Đức Phật trước khi nhập diệt đã dạy thầy Anan về phương pháp cúng dường cao thượng, Không có hương thơm nào bằng hương thơm của giới – Không có có hương thơm nào bằng hương thơm của định – Không có hương thơm nào bằng hương thơm của huệ – Không có hương thơm nào bằng hương thơm của tri kiến – Không có hương thơm nào bằng hương thơm của tri kiến giải thoát – Lấy tất cả hương thơm này kết thành một đài hoa mà cúng dường chư Phật.
Dù đem bao nhiêu hương hoa, vật phẩm, đèn hương hay tài thí đến cúng dường Phật cũng không bằng sự cúng dường của bản thân có giới, có định, có tuệ, có tri kiến, có tri kiến giải thoát. Điều này minh chứng cho lời Phật dạy là hãy đem tâm tu mà cúng dường chư Phật và đây là cúng dường cao thượng nhất, tạo công đức lớn nhất. Bên cạnh đó, tu huệ được đề cao hơn tu phước, dù rằng phước huệ cùng tu.
Người thực tập niệm giới, nguyện bảo vệ sự sống muôn loài, nguyện tôn trọng sự thật, nguyện bảo vệ tiết hạnh, nguyện tôn trọng quyền tư hữu, nguyện nuôi dưỡng và bảo vệ thân tâm là người biết cách cúng dường chư Phật. Người thực tập thiền tuệ và thiền quán, làm phát triển định, trở nên bình thản trước hoàn cảnh và an nhiên trong mọi tình huống là người biết cách cúng dường chư Phật. Người phát khởi trí tuệ, nhìn rõ sự vật, biết yêu thương, biết dàn trải tình thương, không còn dính mắc chuyện thế gian là người biết cách cúng dường chư Phật.
Người thực tập giáo lý Phật dạy, thấu hiểu thế gian này vô thường, vô ngã, vô tác, vô tướng, không còn kẹt và tham đắm điều gì là người biết cúng dường chư Phật. Người thực tập các phương tiện giải thoát, bước đi trên đường giải thoát và đạt được sự giải thoát là người biết báo hiếu chư Phật, biết cách cúng dường chư Phật. Như đứa con báo hiếu ba mẹ bằng sự bình an của mình, không chỉ đơn thuần bằng tiện nghi vật chất hay tiện nghi tinh thần.
Đem năng lượng giải thoát lên bàn thờ mà cúng dường chư Phật. Cúng dường không phải là sự cầu xin mà là cam kết, cúng dường lời cam kết sẽ tu tập cho đến ngày giải thoát. Ngày xưa đức Phật khuyên đệ tử phải hằng thường soi xét mình trong việc giữ giới và thực tập thiền để làm sáng trong tâm ý nhằm mau chóng đi đến giải thoát trong kiếp hiện tại. Ngày nay, người ta dạy đệ tử bằng ý niệm tu tập thảnh thơi, tu từ từ, kiếp này chưa giải thoát thì kiếp sau tu tiếp.
Đây là minh chứng cho sự đi xuống của Phật giáo, đi ngược lại lời dạy của Phật. Ngày xưa khi Phật nhập diệt, thầy Anan vẫn chưa đạt quả vị giải thoát nên thầy Ca Diếp rầy thầy Anan và không cho tham dự buổi kiết tập kinh điển. Sau đó thầy Anan xấu hổ, quyết chí thực tập và đạt quả vị giải thoát, lúc này thầy Ca Diếp đã cho phép thầy Anan bước vào buổi kiết tập kinh điển.
Bây giờ, mình học Phật tổ của mình ở chỗ nào, mình học sự quyết tâm của thầy Anan ở chỗ nào, mình học hàng ngàn vị A La Hán thời Phật ở chỗ nào mà dám dạy là phải tu thảnh thơi, kiếp này không giải thoát thì kiếp sau tu tiếp. Mục tiêu của người tu là giải thoát, nếu chưa giải thoát được, xin hãy xem lại cách tu. Đã tu thì phải nguyện giải thoát ngay trong kiếp hiện tại, nguyện rồi thì hãy thực hiện nó.
Người xuất gia bằng tâm là dù tu tại gia nhưng tâm thành hướng Phật, nguyện tu tập giải thoát. Người xuất gia bằng tướng là dù đã xuống tóc nhưng tâm chưa thật sự hướng Phật, vẫn còn lo chuyện ngoài đời, vẫn chưa nguyện tu tập giải thoát. Cách hay nhất là thân tâm đều xuất gia, nguyện tu tập giải thoát.
Có câu, chiếc áo không làm nên thầy tu. Một người khoác áo tu sĩ nhưng không lo tu thì uổng lắm, chiếc áo không nói lên được điều gì nếu tâm không thực sự xuất gia. Một cư sĩ hỏi một vị tu sĩ, Ngài xuất gia được bao lâu? Vị tu sĩ trả lời, Tôi xuất gia được mười năm. Vị cư sĩ hỏi, Thế ngài đã xuất gia chưa? Câu chuyện ngắn này cho thấy xuất gia bằng tướng hay không không quan trọng, vấn đề là tâm mình xuất gia chưa.
Tu tại gia mà tâm xuất gia xem như đã xuất gia. Tu ở chùa mà tâm chưa xuất gia chẳng khác gì ở ngoài đời. Kẹt vào tướng thì bao giờ tu mới thành. Không phải cạo đầu mới gọi là tu, muốn tu thì hãy đem tâm mà tu, muốn xuất gia thì hãy đem tâm mà xuất gia. Mỗi người mỗi hạnh. Tu sĩ vì muốn độ thoát chúng sinh nên xuất gia, vừa tu tập, vừa hoằng dương Phật Pháp. Cư sĩ vì muốn tự độ, học theo hạnh Bồ tát nên tâm xuất gia, thân ở tục, vừa tu tập, vừa độ tha.
Khi nhìn người, đừng bị kẹt vào tướng, mà hãy nhìn tâm của họ. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy, kẹt vào tướng, kẹt vào âm thanh, là kẻ hành tà đạo, không thể thấy Phật. Đừng bao giờ quán xét người khác có tu hay không mà hãy nhìn lại mình, xem mình có tu không. Một học trò lên án một số tu sĩ, không biết lo tu.
Điều này rất nguy hiểm, nếu tu sĩ không tu, đã có tăng thân của họ khuyên bảo, mình là cư sĩ, đã biết tu chưa, đã biết quán chiếu bản thân chưa, đã biết soi rọi tâm chưa mà đi phán xét người khác. Nếu biết tu thì không còn phán xét ai cả. Dù tu sĩ hay cư sĩ, ngay giây phút này, hãy thực tập niệm giới, niệm định, niệm tuệ, niệm giải thoát và niệm tri kiến giải thoát. Đây gọi là xuất gia đích thực. Tu sĩ biết niệm như vậy là tu sĩ đang xuất gia. Cư sĩ biết niệm như vậy cũng là cư sĩ đang xuất gia. Đem tâm xuất gia mà cúng dường chư Phật.