Chúng ta nên hiểu học thức không phải là học một ngày một bữa, không phải học chương trình một năm hai năm rồi đi thi để có bằng này bằng nọ. Người học Phật Pháp không xem việc ấy quan trọng. Học cốt để hiểu những ý hay, những kinh nghiệm của các bậc thánh hiền, trước áp dụng cho bản thân, sau nữa đem phổ vào trong đời sống mọi người chung quanh. Ý nghĩa học thức của người có đạo đức là như vậy. Chúng ta cứ thật tình tu học, không tính kể thời gian, càng tu càng bổ ích cho việc học, càng học càng có kinh nghiệm cho việc tu. Kiến thức có được từ sự trui luyện, thể nghiệm, tu tập của bản thân mới thực sự có giá trị nuôi dưỡng đạo đức của chúng ta.
Tốt hơn hết là đừng đặt cái lợi vào đời sống của chúng ta, mà phải có nghĩa, phải hy sinh, còn cái lợi thì xin cống hiến cho xã hội, chúng ta không màng tới nó làm chi. Cuộc sống của người học Phật Pháp có đích đến là cuộc sống giải thoát, thanh tịnh. Muốn được thanh tịnh, giải thoát thì phải buông, phải dừng tất cả những dấy niệm về lợi danh, gan dạ buông bỏ một cách mạnh mẽ, đừng có tiếc gì hết, như vậy chúng ta mới ổn được.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự