Giúp con hình thành nhân cách

Thứ hai - 06/06/2016 08:57
Gia đình nơi trẻ sinh ra và lớn lên, được cha mẹ giáo dục và nuôi dưỡng. Bởi vậy, đây là trường học đầu tiên, quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách cho trẻ.
Dạy trẻ về chữ hiếu, biết kính trọng người lớn và ông bà, cha mẹ. Ảnh: KT
Dạy trẻ về chữ hiếu, biết kính trọng người lớn và ông bà, cha mẹ. Ảnh: KT
Cha mẹ là tấm gương về nhân cách để trẻ học theo  
Theo các chuyên gia xã hội học, gia đình là cái nôi văn hóa, sự dưỡng dục của cha mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên trong nhà, tạo nên nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Trong tiềm thức thời thơ ấu, mỗi con người luôn lưu giữ hình dáng, lời ăn tiếng nói của cha mẹ (nhất là mẹ - người gắn bó với trẻ từ khi cất tiếng khóc chào đời, dạy trẻ những bước đi đầu tiên và cũng là người thầy đầu tiên kiến tạo nền móng nhân cách cho trẻ).
 
Mọi hành vi, lối sống của cha mẹ và những người lớn trong gia đình có tác động không nhỏ tới tư cách đạo đức, lối sống của một con người. Trong gia đình, ngoài cha mẹ, con cái còn có nhiều mối quan hệ khác nhau giữa ông bà với cháu, anh chị và các em… Dạy trẻ ứng xử, giao tiếp như thế nào để trở thành người có văn hóa là việc không dễ. Các bậc phụ huynh cần giáo dục con không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng những công việc cụ thể, phải làm gương, tự điều chỉnh hành vi của mình. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn, nếu thấy cha mẹ mình cũng thiếu tôn trọng lẫn nhau hay có thái độ bất kính với ông bà… (Ví dụ: Cha mẹ dạy con phải lễ phép với bố, mẹ nhưng chính họ lại không tôn trọng cha, mẹ của mình, thì chắc chắn trẻ sẽ không bao giờ lễ phép với cha, mẹ và cả ông, bà ). Ông cha ta đã nói “Dạy con từ thuở còn thơ” và cha mẹ cần giáo dục con chữ hiếu, sự tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo…, để khi lớn lên, trẻ biết ơn công sinh thành mà nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ. 
 
Những việc làm cụ thể
Ngoài việc làm gương cho con, các bậc phụ huynh không nên quá nuông chiều con mà phải xây dựng nếp sống khoa học trong gia đình, rèn trẻ vào nền nếp học tập, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng, ngăn nắp, luyện cho con ý thức, thói quen lao động, làm việc nhà, không lười nhác, chỉ biết hưởng thụ, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác…
 
Đặc biệt, cha mẹ không nên thóa mạ, dùng bạo lực với nhau, hay thường xuyên đánh đập hoặc sử dụng nhục hình với trẻ, vì cách xử sự này khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập với cộng đồng. Khi trẻ sống trong các gia đình cha mẹ có hành vi thiếu văn hóa, phạm tội, đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô… thì những gương mờ này phản chiếu vào tâm hồn non nớt của trẻ, làm cho các em trở nên cộc cằn, thô lỗ và cũng sẽ trở thành những người hung hãn, lì lợm… thiếu nhân cách, dễ coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và vi phạm pháp luật…
 
Theo các nhà giáo dục, để rèn luyện và giúp cho con hình thành nhân cách thì những điều cha mẹ cần chú trọng nhất trong giáo dục, đó là dạy con không được nói dối, phải thật thà, biết nhận khuyết điểm, biết cám ơn khi được cho quà, xin lỗi khi làm phiền ai đó… Cụ thể như sau:
 
Luyện cho con thói quen làm việc nhà,  để rèn ý thức và nhân cách. Ảnh: KT
Dạy con trung thực: Đây là điều đầu tiên cần giáo dục cho trẻ. Trong trường hợp vì thích một món đồ nào đó mà trẻ lỡ lấy tiền của bạn để mua, ngoài việc tỏ thái độ không hài lòng, thì bạn cũng nên khuyến khích con nhận lỗi bằng những câu nói, ví dụ: “Mẹ rất hài lòng nếu thấy con tự nhận lỗi là đã lấy tiền của mẹ. Khi cần tiền, con nên xin mẹ, không được tự ý mở tủ lấy tiền. Ở đời, quý nhất là sự trung thực”.
 
Dạy trẻ biết quan tâm đến người khác: Một đứa trẻ biết quan tâm đến người khác, nhất định sẽ là một công dân có ích và đứa con có hiếu sau này. Vì thế, bạn cần dạy con quan tâm đến mọi người xung quanh. Khi trẻ đang chơi với bạn, cha mẹ nên nhắc nhở: “Con cho bạn mượn đồ chơi và chơi cùng như vậy là rất tốt. Không ai ưa người ích kỷ”. Nếu trẻ chỉ biết bo bo giữ chặt đồ của mình, phải làm mọi cách chấn chỉnh ngay. Trong sinh hoạt hàng ngày, dạy trẻ biết mời người lớn khi ăn, để phần cho những ai vắng mặt, chia sẻ công việc với anh, chị, em…
 
Giáo dục tinh thần trách nhiệm cho trẻ: Nếu cha mẹ có việc phải để trẻ ở nhà, bạn cần giao cho con một số việc và dặn kĩ con cách xử lí. Lúc trở về, thấy trẻ làm được những việc đã giao (dù chưa đúng ý bạn lắm), thì cũng nên khen ngợi trẻ. Ví dụ: “Mẹ đi vắng mà con không quên cho mèo ăn, không quên phơi quần áo. Mẹ vui thấy con sống có trách nhiệm”. Như vậy, bạn sẽ khơi gợi tinh thần trách nhiệm, biết sống vì mọi người trong gia đình của trẻ
 
Không đòi hỏi con phải giỏi hơn thiên hạ, nhưng phải là người có đạo đức: Cha mẹ thấy con chỉ là học sinh khá, không phải là học sinh xuất sắc trong lớp thì dè bỉu. Đó cũng là điều không nên làm. Các bậc phụ huynh hãy động viên: “Con học khá đấy. Nhưng nếu con trở thành học sinh xuất sắc, thì cha mẹ sẽ vui hơn và có phần thưởng cho con”. Câu nói này của bạn, chính là động lực giúp trẻ tự tin phấn đấu để trở nên mạnh mẽ và dễ thành công trong cuộc sống sau này.
 
Giúp con phát triển tài năng là đúng, nhưng phải song song với giáo dục tư cách đạo đức. Việc này vô cùng quan trọng, bởi nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài. Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; Có đức mà không có tài  thì làm việc gì cũng khó”. Vì thế, các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình để, gia đình trở thành nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng cho thế hệ tương lai.

Thu Lan/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây