Phải thừa nhận rằng, chưa bao giờ nạn sư giả lại xuất
hiện nhiều như hiện nay, nên có người phải thốt lên rằng "ra đường gặp sư
giả". Mà nói cho cùng thì thiên hạ có hoảng hốt la lên như thế thì cũng
không ngoa tí nào, bởi không chỉ lên chùa, lừa gạt, xin tiền bố thí của
"ông đi qua, bà đi lại" vào những ngày lễ lớn, các sư giả còn ồ ạt đổ
ra đường, đi khắp hang cùng ngõ hẹp để "làm ăn".
Rồi không chỉ
"xin" mà nhiều sư còn chơi chiêu kiểu "nhà chùa đang trong giai
đoạn sửa chữa, mong thí chủ ủng hộ". Rồi chìa cuốn sổ ra yêu cầu thí chủ
ký tên cùng với khoản tiền ủng hộ, sau đó sẽ được sư tặng lại một miếng sắt bằng
ba ngón tay màu vàng có in hình Phật. Tuy nói là ủng hộ tùy lòng hảo tâm, nhưng
nếu ai ủng hộ dưới hai mươi ngàn thì coi chừng bị chửi, ngay cả bản thân người viết
bài này cũng một lần bị như thế.
Chuyện là hôm đó đang ngồi đợi bạn gần một cây
xăng trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) thì có một sư giả không biết từ đâu "bang"
lại, ca bài "chùa đang xây dựng" và chìa ra cuốn sổ bảo tôi ký, thật
thà tôi cũng ký cho "sư" vui, ký xong sư chìa ra miếng sắt màu vàng
in hình Phật, rồi bảo tôi đưa tiền.
Móc ra 5.000 đồng đưa cho "sư",
thì sư từ chối, bảo: "Ít lắm là hai mươi nghìn". Tôi không đồng ý,
đòi trả lại thì "sư" liền chửi một hơi. Biết gặp phải sư giả, tôi
đành móc tiền trả cho xong chuyện.
Chị Bảy, chủ một cửa hàng trên đường Cộng Hòa, kể: "Mỗi
ngày ở khu vực này có đến vài kẻ giả sư đi xin, đảo một vòng thấy thu được kha
khá là phóc lên xe buýt đi khu khác liền. Sư gì mà nhảy lên xe buýt cứ như là
dân nhảy tàu".
Còn bà con sống trên Thăng Long (Hà Nội) cũng được một
phen cười ra nước mắt vì bắt gặp cảnh một bác xe ôm tống ba, chở hai kẻ giả dạng
nhà sư đến quán cầy tơ Nhật Tân để mua 1kg thịt chó hơn 200.000đ, để rồi phải
"đấu võ mồm" với nhau vì người đưa tiền ít, người đưa nhiều.
"Bây giờ có nhiều người giả sư không chỉ đi xin,
mà còn bán cả đồng hồ. Cách để nhận ra sư thiệt với sư giả đơn giản lắm, cứ thấy
sư nào đi như chạy, mắt nhìn dáo dác thì đích thị là sư giả", anh Giang,
hành nghề xe ba gác máy cho biết như thế.
Nạn giả sư tung hoành khắp nơi cũng phần nào làm xấu đi
hình ảnh những nhà tu chân chính. Và Thành hội Phật giáo TP.HCM đã phải lên tiếng
yêu cầu hệ phái
Nhưng cảnh làm cho hình ảnh nhà sư chân chính bị ảnh hưởng
nhiều nhất là chuyện các sư "không thèm ăn chay". 4 giờ chiều, tại một
ngã tư đèn xanh, đèn đỏ trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), tôi cùng nhiều người
khác đang dừng xe chờ đèn đỏ, bỗng một chiếc xe vàng từ đầu đến cuối, người điều
khiển xe "trong dáng dấp sư" cũng diện toàn màu vàng, nẹt ga và vượt
đèn đỏ như không hề có đèn đỏ.
Trước cảnh tượng lạ, nhiều bà con kẻ cười, người
bàn tán xôn xao. Thấy vậy tôi liền bám theo sư chạy hết đường Nguyễn Oanh; hình
như thấy có "đuôi", "y" liền dừng xe lại làm bộ móc điện
thoại ra gọi. Biết mình bị lộ, tôi cho xe chạy qua xe sư bình thường khoảng vài
trăm mét, liền dừng lại tìm nơi kín đáo quan sát, thì thấy "y" chạy
tàng tàng lên dòm ngó dáo dác hai bên đường như tìm ai, thì bất ngờ
"y" cho xe rẽ vào một… quán phở bò.
Ngoài việc đi xin, nhiều sư, ni cô giả còn moi tiền bá
tánh bằng việc bán nhang, tranh ảnh, kinh sách với giá cắt cổ. Vì vậy, mong bà con
nên đề cao cảnh giác sư giả, khi phát hiện báo cho Giáo hội Phật giáo và chính
quyền địa phương xử lý.
Nguồn tin: Tâm Phú (giacngo.vn)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự