Vậy có cần phải chuyển hóa thực tại hay không hay những thứ mình gọi là chuyển hóa chỉ mang tính chất cung cấp điều kiện cho thực tại thay đổi hay biểu hiện dưới hình thức khác. Nếu nói ôm ấp và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thì cái gì gọi là khổ đau đâu đem ra coi. Khổ đau đã không có thì ôm ấp cái gì, chuyển hoá cái gì. Bất cứ ai cũng phải ít nhất một lần trải qua khổ đau và khổ đau có mặt biết khổ đau có mặt, vậy thôi.
Khổ đau không phải là ta nên ta không bị kẹt trong cái khổ đau này. Chuyển hóa nó là cung cấp điều kiện cho nó chuyển sang hình thức khác, như hạnh phúc chẳng hạn vì hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau. Giúp cho khổ đau vắng mặt, hạnh phúc sẽ biểu hiện. Cung cấp điều kiện cho khổ đau chuyển hóa tức là nhìn khổ đau bằng con mắt vô tướng như hạt giống khổ đau xuất phát từ trong mình, người kia có tri giác sai lầm, mình và người kia chưa thấu hiểu lẫn nhau, mình còn đặt ra tiêu chuẩn và danh sách đòi hỏi, các tâm sở bất thiện đang triển khai dàn hàng trong mình.
Vào lúc này mình phải quán chiếu nguyên nhân của khổ đau, mình đã làm gì để khổ đau có mặt, mình nói điều gì sai, mình suy nghĩ bạo động ra sao, mình thiếu chín chắn thế nào… Mình phải đi thiền hành, tập thở cho cơn đau lắng xuống, phải chia sẻ với người mình nghĩ là đã làm khổ mình, tập lắng nghe để hiểu người kia hơn, hiểu người kia mới hiểu được mình, biết nỗi khổ của người kia cũng là lúc hiểu nỗi khổ của mình.
Tại sao phải làm như vậy? Vì mình và người là một, sở dĩ mình có là vì người kia có nên mọi người có mặt vì mọi người cần nhau. Cô giáo dạy tiếng Pháp không có học trò thì lấy ai mà dạy hay trường lớp hình thành nhưng không có thầy cô thì học với ai. Món cà ri có mặt vì có sự đóng góp của nước, bột cà ri, xả, khoai tây, khoai lang, tàu hủ, dầu ăn, bếp gas… Chỉ cần thiếu nước hay thiếu cà ri, mòn cà ri sức mấy có mặt.
Nhìn người khác phải thấy mình trong đó như một người hoàn toàn xa lạ gặp gỡ mình, phải có duyên mới gặp nhau, không có duyên dù người trong gia đình cũng không gặp nhau. Mình mang trong cơ thể yếu tố đất, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người cùng sự cấu tạo. Mình mang trong cơ thể yếu tố nước, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là nước. Mình mang trong cơ thể yếu tố sức nóng, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là sức nóng. Mình mang trong cơ thể yếu tố không khí, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là không khí.
Mình mang trong cơ thể yếu tố không gian, người cũng vậy nên quán chiếu thấy mình và người là không gian. Thử rút hết đất, nước, sức nóng, không khí, không gian ra khỏi cơ thể, mình chẳng là gì, có thể chỉ là một hạt bụi, thậm chí không đủ sức để là hạt bụi. Năm yếu tố có trên địa cầu, mình và người cùng sống trên địa cầu, châu lục, quốc gia, cùng thở, cùng ăn. Rau cải, củ quả, cũng vậy, cũng từ năm yếu tố này. Mình ăn rau là ăn đất, ăn nước, ăn không khí, ăn năm yếu tố mà thôi. Nếu không khác nhau, hạnh phúc hay đau khổ của người chính là hạnh phúc hay đau khổ của mình.
Trong gia đình, một thành viên buồn, cả nhà không vui. Trong nhóm bạn, một người vui, cả nhóm được chia sẻ. Cộng đồng được xây dựng bởi sự đóng góp của từng cá nhân nên không có sự khác biệt giữ cá nhân và tập thể. Mình giải quyết được nỗi khổ, cả cộng đồng bớt khổ. Mình được hạnh phúc, cả cộng đồng được hưởng.
Buồn vui đều vô thường và vô thường là hạnh phúc nên người an nhiên với cả buồn lẫn vui. Buồn đó và vui đó, đến rồi đi, đi rồi đến, rất nhanh, thậm chí có người không biết mình đang buồn hay vui. Nhìn sâu để thấy buồn vui không kéo dài mãi, nên cần phải biết trân quý cái vui nhưng không níu kéo nó, để tự nhiên và cần phải chấp nhận cái buồn nhưng không xua đuổi nó. Nhiều nỗi buồn rất vô cớ theo kiểu tôi buồn không biết vì sao tôi buồn, cái buồn này nguy hiểm vì khiến mình làm nô lệ cho nỗi buồn rất nhanh. Buồn phải buồn cái gì tức là có đối tượng của nỗi buồn, biết rõ nguyên nhân thì chăm sóc cho nỗi buồn, hóa giải nguyên nhân, giúp nỗi buồn được vơi, đồng thời lấy đó làm bài học để sau này không còn những nỗi buồn đại loại như thế.
Nhiều nỗi buồn phát ra vì bị dính mắc nhiều quá, như dính mắc ý niệm về hạnh phúc. Nếu cho có nhiều tiền mới có hạnh phúc, có tiền rồi vẫn buồn. Cho có người bạn đời xinh đẹp mới hạnh phúc, có rồi vẫn buồn. Cho sự nghiệp địa vị cao sang mới hạnh phúc, có rồi vẫn buồn. Hình như loài người bận bịu đủ thứ nhưng lại rất rảnh rang với nỗi buồn. Thật ra, đâu có gì ghê gớm lắm đâu, buông bỏ mọi dính mắc thì mình sẽ hạnh phúc thôi.
Nhạc sĩ Đức Huy có bài hát mang tựa đề Và Con Tim Đã Vui Trở Lại. Lắm lúc mình nên vui trở lại, dành thời gian cho việc vui trở lại hay đầu tư cho việc làm thế nào để con tim vui trở lại. Người thường có khuynh hướng tấn công khổ đau bên trong và bên ngoài, tức là mình khổ nên mình muốn chứng minh với người khác là mình đang khổ và cố gắng dìm bản thân trong đau khổ, hơn thế nữa mình gieo rắc nỗi khổ cho người khác, bắt họ phải chịu khổ chung với mình.
Thật dại dột và nếu không nói là ngu xuẩn. Đó là tình trạng bế tắc, tự cho không lối thoát. Thế giới cứ ca tụng ngôn ngữ tuyệt vọng, thú đau thương rồi cho là biểu hiện thái độ thông cảm. Mình vô tình tưới tẩm những hạt giống đau thương mà không biết như xem bộ phim bi thương, vở kịch bi thương hay cuốn tiểu thuyết bi thương. Đi vào thế giới ảo rồi thông cảm cho một thế giới ảo, mình đồng hoá với cái ảo.
Đau khổ là thứ cảm xúc tiêu cực nhưng cũng tích cực. Tiêu cực vì nếu không chuyển hóa, thân tâm sẽ tiết ra chất độc khiến cơ thể bị bệnh. Bệnh của tâm làm cho thân bệnh, nhiều trường hợp muốn chữa bệnh thân phải chữa bệnh tâm. Người bị căng thẳng thần kinh dẫn đến mất ngủ, đau bao tử, chóng mặt và khó thở.
Tất cả đều do tâm mà ra nên tâm an, thân sẽ an. Quán niệm hơi thở là phương pháp giúp tâm an rất mau và chánh niệm là bài thực tập nuôi dưỡng an lạc trong từng cảm thọ. Một loại cảm thọ phát khởi, nó cần được nhận diện và gọi đúng tên nhưng khoan vội can thiệp. Cảm thọ đôi khi mang tính giả dạng do cái tưởng của mình, giống như không buồn cứ tự cho là buồn. Nhìn kỹ rồi đi vào cảm thọ, trở thành một với cảm thọ, mình hiểu đó là cảm thọ gì và biết rõ diễn tiến của nó. Chánh niệm biết cảm thọ phát khởi, diễn ra và kết thúc. Nếu không làm chủ cảm thọ, cảm thọ sẽ làm chủ ngược trở lại. Giống như làm chủ cơn giận, biết cơn giận xuất phát từ đâu và thôi không giận nữa.
Còn để cơn giận làm chủ, bản thân không kiểm soát được và bị điều khiển bởi những hành vi có ý thức mơ hồ. Khi cơn giận đã qua, mình bắt đầu hối hận, thấy nhiều khi mình bồng bột, nóng vội. Tính chất tích cực của đau khổ là nhờ vào nó mình tìm ra con đường hạnh phúc và hạnh phúc có mặt trong từng tế bào của đau khổ.
Người bị bệnh rất trân quý sức khoẻ. Cái họ cần không phải là bằng cấp hay danh vọng, họ chỉ cần khoẻ mạnh là vui sướng lắm. Mình cứ tưởng bệnh tật hay tai nạn chỉ xảy ra với người kia, chứ không bao giờ xảy ra cho mình. Vì bệnh, mình quyết chí tìm thầy chữa bệnh, tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh và lúc khoẻ mạnh, học cách phòng chống bệnh để sau này không rơi vào tình trạng đau ốm nữa. Không thấy rõ nguyên nhân của khổ nên mình nói nó là tiêu cực, nhưng nhìn sâu được, một con đường không khổ sẽ mở ra, mình chỉ việc bước trên con đường đó.
Thực ra không có cái ta trong hạnh phúc hay khổ đau. Ai là người hạnh phúc, ai là người khổ đau? Nói ta đang hạnh phúc, không lẽ lát nữa ta sẽ khổ đau. Hoặc bây giờ ta đang khổ nên ráng chịu đi để lát nữa ta hạnh phúc. Mình hay có ý niệm về ta như thế nên bị kẹt vào các điều kiện của hạnh phúc và các điều kiện của khổ đau. Điều kiện của hạnh phúc là tự ý cho rằng đi du lịch đến Paris hay Thượng Hải mới hạnh phúc mà không biết chẳng đi đâu cả vẫn là điều kiện của hạnh phúc. Điều kiện của khổ đau là tự ý cho rằng người kia nói như vầy, làm như vầy thì mình khổ lắm mà chẳng biết người không làm gì không nói gì, mình vẫn khổ. Một đứa trẻ nói với ba mẹ, con lớn rồi, con làm gì là chuyện của con, ba mẹ không nên can thiệp.
Cậu chỉ hạnh phúc nếu ba mẹ để cậu yên, cậu muốn làm gì thì làm, nếu họ nói ra nói vào, cậu sẽ khổ vô cùng. Đứa trẻ khác ngược lại, nói với ba mẹ, con muốn ba mẹ quan tâm, trò chuyện với con, hỏi han, lắng nghe con. Cậu chỉ hạnh phúc nếu ba mẹ chú ý đến, vì cậu muốn chứng minh mình đang có mặt, muốn được chăm sóc. Vậy theo thế gian, hạnh phúc là sự thoả mãn về đòi hỏi và khổ đau khi quyền đòi hỏi bị tước đi, đồng thời tính thoả mãn bị bức bách nhưng không đủ điều kiện thực hiện. Trong nhà Phật, hạnh phúc và khổ đau là một nên không phân biệt cái này là hạnh phúc, cái này là khổ đau.
Con kiến cắn, biết kiến cắn, cắn xong thấy đau, biết đau, vì đau nên lấy dầu xức, xức xong thấy đỡ đau, biết đã đỡ đau, đỡ đau rồi hết đau, biết hết đau. Đem tâm giận con kiến, cái đau vẫn có mặt, cái đau do kiến cắn chưa hết mà cái đau do giận con kiến gây ra chồng lên cái đau kia, con kiến đâu quan tâm mức độ đau thế nào.
Vậy cái đau do con kiến mang tới hay do mình thêm mắm thêm muối? Tương tự, một người khen mình, mình khoái chí, cảm thấy hạnh phúc, vui, biết vui, cái vui đang diễn ra, biết cái vui đang diễn ra, cái vui kết thúc, biết cái vui đã kết thúc. Đem cái tâm đặt vào lời khen, tức là có khen mới có hạnh phúc, ngày hôm sau không ai khen mình nên hơi khó chịu. Vậy hạnh phúc là được khen hay không được khen?
Sử dụng chánh niệm trông chừng khổ đau lẫn hạnh phúc. Chuyển hóa nỗi khổ niềm đau nhưng cũng học cách chuyển hoá an lạc hạnh phúc. Tu mà cứ đòi phải an lạc thì nguy hiểm, có thể mình vẫn còn dính mắc vào cái an cái lạc. An lạc là an lạc ngay trong khổ đau. Nếu sống trong an lạc, đi ra vùng khổ đau, mình sẽ chịu không nổi. Muốn thử thách bản thân, hãy đi ra vùng khổ đau, vẫn an lạc được mới gọi là an lạc đích thực.
Tự viện có thể cấm sử dụng internet, cấm sử dụng điện thoại di động hay cấm đi ra ngoài một mình nhưng người tu tập vững chãi, thực sự an lạc, cho họ sử dụng internet, xài điện thoại thoải mái hay đi đâu đó một mình, họ vẫn không bị vướng vào tà dục, không bị tà dục lôi kéo. Cái này cái kia bị cấm vì sợ, sợ người phạm sai lầm và minh chứng cho thấy đã có người phạm sai lầm. Lúc ban đầu, chưa biết điều phục thân tâm như thế nào, cấm là chuyện đương nhiên nhưng với người biết tu biết chứng, dù cho phép họ cũng không dính vào. Có những thứ an lạc trá hình người tu không biết, cứ cho đó là sự an lạc mình phải hướng về như đi tìm sự an lạc bên ngoài nhiều hơn an lạc bên trong.
Chẳng hạn tổ chức khoá tu hay làm từ thiện, đây là việc làm đáng quý đáng trân trọng không gì bàn cãi nhưng đừng bị kẹt vào nó. Nhiệm vụ của người tu là tu, không vì mục đích gì khác. Nếu tu giỏi, những việc khác tự nhiên sẽ giỏi. Một học trò đi học, điều đầu tiên người thầy phải dạy là đạo đức rồi mới đến cái chữ, cái đọc, cái viết. Nền giáo dục châm mẫm vào tài năng nhưng quên đi đạo đức, nền giáo dục phá sản, chỉ đào tạo ra những cái máy biết làm việc nhưng không biết yêu thương. Người tu biết học và không biết hành, khổ đau vẫn còn và nếu có an lạc, an lạc này không tự nhiên, nó mang dáng vẻ của hưởng thụ.
Bên Tây phương, nhất là trong kỹ năng làm việc, người ta hay lập những danh sách do’s và don’ts, tức là làm những việc phải làm và không làm những việc không làm. Cách này cũng tốt, thiết nghĩ mình nên lên danh sách như vậy, thay đổi chút xíu là danh sách cần làm ngay và danh sách không cần làm ngay, hay danh sách các yếu tố cần chuyển hoá và danh sách các yếu tố cần buông bỏ. Hạnh phúc rất quan trọng, khổ đau cũng quan trọng nên chăm sóc cả hai.
Chăm sóc hạnh phúc của mình làm cho nó dài lâu. Hạnh phúc của mình là gì, là mình, là ba mẹ, là gia đình, là những người xung quanh. Chăm sóc khổ đau của mình làm cho nó nằm im, xoa dịu nó, biến nó thành điều kiện hạnh phúc. Khổ đau của mình là gì, cũng là mình, là ba mẹ, là gia đình, là những người xung quanh. Đừng bao giờ trốn chạy khổ đau mà chấp nhận nó. Đừng bao giờ ôm đồm hạnh phúc mà hãy cho ra.
Thực tập để các điều kiện khổ đau không có mặt và đó cũng là lúc tạo điều kiện cho hạnh phúc phát khởi. Người có nhiều khổ đau nhiều khi lại là người hạnh phúc nhất vì họ biết rõ hương vị của hạnh phúc là gì do đã nếm trải hương vị của khổ đau.
Nguồn tin: Damlinhthat.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự