Bàn về hạnh phúc ở trong đời thường từ những điều bình dị để chúng ta nắm bắt được trong cuộc sống. Con người tham vọng nên nghĩ hạnh phúc tùy thuộc ở tiền của và địa vị xã hội; nhưng khi chúng ta cố gắng kiếm tiền và địa vị đạt được ở đỉnh cao cũng không thấy hạnh phúc.
Đức Phật dạy rằng truy cầu là khổ, được cũng khổ và mất càng khổ hơn; bằng tuệ giác, Phật thấy như vậy. Vì vậy, người ta nghĩ trên thế gian không tìm được hạnh phúc, nên mong sau khi chết sẽ có hạnh phúc ở thiên đường. Từ sự nhận thức như vậy của con người, Phật mở phương tiện dạy chúng ta hạnh phúc có ở Cực lạc. Cực lạc là cùng tột của sự an lạc, là hạnh phúc tuyệt đối. Chúng ta tổng hợp lời Phật dạy thì thấy ở hoàn cảnh nào cũng tìm được hạnh phúc, nghĩa là hạnh phúc ở trong tầm tay, nhưng không nắm bắt, mà mong cầu hạnh phúc ở đâu xa thì không bao giờ nắm tới.
Khi quý vị bình tâm suy nghĩ sẽ thấy hạnh phúc có ngay trong tầm tay, nhưng chúng ta không biết giữ nó, đó là hạnh phúc ở tâm an lạc. Phật dạy truy cầu là khổ, nên muốn có hạnh phúc, phải cắt bỏ cái tâm ham muốn là diệt dục; nhưng chúng ta quá tham, sợ bỏ sẽ không có hạnh phúc. Phật dạy rằng nếu bỏ tâm ham muốn sẽ có hạnh phúc ngay, vì chính khát vọng làm chúng ta bất hạnh.
Thật vậy, trên thực tế chúng ta thấy có người phải hạnh phúc, như họ có nhiều tiền của, nhưng họ không hạnh phúc. Họ nói rằng họ khổ lắm vì lúc nào cũng lo lắng, cũng sợ mất, việc sản xuất của họ có thể mất trắng, hay có thể tù tội. Có một cơ nghiệp lớn, nhưng làm họ không hạnh phúc bằng người bình thường chỉ có một bát cháo loãng buổi sáng, nhưng anh này thanh thản, an lạc, vì không có tham vọng, không truy cầu. Anh kia giàu có tiền tỷ nhưng không hạnh phúc.
Trong nếp sống tu hành, khi ở Nhật Bản, tôi tu ở chùa Tổng Trì, các thầy buổi sáng ăn cháo trắng với củ cải muối, nhưng họ diệt dục, nên được an lạc là hạnh phúc lớn nhất. Tôi đọc câu chuyện ngày xưa có ông vua đã ăn quá nhiều món ngon, nên bảo rằng ai cho ông ăn món ngon chưa từng ăn thì sẽ chia cho một nửa giang san. Bấy giờ, vị thiền sư thưa với vua rằng có một món ăn ngon mà chắc chắn vua chưa từng ăn gọi là mầm đá. Vua mới ra lệnh làm món đó cho vua ăn. Nhà sư đem về mấy viên đá cuội để lên bếp nấu, chờ đá chín nhừ để cho vua ăn, nhưng chờ tới trưa, ông vua đói quá. Thiền sư mới lấy một nắm cơm nguội với hạt tương cho vua ăn đỡ trong khi chờ đá chín. Vua cảm thấy ngon quá, xin thêm mấy vắt cơm nữa. Điều này cho thấy rằng khi đói thì món ăn đơn giản cũng ngon. Như vậy, hạnh phúc tới với vua chỉ có cơm nguội, còn tìm món ngon thì không bao giờ vua cảm nhận được; nói cách khác, hạnh phúc ở trong tầm tay, nếu biết nắm bắt.
Phật dạy chủ yếu là tâm an lạc làm chúng ta có tầm nhìn sáng hơn để đắc đạo. Còn vì tham vọng lớn thì không bao giờ thỏa mãn, sẽ luôn thấy mình bất hạnh. Người giàu thì khổ tâm nhiều, người địa vị cao cũng khổ nhiều, bận rộn nhiều. Người bình thường không địa vị, không giàu có, nhưng họ biết giữ tâm an lạc, không truy cầu, ngay chỗ đó, họ được hạnh phúc. Nhưng nói như vậy, Phật tử lại hiểu lầm, nảy sanh tiêu cực là không truy cầu, không ham muốn thì xã hội sẽ như thế nào, đời sống ra sao, là hai cực đoan. Người truy cầu thì khổ cực, nhưng người vô cầu không biết gì, không khác gì con kiến là sai.
Vì truy cầu, nên không thấy xa, phạm sai lầm thì khổ này chồng chất khổ kia mà kinh Hoa nghiêm dạy trùng trùng duyên khởi là con đường sai lầm chúng ta từ bỏ; nhưng từ bỏ tham vọng để trí tuệ sáng lên, thấy được con người thực và hoàn cảnh thực của chúng ta thì bấy giờ chúng ta xử trí như thế nào cho tốt nhất; hạnh phúc của chúng ta là ở đó, là biết sống, không phải từ bỏ suông. Từ bỏ để có trí tuệ, biết sống có ý nghĩa là cốt lõi quan trọng của đạo Phật. Có người bạn nói rằng tôi chết tới nơi mà không lo. Tôi trả lời lo cũng chết thì lo làm chi. Bạn tôi quá lo, quá sợ, nên chết. Tôi càng gặp khó khăn càng bình tĩnh, sáng suốt để không phạm sai lầm, chứ không nên theo tham vọng hão huyền. Chính nhờ bình tĩnh sáng suốt mới tìm thấy giải pháp đúng đắn. Thầy tôi dạy rằng trước cái chết, nếu sợ thì không thoát được chết, nhưng không sợ chết, may ra còn sống, hay còn trí tuệ để nhìn thấy hướng thoát. Vì vậy, từ bỏ tham vọng để chúng ta sáng suốt, quyết định vận mạng mình đúng đắn.
Có thể nói hạnh phúc không lệ thuộc vật chất, nhưng lệ thuộc tâm con người. Những gì không cần thiết, chúng ta cắt bỏ, sẽ thấy hạnh phúc ngay trong tầm tay. Phật dạy bỏ tất cả để được tất cả. Thật vậy, cuộc đời của Phật đã thể hiện rõ rệt ý này. Ta thấy Ngài bỏ tất cả những gì thế gian tham đắm, nhưng những gì Ngài được quá siêu tuyệt. Còn các bậc quân vương khác cố gom tất cả, nhưng mất tất cả. Riêng tôi đã thực tập lời Phật dạy, tất cả những gì không nằm trong tầm tay thì vứt bỏ vì nó dẫn đến khổ đau. Ai nói việc gì lợi, tôi không quan tâm, bỏ hết để trở lại con người thực và hoàn cảnh thực của chính mình. Bấy giờ, ta dùng trí tuệ thấy được nên làm thế nào thì làm vậy, sẽ thấy hạnh phúc trong đời thường. Còn có tham vọng, chen vô việc khác hơn sẽ không có hạnh phúc.
Con người thực của chúng ta là gì? Đầu tiên chúng ta thấy sức khỏe và sự thông minh hiểu biết của mình chừng này thì nên làm vừa tầm mức như vậy, làm vượt hơn chắc chắn không được. Chẳng hạn khi tôi còn trẻ có sức mạnh, có thể nhấc một vật nặng một tay, nhưng bây giờ 75 tuổi thì không thể làm vậy. Biết mình lớn tuổi và sức khỏe tới đâu, nên ra vườn, tôi cầm cây gậy chống đỡ, vì sợ hai chân yếu, sẽ bị ngã. So với ba mươi năm trước từ trên núi Thị Vải, tôi dùng thuật phi hành xuống núi không quá năm phút, nhưng bây giờ 75 tuổi phải khác với thanh niên 25 tuổi. Ráng sức quá thì coi chừng nguy hiểm. Biết cân nhắc sức mình sẽ bảo đảm được sức khỏe.
Có sức khỏe tốt để được hạnh phúc, vì sức khỏe gắn liền với tâm. Sức khỏe mất, tâm cũng đau theo. Sáng nay, tôi thấy cơ thể không được an, dù tâm an. Phật tử cho ly sữa, hay nước cam, tôi không uống, là có trí tuệ tự biết lúc đó cái gì cần cho mình khỏe, không phải cái gì bổ cũng dùng được. Ta biết được cơ thể mình và tự điều chỉnh nó cho tốt là có hạnh phúc ngay, vì giữa thân và tâm có ảnh hưởng hỗ tương. Thi sĩ Trần Đới diễn tả ý này rằng: “Nghiệp người vướng sắc mắc danh. Tỉnh ra danh sắc tự hành hạ nhau”.
Nói cách khác, sức khỏe hành tâm chúng ta và ngược lại, tâm ảnh hưởng đến sức khỏe; vì mình có ham muốn nên không khỏe, nhưng ăn vô thức ăn không hạp thì bệnh, hay cố gắng làm gì vượt sức cũng bệnh, là thân bị tâm hành hạ, rồi tâm cũng khổ. Dùng trí tuệ điều chỉnh những gì tâm ham muốn không hợp lý, ta cắt để bảo đảm sức khỏe, nên điều hòa được thân tâm yên ổn. Các vị Thánh tăng hạnh phúc nhất, vì biết điều chỉnh. Các ngài không có thức ăn nhiều, không có địa vị, nhưng biết điều chỉnh tâm và thân, có thể một ngày ăn một lần, nhưng bảo đảm sức khỏe. Cơ thể không đòi hỏi nhiều như tham vọng của chúng ta. Chính tham vọng và cái tưởng sai lầm của chúng ta nhồi nhét cho cơ thể nhiều, thân sẽ bệnh. Các vị La-hán không ăn nhiều, nhưng thân khỏe và tâm an.
Đức Phật tội nghiệp ông chủ đồn điền bị mất bò, ông khổ và khóc; trong khi các thầy hạnh phúc hơn vì không có con bò để mất. Nhờ không bận tâm, các thầy không hao tổn sức lực, nên ăn ít được. Tôi quan sát thấy tội nghiệp con người. Không có gì ăn thì bị suy dinh dưỡng, nhưng có thức ăn nhiều, bị thừa đạm, thì sanh thấp khớp đầu gối, đau nhức. Tôi nhờ giữ được sức khỏe, vì không ăn nhiều đạm, không ăn nhiều chất béo, biết tuổi càng lớn, không phát triển, nên không đòi hỏi nhiều như lúc trẻ. Phật tử lớn tuổi nên bớt ăn đạm, bớt ăn tinh bột; ăn rau và quả nhiều. Có trí tuệ biết cơ thể cần gì cho vừa đủ, không hành hạ tâm để tâm được yên thì chúng ta được sáng hơn.
Đời sống của Sa-môn không có gì, nhưng giữ được hạnh phúc, không có tiền, không địa vị, nhưng họ không có tham vọng, nên không khổ và họ biết cơ thể không đòi hỏi nhiều, nên ăn ít nhưng bảo đảm được sức khỏe. Trở lại đời thường, so với đời sống của Đức Phật và Thánh tăng, chúng ta có chỗ ở và có thu nhập tối thiểu bảo đảm cuộc sống, đương nhiên chúng ta phải có hạnh phúc hơn. Chúng ta thấy ngay hạnh phúc ở chỗ này và nắm giữ nó.
Chỗ ở của chúng ta khiêm tốn đến mức nào thì giữ ngay mức này. Người có một ngôi nhà, nhưng mua thêm nhà và đất đai và khi vật giá thay đổi thì khổ. Chúng ta có chỗ ở khiêm tốn, coi cuộc đời này là quán trọ, ở đây một thời gian tu hành rồi sẽ ra đi. Vì vậy, dành thì giờ cho việc tu tập và chuẩn bị sự ra đi của chúng ta, khi từ giã cuộc đời này, chúng ta đi đâu. Không quan trọng chỗ ở, ở tạm cuộc đời này một đêm, hay một kiếp người. Điều quan trọng là chuẩn bị ra đi làm sao đổi ngũ uẩn thân này để có ngũ uẩn thân sau tốt hơn.
Đối với thân vật chất, có chỗ ở khiêm tốn, thu nhập tạm đủ, chúng ta yên tâm với cái có này, để có tầm nhìn sáng suốt hơn. Ta sống khiêm tốn sẽ có thặng dư giá trị, không đòi hỏi nhiều thì ai cũng có phước báo riêng. Vì vậy, chúng ta không mong cầu, nhưng có phước thì phước sẽ tự tới, không phải không mong cầu rồi chúng ta không có. Có phước thì không mất, sợ là chúng ta có của, nhưng không có phước thì rất khổ. Có phước thì sao?
Phước lớn nhất mà chúng ta có được theo Phật là tình người, anh em, bạn bè, ai cũng thương quý mình, thủy chung với mình là hạnh phúc lớn nhất, giàu nghèo chưa nói. Ta sống sao không mất lòng ai. Hòa thượng Trí Thủ lúc còn sanh tiền thường nói rằng tình bạn quan trọng nhất. Ta thành công cũng nhờ bạn, ta mất mát cũng vì bạn. Vì vậy, Hòa thượng phát nguyện đời đời kiếp kiếp được làm bạn của đạo Từ bi. Ráng giữ được tình bạn, vì mất tình bạn là mất tất cả. Người có của nhờ tình bạn, nhưng có của cải rồi lại triệt tiêu bạn thì của cải và địa vị này cũng sẽ mất.
Mọi người thương mến chúng ta là hạnh phúc nhất. Phật không giữ gì, nhưng từ vua chúa cho đến ngoại đạo đều thương kính Ngài. Ngày nay chúng ta thường công kích ngoại đạo, nhưng Phật chuyển hóa ngoại đạo trở thành quyến thuộc bồ-đề. Thêm một người nghĩ tốt về ta, cho ta thêm hạnh phúc. Ngoại đạo trở về Phật đạo, giúp Phật thành công lớn. Thật vậy, Phật độ ba anh em Ca Diếp thờ thần rắn thì họ dẫn về Phật một ngàn tu sĩ. Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên theo đạo thần lửa cũng dẫn về Phật hai trăm người. Ca Chiên Diên là nhà chiêm tinh cũng theo Phật. Và Phật vào Niết-bàn, nhìn lại quá khứ, Ngài không làm mất lòng ai là hạnh phúc nhất. Người bất hạnh thì chết thấy điều ác hiện ra, như Tần Thủy Hoàng sát phạt tất cả người chống đối cho đến người thân, cuối cùng nhắm mắt lìa đời, chung quanh ông toàn là người thù.
Phật từ giã cuộc đời ở rừng Sa-la, nhìn lại cuộc đời giáo hóa độ sanh của Ngài đã xây dựng biết bao nhiêu người đắc Thánh quả, Ngài thấy hạnh phúc mà kinh diễn tả là Ngài nằm ở giữa hai cây Sa-la, hoa trời rơi phủ kín Ngài, hay nói cách khác, toàn là việc tốt lành phủ kín Ngài; đó là hạnh phúc mà chỉ có Phật được trọn vẹn.
Hạnh phúc nhất là tâm chúng ta an lạc, còn vật chất khéo vận dụng thì nó giúp được, không biết thì mất. Mong đạo tràng chúng ta, ai cũng tìm được hạnh phúc trong cử chỉ, lời nói, suy nghĩ và hành động được an lạc, xứng đáng là Phật tử.