Phương pháp thứ nhất tạm gọi là phương pháp “chỉ một con đường”. Khi chọn đường đi trong cuộc sống, chỉ chọn một con đường, dù sống chết gì cũng không thay đổi. Cứ nhất tâm đi một con đường mà thôi. Chẳng hạn, khi lập gia đình, nếu đã chọn vợ hay chồng rồi thì nhất định phải cố gắng đi suốt cuộc đời với chỉ một người. Đừng bao giờ đang sống với nhau mà lại muốn thay đổi người khác.
Sẵn sàng quên mình, không định nghĩa về mình
Phương pháp thứ hai để giữ được tâm bình an là sẵn sàng quên mình, nghĩa là đừng khẳng định hay định nghĩa mình là bất cứ gì. Ví dụ, hai vợ chồng cãi nhau, người chồng giận quá, nói: «Tôi là chồng bà mà. Tôi là thế này. Tôi là thế kia…» Như vậy, người chồng đã định nghĩa mình là đủ thứ, nên chắc chắn cái đầu không được bình yên. Một ví dụ khác, giả sử mình đang không có việc làm, có người hỏi: «Dạo này làm gì?», nếu trong đầu nảy sinh ý nghĩ “Tôi là kẻ thất nghiệp” và mình đem nó ra trả lời, tức là mình đã tự định nghĩa mình. Ví dụ này cho thấy rằng nếu mình tự định nghĩa mình là kẻ thất nghiệp thì đầu óc tự nhiên bất an ngay.
Nhiều người có thành tích rất lớn trong việc giúp người khác, nhưng khi bảo đi lau nhà vệ sinh thì họ nói: «Tôi là người có công đức vô lượng, ai cũng biết. Sao lại bắt tôi làm việc này?» Nói vậy là không còn công đức gì nữa. Công đức đã tự hủy diệt hoàn toàn, bởi họ luôn thấy mình quan trọng. Lúc ấy, dù đã làm và cống hiến bao nhiêu đi nữa cũng chẳng hề có chút công đức nào. Chính cái thấy mình quan trọng đã hủy diệt những vẻ đẹp trong mọi việc mình làm, gây ra mâu thuẫn, dẫn đến bất mãn, tự cao tự đại. Lúc đó, tai họa sẽ xảy ra với chính mình và người khác.
Thánh hóa cái nhìn của mình
Có một phụ nữ ở Na-uy gặp tôi, vừa khóc sướt mướt vừa kể về mình. Sơ lược câu chuyện là cô vừa ly dị chồng và tòa xử không cho cô nuôi hai đứa con. Cô bảo ai cũng nghĩ xấu về cô, rằng cô là người thế này, thế kia và xã hội bất công quá... Tóm lại, từ đầu đến cuối câu chuyện, cô chỉ toàn thấy người khác có lỗi. Sau khi nghe xong, tôi đặt một số câu hỏi và cô ấy trả lời:
- Con đã biết lái xe chưa?
- Dạ, con chưa biết.
- Con đã biết tiếng Na-uy chưa?
- Dạ, con chưa biết.
- Con đã có việc làm chưa?
- Dạ, con chưa có việc làm.
- Con đã biết gì về văn hóa Na-uy chưa?
- Dạ, con chưa biết.
Hỏi xong, tôi bảo cô ấy: “Nếu ở vị trí của người ta, thầy cũng không cho con nuôi con. Bởi với cuộc sống của con như hiện tại không đủ điều kiện để nuôi hai đứa nhỏ, trong khi Na-uy lại là một xã hội có đời sống rất cao và họ bảo vệ con người rất nghiêm ngặt. Lẽ ra, con nên biết ơn họ mới phải, vì họ đã nuôi giúp con của con. Đó là một điều may mắn.”
Tôi cũng bảo cô ấy phải ghi nhớ những điểm sau: “Phải học lái xe, biết tiếng Na-uy, biết một nghề, phải có việc làm, phải thấy người ta tốt, đừng kể chuyện riêng của mình cho bất cứ ai, và cuối cùng là không nghe người khác nói chuyện về mình. Nếu con thực hiện được bảy điều đó, thì tự nhiên người ta sẽ mang hai đứa con trả lại, hoàn toàn không cần phải đòi.” Nghe xong, cô ấy bắt đầu bình tâm trở lại. Cô lau nước mắt, gương mặt rạng rỡ dần và nói sẽ cố gắng thực hiện. Cô quên tất cả để làm lại từ đầu. Sau một thời gian, tôi nghe nói cô đã có nhà mới, mọi việc bắt đầu thay đổi và bây giờ cô ấy hạnh phúc lắm.
Câu chuyện trên cho thấy cô ấy không còn cách nào khác hơn là phải nhìn lại mình trước. Điều cô ấy cần thấy là mình chưa biết lái xe, chưa biết tiếng Na-uy, chưa hiểu luật pháp, chưa đủ điều kiện nuôi con mà mới có điều kiện sinh con thôi. Khi thấy mình trước được rồi, sẽ thấy người khác vô cùng rõ ràng và tự nhiên sẽ biết ơn họ. Đó là sự đổi đời. Còn nếu cứ nhìn người ta trước là bị kẹt ngay, và đầu óc sẽ nảy sinh đầy những trách móc và bình luận. Người phụ nữ đó quả đúng may mắn, nhưng nếu không biết giữ thì sẽ mất.
Giả sử quý vị thấy một người bị khiếm thị đang đi ngoài đường và nói: “Người này kiếp trước ăn ở ác hoặc cha mẹ họ kém tu nên kiếp này mới bị mù. Thật chẳng có phước báu. Làm người vậy, thà chết đi còn hơn, sống làm gì cho khổ sở’’.
Không nên có cái thấy như thế mà hãy thánh hóa cái thấy của mình.Thánh hóa cái thấy là để mình hoàn thiện nhân cách làm người và luôn luôn giữ cái đầu ở trạng thái bình yên hay hoàn hảo nhất. Mục đích là để tự hoàn thiện nhân cách và ổn định đầu óc mình không bị ngả nghiêng. Bởi chỉ khi cái đầu hết sức ổn định, trí tuệ nhiệm màu mới phát sinh. Cái đầu phải ở trạng thái như mặt nước phẳng lặng, bình yên hoàn toàn. Đó là lý do tại sao phải thánh hóa cái nhìn của mình với tất cả những gì mình nhìn thấy bằng mắt thịt và cả bằng đầu óc.
Như ở ví dụ trên, quý vị hãy bảo: “Đúng là trong cuộc sống, con người có nhiều chuyện màu nhiệm lạ lùng. Dù khi sinh ra, hai con mắt không thấy nhưng người ta vẫn làm việc được, vẫn đi đứng và biết mọi điều. Quả thật màu nhiệm. Ông trời đã đưa người này đến thế giới, để gửi gắm cho loài người thông điệp gì đó, ít nhất cũng là thông điệp về lòng thương người”.
Ví dụ, có người vợ thấy chồng mình lăng nhăng quá, muốn ly dị vì thấy không thể kéo dài hoàn cảnh như vậy được nữa, và cũng thấy rất đau lòng. Hay nhiều người đang sống với người khác mà chẳng thấy vừa lòng. Vậy, làm sao chuyển cách nhìn của mình, để biến sự đau thương ấy thành niềm hy vọng hay sự bình an trong tâm hồn? Cách giải quyết rất đơn giản. Người vợ có thể sáng tạo ra cái nhìn khác trong đầu óc. Chẳng hạn nhìn theo hướng: “Thà có anh ấy còn hơn không có ai”; hoặc “Thôi thì, coi vậy nhưng nhiều lúc anh ấy tốt với mình lắm. Chứ kiếm người khác có khi gấp mấy lần anh ta cũng lại khổ. Cứ đi tìm kiếm, cuối cùng cũng chẳng ra sao”; hay là “Anh ấy có thể vụng về nhưng tốt bụng, còn người khác có thể không vụng về nhưng thủ đoạn thì sao?”
Tóm lại, chỉ cần chuyển cái nhìn, tự nhiên sẽ hết bực mình, khó chịu, lo lắng, thất vọng hay bất an. Có nhiều cách để chuyển cái nhìn. Hãy sáng tạo nhiều cách chuyển cái nhìn trong đầu óc để luôn có được sự bình an.
Tác giả bài viết: Duy Tuệ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự