Nằm ngả lưng dưới một gốc cây trong trang trại nhỏ sau khi làm cỏ xong, anh nông dân nhắm mắt tận hưởng tiếng chim hót líu lo, làn gió mát lành và mùi hương đồng nội quen thuộc.
Nổi tiếng trong vùng là chịu khó và khéo léo, rau trái trong trang trại của anh khi thu hoạch thường cho năng suất hơn các thức cùng loại trong trang trại, ruộng vườn nhà khác. Nhờ vậy, cuộc sống khá thoải mái, trông anh không quá đầu tắt mặt tối như những nông dân khác.
Trong vùng có một phú hộ để mắt tới anh từ lâu, nay tìm đến gợi ý hợp tác. Ông ta không có đất đai gì cả nhưng có tiền, nguyện góp vào để anh mở rộng đất đai canh tác, chăm sóc mùa màng, đến vụ thu hoạch thua thì ông chịu, lời lãi sẽ chia đôi.
Anh nông dân thắc mắc: “Tại sao tôi phải làm việc này?”
Người kia vẽ ra một viễn cảnh giàu có đầy hấp dẫn, đúng như tư duy của một nhà đầu tư.
Theo lời người phú hộ, chỉ chừng 20 năm sau, mỗi ngày anh nông dân sẽ được đi trên cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, trang trại bạt ngàn, người làm công đầy ắp, có thể đi du lịch vòng quanh thế giới…
Anh nông dân thuận tai, đồng ý. Quả nhiên chỉ sau 5 năm anh giàu lên thực sự, người phú hộ cũng kiếm được nhiều tiền hơn, người phú hộ cũng rất tử tế, sòng phẳng nên sự hợp tác của họ tiến triển ngày càng tốt đẹp.
Rồi cũng đến lúc anh tự phát triển trang trại của riêng mình mà không cần đến nguồn đầu tư của người phú hộ nữa. Tuy nhiên điều này khiến anh phải vất vả hơn rất nhiều.
Trước kia anh chỉ cần chuyên tâm chăm sóc trang trại mà không phải lo nghĩ đến việc khác, mọi tính toán lời lãi đã có người phú hộ lo, thì nay làm chủ anh phải tự lo toan tất cả, từ tính toán chi phí đầu vào tới lo mang nông sản đi bán, vận chuyển tới các tỉnh xa, cả ngày làm không hết việc.
Anh già đi trông thấy, vừa qua tứ tuần mà nhìn như ông lão sáu mươi. Cứ thế thấm thoát cũng vừa tròn 20 năm, anh ngày càng giàu có hơn, nhưng cũng mắc nhiều bệnh hơn do lao lực, lo nghĩ, tiệc tùng…
Không may, các con anh đã lớn khôn mà không ai thừa hưởng được sự chăm chỉ, chịu khó và ý chí như anh, thích tụ tập bạn bè ăn chơi hơn là lao động, cũng chẳng mấy quan tâm mỗi khi bố mẹ đau ốm.
Cho đến một ngày, anh đột ngột và suy sụp phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, không thể chữa khỏi, thời gian còn lại chỉ tính bằng tháng.
Rồi anh nhận ra, cũng gần như suốt 20 năm qua anh không có lấy một buổi chiều thảnh thơi nằm ngả lưng dưới gốc cây để nghe chim hót, nhìn mây trời… Rồi câu hỏi ngày xưa với ông phú hộ bỗng trở lại trong đầu: “Tại sao tôi phải làm việc này?”
Nhưng với anh mọi thứ đã quá muộn…
Chúng ta đi tìm hạnh phúc – hạnh phúc thật sự đang ở đâu?
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một câu chuyện riêng về sự nghiệp, công việc của mình, và không có đáp án chung cho bất kỳ ai.
Nhưng phải chăng, nhiều người từng hoặc đang có suy nghĩ như anh nông dân trong câu chuyện trên kia, rằng: Nếu tôi có nhiều tiền hơn, tôi sẽ hạnh phúc hơn, 5, 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa.
Đã bao nhiêu lần bạn “nhảy việc” vì nghĩ rằng công việc hiện tại có vấn đề, và nếu như chuyển sang chỗ mới thì vấn đề sẽ hết? Bằng kinh nghiệm của mình, bạn có thấy vấn đề hết thật không?
Vậy tại sao không thoải mái, hạnh phúc luôn từ bây giờ? Và có thể đạt được điều đó không khi “tiền ít”, “còn nghèo”?
Trong hầu hết các tin tức tuyển dụng, thường chúng ta sẽ thấy có một câu rất phổ biến dành cho các ứng viên là: “Chịu được áp lực cao”.
Đó dường như là một yêu cầu đương nhiên và ai cam kết sẽ dễ được chấp nhận. Người ta coi áp lực và khả năng bị stress là một phần tất yếu của công việc thời hiện đại.
Nhưng nếu chỉ chọn “được việc”, “thành công” mà bỏ qua sự bình an, thoải mái trong tinh thần thì cũng đồng nghĩa bạn đã không chọn hạnh phúc cho mình – trong khi mục tiêu đi làm của bạn chính là để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc!
Thế nào là “thành công” trong công việc, sự nghiệp?
Không có mẫu số chung giữa bất kỳ ai rằng thế nào là “thành công”, vì thế khái niệm “thành công” bài viết đưa ra cũng chỉ là một góc nhìn, nếu hữu ích với bạn thì tham khảo. Không phải là giáo lý, bài học chung cho bất kỳ ai.
“Thành công” thực sự của mỗi người có lẽ phải là trạng thái vừa cảm thấy đủ về vật chất, lại vừa thấy bình an trong đời sống tinh thần.
Một trong những cách để đạt được trạng thái ấy, là biến công việc thành phần thưởng. Người ta nói: “Thay thái độ, đổi cuộc đời”.
Nếu bạn chuyển hóa được suy nghĩ lâu nay rằng mình “phải” thành “được” đi làm, thì có nghĩa là bạn bước đầu đạt được hạnh phúc ngay trong thời điểm hiện tại rồi.
Hãy nghĩ đến những gì chúng ta đang “được” với công việc, sự nghiệp hiện tại, thay vì chỉ luôn cho rằng ta đang phải “chịu đựng” nó, phải đánh đổi nhiều thứ để có nó.
Nhiều người coi thành công là phải được người khác vị nể, cấp trên đánh giá cao, đồng nghiệp thán phục, cha mẹ nở mặt nở mày với họ hàng làng xóm…
Vô tình, với nhiều người công việc, sự nghiệp trở thành nguồn gốc gây ra căng thẳng, áp lực, và công việc đang làm biến thành gánh nặng – nếu như những thứ ấy không đạt được kỳ vọng của “người khác”, “cấp trên”, “đồng nghiệp”, “cha mẹ”, “họ hàng làng xóm”…
Hãy ngẫm thật kỹ xem, có phải “hạnh phúc” của những người đó đang… ở trong tay, phụ thuộc vào người khác chứ không phải chính bản thân họ?
Trẻ con Việt Nam đa số được dạy từ nhỏ: “Làm gì thì làm đừng để người khác cười chê”, và cứ thế nhiều thế hệ in sâu vào tâm thức, khi lớn lên chúng ta đặt hết hạnh phúc của chính mình trong tay… người khác.
Đồng nghiệp có nói xấu vài câu, cấp trên có mắng mỏ vài lời, khách hàng có quát tháo vài trận… đều có thể gây ra những vết thương lớn trong tâm lý, tinh thần chúng ta; với một số người thậm chí trở thành vấn đề quá nghiêm trọng.
Trong khi thực tế, đối với cuộc đời họ, thực chất ta chẳng hề quan trọng với họ - như ta nghĩ. Vậy thì tại sao ta lại đặt hết hạnh phúc của mình nơi ấy? Đó quả thực là một lựa chọn sai lầm!.
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự