Thân chỉ ở tạm trong ta, ta mượn thân này để du ngoạn trần gian, và một ngày nào đó phải gửi trả lại. Thân ta còn không phải là của ta, khi rời bỏ thì hồn lìa khỏi xác, xác tan thành khói bụi, năng lượng ta có thể đứng nhìn thấy ta mà không thể nào níu kéo, thế thì thân này, thứ cùng ta từ phút đầu tiên tạo hình trong bụng mẹ, đến phút cuối cùng trút hơi thở trần gian, cũng đâu phải của ta. Ôi, huống chi là “nhà của ta”, “tiền của ta”, “chồng của ta”, “vợ của ta”, “bạn của ta”… làm gì có những khái niệm đó!
Cha mẹ sanh đẻ ra ta, nhưng ta là một cá thể riêng biệt. Phải chính ta đi tìm và thực hiện mục đích của cuộc đời mình. Cha mẹ chính là người giữ gìn ký ức lúc ta chưa thể nhớ, và là nguồn tham khảo, truyền cảm hứng cho con đường phía trước. Về bản chất, chính hai đấng sáng tạo ra ta, cha mẹ ta, cũng không phải của ta, và ta cũng không phải của họ. Chữ “của” tồn tại như một sự lừa mị cho lòng vị kỷ con người. Điều này giải thích cho việc khi một người thân yêu bỏ ta đi, ta thường đau buồn thương nhớ những cảm giác cùng nhau, kỷ niệm cùng nhau, họ đã giúp đỡ ta, họ đã chở che ta, họ đã thương yêu ta, giờ ta sợ một mình, sợ cô đơn, sợ không còn ai quan tâm lo lắng, sợ sự biến mất của những thói quen… Nhưng nếu biết được họ không bao giờ là của ta, ta sẽ bớt đi buồn khổ khi họ ra đi, để họ có thể nhẹ nhàng rời khỏi cuộc đời này… Cũng như việc một người nào đó dù rất tốt, nhưng ta không quen biết, thì không có cảm giác mất mát đau khổ đến như vậy. Bỏ đi cái ích kỷ của bản thân, chữ “của”, là bỏ đi được phần nhiều nỗi sợ hãi, sự lo lắng, và hoang mang cho cuộc đời mình rồi.
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự