Tôi là người làm kỹ thuật, tư duy của tôi là tư duy hệ thống và chú trọng tính khoa học. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ những gì tôi học và làm. Khi tìm hiểu một vấn đề nào đó, tôi luôn đòi hỏi những nội dung đó phải được sắp sếp và trình bày một cách hệ thống, đầy đủ và khoa học. Quan điểm này được áp dụng cho cả những nội dung khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của tôi.
Qua quá trình học, tôi đọc rất nhiều sách trong nhóm những cuốn sách học làm người. Các bạn cũng biết chữ hiếu là một trong những nội dung được nhiều tác giả đề cập đến, từ những nội dung chung chung cho đến những câu chuyện cụ thể từ cổ chí kim.
Nhưng có một điều tôi thấy rất rõ ràng rằng chưa có một bài viết, một nghiên cứu hay một cuốn sách nào nói một cách rõ ràng, hệ thống, đầy đủ và cụ thể về công ơn thâm sâu của cha mẹ đối với con cái như cuốn Kinh Vu Lan mà Đức Phật đã dạy. Kinh Vu Lan hay còn gọi là Kinh Vu Lan Bồn, hay Kinh Báo đáp Công ơn Cha mẹ.
Lúc nhỏ, một lần nọ vì ngỗ nghịch mà được ba giảng cho nghe cuốn Kinh này. Nghe tới đâu khóc tới đó, tôi còn nhớ rõ ràng cái lần đó, thực ra không phải là khóc mà cuốn họng cứ nghẹn cứng, nước mắt thì tuông mà không thốt được một lời nào. Còn nhớ đó là cuốn Kinh Vu Lan bằng thơ lục bát. Tôi khóc vì tôi bàng hoàng biết được nhiều điều, nhiều hơn rất nhiều so với những gì ở trường dạy, nhiều hơn rất nhiều những lời cha mẹ dạy tôi hàng ngày.
Này các bạn nhé, đố các bạn nếu có một đống xương khô trước mặt lẫn lộn xương đàn ông đàn bà trong đó làm sao bạn phân thành hai bên nam nữ rõ ràng? Bạn nghe này:
Phật mới bảo A Nan nên biết
Xương nữ nam phân biệt rõ ràng
Đàn ông xương trắng nặng quằn
Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn
Người có biết cớ sao đen nhẹ?
Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra
Sanh con ba đấu huyết ra
Tám hộc bốn đấu sữa hòa nuôi con
Vì cớ ấy hao mòn thân thể
Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai
Nếu bạn là người chưa lập gia đình, chưa sanh con chưa nuôi con, bạn có thể qua sách vở mà tìm hiểu được quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Nhưng bạn có hiểu được những khó nhọc và bao nỗi lo toan của cha mẹ trước khi mình ra đời không?
Rồi khi sanh thì:
Mẹ sanh con cưu mang mười tháng
Cực khổ dường gánh nặng trên vai
Uống ăn chẳng đặng vì thai
Cho nên thân thể hình hài kém suy
Khi sanh sản hiểm nguy chi xiết
Sanh đặng rồi tinh huyết đầm đề
Ví như thọc huyết trâu dê
Nhất sanh thập tử nhiều bề gian nan
Rồi khi sanh ra, mình còn nhỏ, cha mẹ phải nuôi nấng chăm sóc như thế nào? Nuôi lớn lên dựng vợ gả chồng, con gái thì đối xử với cha mẹ ra sao? con trai thì đối xử thế nào?
Phận con gái còn nương cha mẹ
Thì có lòng hiếu để thuận hòa
Cần lao phục dịch trong nhà
Dễ sai dễ khiến hơn là nam nhi
Song đến lúc tùng phu xuất giá
Lo bên chồng chẳng xá bên mình
Trước còn lai vãng viếng thăm
Lần lần nguội lạnh biệt tăm biệt nhà
Quên dưỡng dục song thân ơn trọng
Không nhớ công mang nặng đẻ đau
Chẳng lo báo bổ cù lao
Làm cho cha mẹ buồn rầu thảm thay
Nếu cha mẹ rầy la quở mắng
Trở sanh lòng hờn giận chẳng kiêng
Chớ chi chồng đánh liên miên
Thì cam lòng chịu chẳng phiền chẳng than
Những dòng thơ vừa khái quát vừa chi tiết đến lạ lùng....
Có lẽ tôi không nên nói thêm mà bạn nên tự đọc để hiểu. Qua kinh này, Đức Phật còn dạy chúng ta cách báo hiếu cho cha mẹ như thế nào nữa. Bạn hãy tự đọc và chiêm nghiệm nhé, đọc tại liên kết sau:
http://www.tangthuphathoc.net/kinh/kinhbaohieuphumau.htm
Bạn đừng bao giờ để mình phải ân hận vì biết được những điều này quá muộn nhé!
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!