Đạo Phật đã tồn tại trên 25 thế kỷ nay. Tại sao có sự kỳ diệu đó? Chính là do đạo Phật đã vì lợi lạc cho số đông chư thiên và nhân loại mà trong đó, con người là đại diện vì con người mới có thể dễ dàng nhận thức và trải nghiệm được chân lý giác ngộ, giải thoát. Nếu con người thiếu ý thức và không nhận thức theo hướng thiện và hướng thượng thì con người chẳng khác nào như một loài “cầm thú biết nói”.
Từ khi con người sinh ra và lớn lên thì con người không thể sống độc lập một mình dù ở bất cứ môi trường nào mà còn có cả một cộng đồng cùng chung sống. Vì vậy, không thể vì mình mà làm thiệt hại và tổn thương người khác. Không đem lại lợi ích cho người là đã ích kỷ và bỏn xẻn lắm rồi, huống hồ chi còn làm tổn thương người khác nữa. Là đệ tử đức Thế Tôn chúng ta càng phải nhận thức rõ ràng chân lý này.
Tất cả những gì mà chúng ta có trong ngày hôm nay là của một tập thể cùng chung sống tu học và phục vụ. Kết quả đó là do mỗi một thành viên trong đạo tràng, giáo hội đều phải nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình. Tất cả đều chỉ là lẽ đương nhiên theo qui luật nhân quả tuần hoàn không có gì gọi là thành tựu hay đáng tự hào. Càng quan trọng hoá vấn đề thì sự chấp ngã bản thân càng lớn đến độ sẽ làm cho chúng ta mệt mỏi trong cạm bẫy luân hồi với đầy ấp những danh từ, những khái niệm trống rỗng đã được đánh bóng và che đậy bởi cái tôi của chính mình.
Đức Thế Tôn dạy các pháp đều tuỳ duyên mà sanh diệt, là đệ tử của Phật hơn ai hết chúng ta càng phải nhận thức thật sâu sắc lời Phật dạy. Tất nhiên, thật không dễ gì mà chúng ta hiểu hết lời Phật dạy đâu nếu chúng ta không có chánh tư duy, nghĩa là phải từ sự ly tham, ly sân và ly dục mà quán sát trở lại nội tâm mình. Với chánh niệm, chúng ta mới có thể ý thức được thực tại tâm ta đang hành pháp thiện hay pháp bất thiện. Trong kinh Pháp Cú câu 1, đức Phật dạy: "Manopubbangama dhamma/ Manosettha manomaya". Nghĩa là: tâm dẫn đầu các pháp/ Tâm làm chủ, tâm tạo tác.
Một nội tâm trong sạch thì suy nghĩ, lời nói và việc làm mới trong sạch, như thế là hành thiện pháp. Một nội tâm nhiễm ô thì cả suy nghĩ, lời nói và việc làm đều nhiễm ô như thế là hành bất thiện pháp. Trong tạng luận Vi Diệu Pháp, đức Phật dạy người chứng thánh quả A la hán thì tâm mới trong sạch. Như vậy là con người đang hành bất thiện pháp mà bản thân mình không hề nhận biết hay ý thức được, cứ nghĩ tưởng rằng mình đang hành thiện pháp. Cũng cần phải nói thêm rằng mỗi một hoàn cảnh và sự kiện xảy ra, một công tác Phật sự dù là thuận hay nghịch và một chuyến đi thực tế… là cho chúng ta thêm rất nhiều, rất nhiều kinh nghiệm để sống, để tu học và để phục vụ.
Để Phật pháp ngày càng xương minh thì đạo tràng phải được giữ gìn và phát triển không ngừng sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Mỗi một tiểu ban phải hoàn thành trách nhiệm của mình từ đời sống vật chất như khâu vệ sinh, nước sạch, âm thanh, ánh sáng, hương đăng, tri khách, ẩm thực, tài chánh v.v… cho đến đời sống tinh thần như giáo dục, nghi lễ, văn hoá, và hoằng pháp. Công tác nào cũng cần thiết và quan trọng nhưng đời sống tinh thần là vẫn thứ quyết định một nội tâm định tĩnh và sáng suốt. Nếu như một nội tâm đầy rối loạn và bất thiện thì dù cho vật chất có đầy tràn hay thừa mứa đến đâu đi nữa thì con người cũng không thể nào an lạc được. Ngược lại với một nội tâm trong sáng và thuần thiện thì dù vật chất có thiếu thốn thì con người vẫn có thể an ổn và hạnh phúc. Vì vậy, trách nhiệm chủ yếu của chúng ta là phải tự an tâm mình trước mới có thể giúp người an tâm khi họ có duyên đến với chùa chiền và giáo hội.
Trong các cách đối nhân xử thế, tạng kinh Nikaya, đức Thế Tôn dạy khi môi trường sống là thiện pháp đang thịnh hành thì các con nên nói trong chánh pháp, ngược lại khi môi trường sống là bất thiện pháp đang thịnh hành thì các con hãy im lặng trong chánh pháp. Và sau cùng, để có sự hiểu biết rõ ràng, sáng suốt, tự do, giải thoát thì các con phải biết buông bỏ luôn cả chánh pháp!
Một mùa Xuân nữa lại trôi qua nhưng những gì mà mùa Xuân đã để lại thuộc về giá trị tâm linh và đời sống tinh thần thì vẫn còn đó với nhiều hứa hẹn; Phật pháp trùng hưng, Tăng già hoà hợp và các Chúng đồng tu để cùng nhau hướng đến và trải nghiệm mùa Xuân bất diệt. Đó cũng chính là Niết bàn vô sanh diệt, tức bản thể thanh tịnh, bình đẳng của muôn pháp.