Những thứ vòng vèo lên xuống kia đôi khi là do tự bản thân mình mà ra,hoặc lại do những tiếng điều mà ngoại nhân mang đến.
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện với vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
- Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
- Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tả như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ: Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu. Đang để cho chúng ta phải suy ngẫm.
Cuộc sống vốn dĩ không bao giờ cho phép con người được đi theo một đường thẳng cố đinh, cuộc sống là con đường vòng vèo, lên xuống buộc chúng ta phải vượt qua để có thể đi được đến đích, hạnh phúc trong tâm hồn và an lạc trong cuộc sống. Những thứ vòng vèo lên xuống kia đôi khi là do tự bản thân mình mà ra,hoặc lại do những tiếng điều mà ngoại nhân mang đến.
Nếu ở tự bản thân mình thì có thể nắn lại để tiếp tục đi nhưng những thứ do người ngoài đưa lại, dù vô tình hay cố tình, dù một người nói hay nhiều người đồn thì nó cũng không khác gì nọc độc của rắn rết, bén sắc tựa gươm đao, nó có thể giết người không thấy máu. Và thứ chùng chình kia của đời nhiều khi bỗng chốc biến thành ngõ cụt với người mà không thể tìm thấy đường ra.
Lời thị phi – nó nguy hiểm và đáng sợ là thế đấy sao vẫn cứ như nọc độc lây lan mà năm này qua năm khác, tháng nọ qua tháng kia nó vẫn cứ mãi tiếp diễn không thôi.
Sống trên đời ai cũng gặp phải những lời thị phi, không ai là tránh khỏi. “Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương” thì thử hỏi người phàm nhân như chúng ta thì làm sao tránh? Chỉ mong rằng con người ta được sinh ra trong cuộc sống này, có quyền được nói, được nghĩ và được phán xét về người khác thì hãy suy ngẫm cho kỹ thứ mình đang nói ra ngoài đời có phải là nọc độc hay là gươm mác đối với người khác hay không và hãy thử đặt mình vào họ thì sẽ như thế nào? Sống là để nhìn đời, để ngẫm mình chứ không phải là để biến những lời mình nói thành nọc độc với người. Qua cuộc đối thoại trên giữa Vua và vị Hạ thần đáng để cho chúng ta suy ngẫm biết dường nào?