương nhiên sức khỏe tăng nhanh so với ăn chay, song mầm bệnh nhiều hơn ăn chay. Nên ai muống phòng bệnh và vô bệnh thì nên ăn chay. Xét về nghiệp lực: ăn mặn trái với Đạo, ăn chay thì ngược lại. Ấy là chưa bàn đến vấn đề cốt lõi nhất: nếu chay tịnh đạm bạc, ăn với tâm vui vẻ thì thức ăn ấy là thuốc dưỡng sinh. Còn trước mặt đủ sơn hào hải vị song ta ăn với tâm tham, tâm sân giận thì thảy đều tiết ra độc tố. Hay dễ hiểu hơn, nếu vị nào đó thực hành viên mãn Thập Thiện, thì vài cọng rau cũng đủ giúp họ khỏe mạnh và minh mẫn. Mỗi vận mạng đều tiệm tiến theo nghiệp quả mà bản thân tạo ra. Sống thuận với Đạo có thể cải tạo vận mạng, trái với Đạo vận mạng thường bị rút ngắn, hoặc tai họa ập đến trước thời hạn định sẵn trong tướng số. 

Người tu Đạo thường có những chướng ngại cơ bản cần đả phá là vọng tưởng - chấp trước - phân biệt. Nếu căn cơ không thuộc hàng tiền “thất lai”, thì phải thường niệm “A Di Đà Phật” hòng đẩy lùi vọng tưởng. Chấp trước lớn nhất là xem thân này đồng với ta (thật ra chỉ là “của ta”), từ đó không tin nhân quả luân hồi. Muốn trừ chấp trước phải thâm nhập kinh điển Đại thừa, mà trước hết phải đọc/nghe giảng kinh Địa Tạng. Phân biệt lớn nhất là cho con người cao nhất trong trời đất. Từ đó xem thường, đối xử dã man với loài vật mà không biết rằng một phần chúng là ân nhân, quyến thuộc của mình trong các đời quá khứ. 

Con người hơn loài vật nhưng không thể tự thân sống dưới nước và bay trên bầu trời cao rộng. Thừa nhận người cao hơn người cốt nơi trái tim chứ không ở cái đầu, nhưng con người lại phủ nhận tình thương vô hạn của con vật. Bởi chúng cũng chảy nước mắt khi bị lôi vào các lò mổ, chúng cũng xả thân cứu người, chúng cũng đứt ruột mà chết khi nhìn con bị thợ săn hạ gục... Có thể dẫn ra vô vàn minh chứng sinh động.

Việc các nhà ngoại cảm nhìn thấy người chết, sau bao nhiêu năm vẫn còn ở ngoài mồ, đã khiến nhiều người hoài nghi về luân hồi. Các vị Phật tái lai cảnh báo: Con người mất đi, muộn nhất sau 49 ngày đều theo nghiệp lực đi vào các nẻo trong lục đạo; việc họ còn ngoài mồ chỉ là tác dụng của “cái bóng” thần thức, không phản ánh đúng cảnh giới họ đang phải chịu nhận trong Tam ác đạo. 

Công phu tu tập của một người sẽ được đánh giá qua lượng từ bi nới rộng đến đâu. Nếu thấm nhuần chân lý, con vật cũng có Phật tánh, dĩ nhiên khi hại vật chính là hại ta, bởi ta và vật vốn không hai. Rộng hơn, theo tinh thần kinh điển: vạn vật đồng nhất thể, đều là một tự tánh trùm khắp hư không trọn pháp giới.

Tác giả bài viết: HỒ DỤY

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây