Con đường dẫn đến khổ đau và hạnh phúc

Chủ nhật - 07/07/2013 14:19
Trong kinh Trường A Hàm, kinh Tam Tụ, đức Thế Tôn đã giới thiệu cho hơn hai ngàn năm trăm vị A la Hán con đường dẫn đến hạnh phúc và khổ đau.
Kinh văn đã dạy như sau: “Này các đệ tử, Ta sẽ nói cho các ngươi nghe pháp vi diệu, có nghĩa, có vị, thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh. Đó là pháp ba tụ. Các ngươi hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói”.” “ Này các đệ tử, pháp ba tụ ấy là: một pháp dẫn đến ác thú; một pháp dẫn đến thiện thú; một pháp dẫn đến Niết-bàn.
 
Trong cuộc sống này, đã có không biết bao nhiêu người khổ đau, khổ đau bức bách từ vật chất đến tinh thần, cũng không thiếu người lại luôn sống với thân tâm an lạc và hạnh phúc. Nhưng kết quả của hạnh phúc hay khổ đau tất định phải có những nhân tố của riêng nó, chứ không thể tự nhiên mà có được. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, người viết xin giới thiệu một bài kinh đã ghi lại trong Thánh điển để chúng ta có thể tìm hiểu và mở ra vận hội mới cho tương lai chính mình.
 
Trong kinh Trường A Hàm, kinh Tam Tụ, đức Thế Tôn đã giới thiệu cho hơn hai ngàn năm trăm vị A la Hán con đường dẫn đến hạnh phúc và khổ đau. Kinh văn đã dạy như sau:
 
“Này các đệ tử, Ta sẽ nói cho các ngươi nghe pháp vi diệu, có nghĩa, có vị, thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh. Đó là pháp ba tụ. Các ngươi hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói”.”
 
 “ Này các đệ tử, pháp ba tụ ấy là: một pháp dẫn đến ác thú; một pháp dẫn đến thiện thú; một pháp dẫn đến Niết-bàn.
 
Một pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Thế nào là một pháp dẫn đến ác thú? Không có nhân từ, ôm lòng độc hại.
 
“Thế nào là một pháp dẫn đến thiện thú? Không đem ác tâm gia hại chúng sanh.
 
“Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân.
 
Hai pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có hai pháp thú hướng ác thú; hướng thiện thú; hướng Niết-bàn.
 
“Thế nào là hai pháp dẫn đến ác thú? Hủy giới và phá kiến.
 
“Thế nào là hai pháp dẫn đến thiện thú? Có đủ giới và có đủ kiến.
 
“Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? Là chỉ và quán.
 
Ba pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có ba pháp thú hướng ác thú; hướng thiện thú; hướng Niết-bàn.,
 
“Thế nào là ba pháp hướng đến ác thú? Ba bất thiện căn: tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.
 
“Thế nào là ba pháp dẫn đến thiện thú? Ba thiện căn: vô tham thiện căn, vô sân thiện căn,Vô si thiện căn.
 
“Thế nào là ba pháp dẫn đến Niết-bàn? Ba tam muộitam-muội: Không tam muội,Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội.
 
Bốn pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có bốn pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.
 
“Thế nào là bốn pháp thú hướng ác thú? Lời nói thiên vị, lời nói thù hận, lời nói sợ hãi, lời nói ngu si.
 
“Thế nào là bốn pháp dẫn đến thiện thú? Lời nói không thiên vị, lời nói không thù hận, lờòi nói không sợ hãi, lời nói không ngu si.
 
“Thế nào là bốn pháp dẫn đến Niết-bàn? Bốn niệm xứ: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.
 
Năm pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có năm pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.
 
“Thế nào là năm pháp dẫn đến ác thú? Phá năm giới: giết, trộm, dâm dật, nói dối, uống rượu.
 
“Thế nào là năm pháp dẫn đến thiện thú? Thọ trì năm giới: không giết, không trộm, không dâm dật, không dối, không uống rượu.
 
“Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
 
Sáu pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có sáu pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.?
 
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến ác thú? Sáu bất kính: không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính định, không kính cha mẹ.
 
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến thiện thú? Kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, kính giới, kính định, kính cha mẹ.
 
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.
 
Bảy pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có bảy pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.
 
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến ác thú? Giết, trộm, dâm dật, nói dối, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói thêu dệt.
 
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến thiện thú? Không giết, không trộm, không dâm dật, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt.
 
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến Niết-bàn? Bảy giác ý: niệm giác ý, trạch pháp giác ý, tinh tấn giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hỷ giác ý, xả giác ý.
 
Tám pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có tám pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.
 
“Thế nào là tám pháp dẫn đến ác thú? Tám tà hạnh: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
 
“Thế nào là tám pháp dẫn đến thiện thú? Thế gian chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
 
“Thế nào là tám pháp dẫn đến Niết-bàn? Tám hiền thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
 
Chín pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có chín pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.
 
“Thế nào là chín pháp dẫn đến ác thú? Chín ưu não: Có người xâm não ta; nó đã xâm não, đang xâm não, sẽ xâm não. Có người xâm não cái ta yêu; nó đã xâm não, đang xâm não, sẽ xâm não. Có người yêu kính cái ta ghét; nó đã yêu kính, đang yêu kính, sẽ yêu kính.
 
“Thế nào là chín pháp dẫn đến thiện thú? Có người xâm não ta, ích gì mà ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Có người xâm não cái ta yêu, ích gì ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Có người yêu kính cái ta ghét, ích gì ta sanh não; đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não.
 
“Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: Hỷ, Ái, Duyệt, Lạc, Định, Thật tri, Trừ xả, Vô dục, Giải thoát.
 
Mười pháp dẫn đến ác thú, thiện thú, Niết Bàn
 
“Lại có mười pháp dẫn đến ác thú; dẫn đến thiện thú; dẫn đến Niết-bàn.
 
“Thế nào là mười pháp dẫn đến ác thú? Mười bất thiện: thân với giết, trộm, tà dâm; khẩu với nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt; ý với tham lam, tật đố, tà kiến.
 
“Thế nào là mười pháp dẫn đến thiện thú? Mười thiện hành: thân với không giết, không trộm, không tà dâm; khẩu với không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không thêu dệt; ý với không tham lam, không tật đố, không tà kiến.
 
“Thế nào là mười pháp dẫn đến Niết-bàn? Mười trực đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.
 
“Này các đệ tử, mười pháp như vậy đưa đến Niết-bàn. Đó là chánh pháp vi diệu gồm ba tụ. Ta, Như Lai, đã làm đầy đủ những điều cần làm cho đệ tử, vì nghĩ đến các ngươi nên chi bày lối đi. Các ngươi cũng phải tự lo cho thân mình, hãy ở nơi thanh vắng, dưới gốc cây mà tư duy, chớ lười biếng. Nay không gắng sức, sau hối không ích gì”.” [1]
 
Từ dẫn chứng của kinh văn, chúng ta thấy Thế Tôn đã từ bi giảng dạy cả thảy một trăm sáu mươi lăm pháp hành để chúng ta thực hành. Tất cả các pháp hành ấy được giảng dạy từ thấp đến cao, từ căn bản đến thâm sâu, từ việc thực hành chế ngự đoạn trừ những phiền não của tự thân, cho đến không não hại tha nhân. Thế Tôn cũng đã chỉ ra những phương pháp thực tiễn để quán chiếu về tự thân như quán niệm về thân, những pháp tu như bát chánh đạo, thất giác chi, lục niệm, lục kính, năm giới … tất cả những phương pháp tu tập này có khả năng dập tắt những ác nghiệp đã đeo đẳng theo ta từ bao nhiêu đời cho đến ngày nay, đó là tham, sân, si, là những ác nghiệp của thân, của tâm và của miệng, và những ác pháp khác.
 
Từ nơi kinh văn, chúng ta cần liễu ngộ được rằng con đường dẫn đến hạnh phúc hay khổ đau thậm chí cho đến quả vị Niết Bàn, không ai có quyền ban tặng cho chúng ta, cũng chẳng ai có quyền thưởng phạt chúng ta cả, mà chỉ có ta với chính nghiệp thức của chúng ta quyết định hướng đi cho đời mình. Cũng từ lời dạy của Đấng Từ Phụ, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng trong cuộc đời này, con đường hạnh phúc luôn chờ đón chúng ta, khi chúng ta biết chuyển hóa đời mình bằng chất liệu của thiện nghiệp. Cũng tại nơi đây, chúng ta sẽ bắt gặp con đường khổ đau, khi trong ta gieo trồng hạt giống của bất thiện.

Nguồn tin: Daophatngaynay.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây