Phật gia giảng rằng chúng sinh ai cũng có ‘Phật tính’, tức là ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn mối liên hệ tâm linh với Phật. ‘Phật tính’ là bản chất vốn có của chúng sinh, nó không sinh ra cũng không mất đi, chỉ có thể bị che mờ bởi dục vọng, si mê và thù hận… Muốn gột rửa tâm lẫn thân này, hãy tu dưỡng bản thân, cũng chính là gieo thiện duyên với Phật. Dưới đây là mười điều chứng minh bạn có duyên với Phật.
1. Thiện từ là có duyên với Phật
Phật duyên là thiện, tức là sống thiện đã hướng tới Phật duyên, là gieo mầm nhân quả cơ duyên với Phật pháp rồi. Càng thiện từ, giữ giới bao nhiêu, công quả bạn để lại cho đời và bản thân càng nhiều bấy nhiêu.
2. Trong tâm có Phật là có duyên với Phật
Phật vô xứ bất tại, tu Phật không ở vẻ bên ngoài mà ở tại trong tâm, bạn có tâm như thế nào, có tin Phật tồn tại hay không… chỉ cần trong tâm có Phật chính là đang kết duyên với Phật.
Có thể hiểu đơn giản rằng, trong tâm có Phật, là tùy thời tùy chỗ khởi tưởng niệm Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, lúc động, tịnh, nhàn nhã, bận rộn, công việc không dụng tâm mà đều có A Di Ðà Phật.
Lúc miệng không niệm mà tâm vẫn ở nơi niệm, chẳng niệm mà tự niệm, không niệm mà không phải chẳng niệm, Phật không rời tâm, tâm không rời Phật, mới có thể được “nhất tâm bất loạn”, tâm ta với tâm Phật thông nhau, tâm và Phật ở cảnh giới “nhất như”, được niệm Phật tam muội.
Tối kỵ là ngay lúc có thời gian mà chỉ biết ăn uống chơi vui, nói khoét, xem ti vi… bỏ câu A Di Ðà Phật sang bên một cách thoải mái, thế thì trong tâm làm sao có Phật!
Tâm thái bình hòa là có duyên với Phật
3. Tâm thái bình hòa là có duyên với Phật
Phật duyên chính là một loại tâm thái bình hòa. Tư tưởng của con người thường không ổn định, nó rất dễ bị dẫn dụ, nhất là những cám dỗ càng dễ làm người ta mất phương hướng.
Con người ta nếu trong tâm muốn chiếm hữu thì khó có được khoảnh khắc thanh nhàn, không những mất đi niềm vui trong cuộc sống mà còn đem lại sự căng thẳng và phiền não. Phật dạy chúng ta biết cách dùng cái tâm bình lặng để nhìn nhận cuộc sống được và mất. Bình hòa đối diện với cuộc sống đó chính là có duyên với Phật.
4. Giảm bớt những dục vọng quá đà là có duyên với Phật
Dục vọng được xem là một trong những nguồn năng lực mạnh nhất trong con người, thông thường dục vọng hay đi cùng với sự hiểu biết mù quáng. Mà con người thường sẽ có rất nhiều dục vọng, tham niệm. Tham của cải tiền tài, ham mê sắc dục, cái đẹp, ham hưởng thụ, thậm chí ngày ngay người ta còn mong muốn được nhận nhiều của cải phi nghĩa khiến đạo đức ngày càng tiêu vong. Người có nhiều tham niệm thì trong lòng sẽ bất an.
Trong kinh Phật nói chưa đoạn đứt tự ngã, tình ái, thì khó nhập cảnh giới thuần tịnh. Tất cả những đau khổ của con người đều do việc theo đuổi những thứ sai trái. Sự cố chấp của ngày hôm nay có thể tạo thành sự hối hận của ngày hôm sau.
Nếu như bạn không đem lại phiền não cho chính bạn thì người khác cũng chẳng bao giờ có thể đem lại phiền não cho bạn. Mọi thứ đều là vì nội tâm của bạn không dứt bỏ được cái dục vọng xấu. Có thể buông bỏ được dục vọng xấu đó cũng chính là có duyên với Phật.
Đúng như người xưa nói: “Tâm túc tắc vật thường hữu dư, tâm tham tắc vật thường bất túc” nghĩa rằng chỉ khi biết đủ, thì con người mới sống được hạnh phúc, mới cảm nhận được vẻ đẹp của vạn vật trong cuộc đời! Tâm có Phật, bản thân có Phật duyên thì sẽ có ngày bạn đạt tới cảnh giới sống trên đời, quý trọng hết thảy những gì vốn có, buông bỏ các loại tâm chấp trước, sống thoải mái và vui vẻ!
Có tín niệm tốt lành là có duyên với Phật
5. Có tín niệm tốt lành là có duyên với Phật
Phật duyên là trong tâm có tín niệm. Trong lúc bạn đau khổ nhất chỉ cần bạn có niềm tin rằng đau khổ không phải là mãi mãi bạn nhất định sẽ có sức mạnh để chiến thắng đau khổ, đây chính là một dạng tín niệm.
Có thể nói tín niệm chính là con đường chủ đạo của đời người, thành Phật hay thành ma cũng chính là ở tại một niệm, nếu có tín niệm tốt đó cũng chính là có duyên với Phật.
6. Làm việc có trí huệ là có duyên với Phật
Phật duyên là trí huệ thông suốt đại ngộ. Trong cuộc sống, nếu có thể dùng trí huệ để nhìn nhận vấn đề thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, cũng có thể giảm bớt rất nhiều phiền não và ràng buộc, lại còn có hiệu quả làm ít hưởng nhiều.
Nhận biết bản thân, hàng phục chính mình là trí huệ. Nếu có được dạng trí huệ này mới có thể thay đổi người khác, chỉ biết nói không biết làm không phải là trí huệ chân chính. Người hiểu được nhìn đời bằng trí huệ, làm việc có trí huệ cũng chính là có duyên với Phật.
7. Có trách nhiệm với việc làm của mình là có duyên với Phật
Phật duyên chính là trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Người có tâm Phật không nhìn vào sai lầm của người khác, nếu chỉ nhìn vào sai lầm của người khác thì không nhìn thấy được sai lầm của mình.
Do vậy cần phải hiểu rõ bản thân, nhìn rõ những việc mình cần làm cũng như hậu quả của nó, bởi vì bạn cần có trách nhiệm với cái hậu quả đó. Đừng để cuộc đời của bạn lãng phí vào nơi mà bạn nhất định hối hận. Có trách nhiệm với việc làm của mình chính là có duyên với Phật.
Phật duyên là kiềm chế tất cả, kiềm chế chính là sự rèn luyện trí huệ, cũng chính là tích lũy năng lượng, nó dùng ngọn lửa vô hình làm tan chảy băng đá
8. Giỏi kiềm chế là có duyên với Phật
Trong các phiền não, sân hận, nóng giận là tai hại nặng nề nhất, vì có thể đưa đến tội ác trong chớp nhoáng do chửi mắng rồi đánh người, giết người. Một niệm sân khởi lên có thể đốt cháy trăm ngàn rừng công đức mà ta đã gieo trồng từ trước đến nay, sự nghiệp tiêu tan, thân bại danh liệt.
Phật duyên là kiềm chế tất cả, kiềm chế chính là sự rèn luyện trí huệ, cũng chính là tích lũy năng lượng, nó dùng ngọn lửa vô hình làm tan chảy băng đá. Kiềm chế có thể sẽ khiến bạn đau khổ lúc ban đầu, nhưng những ngày sau nó tất thành mật ngọt.
Kiềm chế không giống với trốn chạy, bởi vì trốn chạy là sự thất bại của ý chí, mà kiềm chế lại là không quên sứ mệnh của bản thân, làm cho ý chí thêm kiên định, thêm chữ Nhẫn. Hãy học cách cảm ơn những người đem lại cho bạn nghịch cảnh. Giỏi kiềm chế cũng chính là có duyên với Phật.
Phật duyên là biết rộng lượng. Từ bi chân chính không phải là yêu thương những người yêu thương bạn mà còn phải khoan dung và yêu quý những người đối lập với bạn. Hãy yêu người khác như yêu chính bản thân mình.
Trong lúc người khác vì một sự hiểu lầm nào đó mà đối xử không tốt với bạn, cần phải đem cái tâm từ bi mà bao dung người đó. Hãy đem lý trí để cảm hóa người đó. Rộng lượng đối với người cũng chính là có duyên với Phật.
Nếu thực sự có duyên với Phật, bạn sẽ hiểu lời nói sau đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Muốn phát triển tâm từ bi, bạn hãy bắt đầu bằng cách công nhận bạn không muốn khổ đau và bạn có quyền được hưởng hạnh phúc. Điều này có thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của bạn. Rồi bạn công nhận những người khác, cũng giống như bạn, cũng không muốn khổ đau và cũng có quyền được hưởng hạnh phúc. Đó chính là nền tảng cơ bản để bạn phát triển lòng từ bi”.
Biết chờ đợi là có duyên với Phật
10. Biết chờ đợi là có duyên với Phật
Lúc cơ duyên ở tại nhân gian đã thành thục, Phật duyên tự nhiên sẽ đến bên chúng ta. Chưa có duyên không có nghĩa là không bao giờ có duyên, mỗi người đều có Phật tính, ai cũng có tâm tu Phật. Biết ơn hoàn cảnh xung quanh cho dù là nghịch cảnh, biết chờ đợi Phật duyên tới cũng chính là có duyên với Phật.
Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự