Mỗi người đều có một túi tiền phúc phận, phúc cạn thì mệnh suy

Chủ nhật - 04/02/2018 21:16
Mỗi người sinh ra đều có một túi tiền. Người phúc đức lớn thì túi tiền lớn, sống vương giả; người phúc đức nhỏ hơn thì túi tiền vừa phải, sống cuộc sống bình thường; còn người không có phúc, sẽ phải lay lắt sống qua ngày.

Vào thời nhà Thanh, bên cầu Tiên Kiều ở Hàng Châu có gia đình họ Hứa, người ta đồn nhà Hứa gia có một con quỷ chuyên thắt cổ người. Sống cách đó không xa là một người làm nghề giết mổ tên Chu Thập Nhị, nghe nói nhà Hứa gia bị quỷ ám, Chu Thập Nhị đã liều lĩnh cầm dao đến đó ngủ qua đêm.

Sau canh ba, ánh nến biến thành màu xanh, quả nhiên có một bà lão tóc tai rũ rượi, mắt đỏ nanh vàng, cầm một sợi dây thừng tiến đến. Chu Thập Nhị đã chờ đợi cả đêm, vừa trông thấy quỷ bèn vùng dậy vung dao chém liên hồi. Nhưng dao đã chém đứt rồi, sợi dây trong chốc lát lại liền lại như lúc đầu. Chu Thập Nhị vẫn vung dao tới tấp, sợi dây thừng quấn trên dao, cứ đứt lại liền, liền rồi lại đứt.

Hai người giao đấu thật lâu, bà lão dần dần không còn khí lực, bèn nói: “Chu Thập Nhị, không phải là ta sợ ngươi, mà là vì ngươi vẫn còn phúc phận, còn mười lăm ngàn đồng nữa chưa đạt được. Cho nên ta tạm thời bỏ qua cho ngươi lần này. Đợi đến khi đạt được số tiền kia, ngươi sẽ biết Kim lão nương này lợi hại thế nào!”. Nói xong, bà lão cầm sợi dây thừng biến mất.

Chu Thập Nhị bước xuống lầu kể cho mọi người đầu đuôi câu chuyện. Nói rồi, Chu Thập Nhị còn chìa chiếc dao ra, chỉ cho mọi người thấy trên đó vẫn còn vương lại vết máu màu trắng đục, hơn nữa còn có mùi hôi nồng nặc.

Bẵng đi một thời gian, Chu Thập Nhị cũng không còn bận tâm tới chuyện con quỷ trong nhà họ Hứa nữa. Sau đó anh ta bán đi nhà ở, kiếm được mười lăm ngàn đồng. Đêm đó, Chu Thập Nhị quả nhiên qua đời.

Câu chuyện trên đã nói nên một đạo lý vô cùng sâu sắc: Con người đến thế gian đều có phúc đức, phúc đức ấy quyết định vận mệnh của mỗi người. Cho nên, lộc tàn thì mệnh tận, mà mệnh tận thì người vong.

Quỷ hồn của Kim lão nương không thể thắng, không phải vì bà ta không đủ sức, mà là vì Chu Thập Nhị vẫn chưa hưởng hết phúc lộc dương thế. Vậy nên ma quỷ nào cũng không thể làm trái với Thiên lý mà lấy mạng anh ta được. Sau này khi Chu Thập Nhị thu về vừa đủ mười lăm ngàn đồng, chính là phúc lộc đã dùng tận, quả nhiên màn đêm buông xuống liền chết.

Mỗi người sinh ra đều có một “túi tiền”


Con người đến thế gian đều có phúc đức, phúc đức ấy quyết định vận mệnh của mỗi người. Cho nên, lộc tàn thì mệnh tận, mà mệnh tận thì người vong. (Ảnh: Cheapflights)

Đúng vậy, mỗi người sinh ra đều có một túi tiền. Người phúc đức lớn thì túi tiền lớn, họ có thể trở thành tỷ phú hay bậc vương giả. Người phúc đức nhỏ hơn thì túi tiền vừa phải, đủ để sống một cuộc sống bình thường. Còn người có phúc phận ngặt nghèo thì có lẽ túi tiền là rất nhỏ, sẽ phải lay lắt sống qua ngày.

Nói đến đây ắt có người thắc mắc: Con người ta, giàu hay nghèo chẳng phải đều phải bỏ công sức lao động mới đạt được hay sao? Nếu nói rằng sinh ra đã có một túi tiền phúc phận, vậy thì sao còn cần phải lao động, cần phải nỗ lực cố gắng làm gì? Người ta cứ ngồi một chỗ mà hưởng cái phúc phận của mình, chẳng phải sẽ nhàn hạ hơn sao?

Nhưng ở đây có một vấn đề, đó là: Thiên lý! Nước chảy thì bèo mới trôi, gió lay thì cây mới động. Con người cũng vậy, phải có lao động, phải có sinh hoạt, xã hội cũng phải vận hành, đó mới là “trật tự” mà sinh mệnh cao cấp an bài cho con người. Người ta, mặc dù phải lao động, phải làm các việc khác nhau, nhưng kết quả như thế nào lại được quyết định bởi phúc phận họ mang theo bên mình.

Nếu không tin, bạn hãy thử ngẫm xem: Vì sao có người tài giỏi như thế, đa mưu túc trí như thế, nhưng làm ăn lại thua lỗ thất bát? Và cùng làm công việc ấy, nhưng vì sao có người chẳng cần tính toán lại liên tục phát lộc phát tài? Chẳng lẽ đó là “may mắn” hay “ngẫu nhiên” thôi sao? Ấy là bởi phúc phận của họ là khác nhau!

Đương nhiên, có một số người sinh ra trong nhung lụa, vừa chào đời đã thuộc tầng lớp thượng lưu. Những người này thật sự có mệnh cát tường, điều này từ trong Bát Tự có thể nhìn ra được. Nhưng số người này rất rất ít, họ đều là từ kiếp trước hoặc rất nhiều kiếp trước tu thành được phúc đức lớn, đưa đến kiếp này, chuyển đổi thành tỷ phú hay thân phận vương giả.

Toàn bộ xã hội, các ngành các nghề, đều đã được sinh mệnh cao cấp an bài. Người người đều trong số mệnh của mình mà sống, làm việc trong một giai tầng nhất định, đó là phúc phận từ kiếp trước, hoặc nhiều kiếp trước của mỗi người tạo nên.

Cho nên, nếu có người nóng lòng muốn “cải mệnh”, từ tầng lớp bậc trung lại muốn trở thành tỷ phú, họ có thể thông qua các thủ đoạn bất chính. Ví dụ như hối lộ, tham ô, buôn gian bán lận… họ cũng có thể làm được điều ấy. Nhưng vì trong mệnh của họ không có phúc đức lớn nhường ấy, cho nên họ chỉ tạm thời đạt được, cuối cùng rồi cũng phải mất đi. Rất có thể họ sẽ phải khuynh gia bại sản, phải mắc bệnh, gặp nạn, hoặc phải dùng tính mạng mà hoàn trả lại. Bởi phép tắc của vũ trụ, lực lượng vũ trụ sẽ cân bằng tất cả.

Chuyện này như trò đu dây, bạn có thể có cơ hội đạt được tiền tài, nhưng sẽ nhanh chóng trở lại vị trí ban đầu. Bởi vì trong số mệnh của bạn không có phúc đức lớn như vậy, dù đã nhận được cũng sẽ mất đi. Hết thảy tiền tài trong cuộc sống, hưởng thụ vật chất đều dùng đức của bản thân mà đổi lấy.


Tiền mang theo từ số mệnh là một hình thức tồn tại của đức, sinh có thể mang theo đến, chết có thể mang theo đi, tùy theo nguyên thần của người đó mà đi. (Ảnh: ĐKN)

Túi tiền trong số mệnh

Ở đây còn liên quan đến một vấn đề: Tiền mang theo từ số mệnh và tiền kiếm được trên thế gian là có bản chất khác nhau. Tiền mang theo từ số mệnh là một hình thức tồn tại của đức, sinh có thể mang theo đến, chết có thể mang theo đi, tùy theo nguyên thần của người đó mà đi. Một khi đem nó chuyển đổi thành tiền tài trong cuộc sống này, liền trở thành một đống giấy sinh không mang theo đến, chết không mang theo đi mà thôi.

Như vậy, một người trong cuộc sống cố gắng kiếm tiền, chẳng khác nào đem đức quý giá trên người mình chuyển đổi thành một đống giấy phế liệu không thể dùng ở không gian khác, giống như dùng vàng để đổi thành đá vậy.

Rất nhiều người vất vả cả một đời, số tiền kiếm được phần lớn lại chi tiêu vào việc mua biệt thự, thời trang mỹ phẩm và những thứ đồ xa hoa. Nhưng một biệt thự lộng lẫy ấy, có 70% diện tích là để đó không dùng; một phòng toàn quần áo hàng hiệu và trang sức đắt tiền, có 70% là không cần tới.

Cả đời dẫu kiếm được nhiều tiền hơn nữa, 70% là giữ lại cho người khác chi tiêu. Mà hết thảy những điều này, đều phải dùng thứ quý giá nhất trong sinh mệnh - đức - mà đổi lấy, điều đó có đáng hay không?

Xã hội hiện nay tồn tại một loại hiện tượng phổ biến, chính là mọi người đều hướng đến tiền, đều tiếp nối nhau kiếm tiền, hết thảy mọi hoạt động đều vây quanh tiền. Làm như vậy, trên thực tế chẳng khác nào vội vàng đem đức của mình tiễn đưa ra ngoài, đem đức trong sinh mệnh đổi thành tiền giấy, có thể đổi bao nhiêu liền đổi bấy nhiêu. Đổi không được nữa, đức dùng hết rồi, liền lừa gạt cướp đoạt, có khác chi liều mạng? Đây cũng một trong những nguyên nhân khiến xã hội trở nên hỗn loạn, nhân tâm suy đồi.

Chỉ khi con người không xem trọng tiền tài, kiếm tiền chỉ là một phương thức để duy trì cuộc sống, chứ không phải là mục đích duy nhất, thì đó mới là cuộc sống chính thường của con người.

Cho nên, cổ nhân luôn giảng đạo lý, dạy con cháu phải biết “hành thiện tích đức”, “tích đức, tích đức”, chứ có ai căn dặn con cháu phải nỗ lực kiếm tiền đâu? Hơn nữa, người xưa gặp trẻ thì yêu, gặp già thì kính, mà gặp người tu hành thì cung phụng bố thí, bởi họ biết đó cũng là làm giàu cho phúc đức, là gieo mầm thiện duyên đến đời sau.

Chỉ có ngày nay trong thời mạt Pháp này, nhân tâm suy đồi, thì mới có những thương gia đi lối cửa sau để làm giàu sau một đêm; lại có những quan tham không chỉ hối lộ tham ô, mà còn cướp mổ nội tạng, làm giàu bất chính cho bản thân. Đó mới là cách phung phí túi tiền phúc phận nhanh chóng nhất vậy.

Bậc thầy chuyên gia về phong thủy và toán mệnh ở Hong Kong là Tô Dân Phong đã từng nói một câu rất sâu sắc rằng: “Người ta thường hay nói ‘nhất Mệnh, nhì Vận, tam Phong Thủy’. Nhưng theo tôi, cần phải thêm vào hai yếu tố nữa là ‘tứ tích Phúc Đức, ngũ đọc Thư”.

Bởi vì, phúc phận của con người không phải do phong thủy, mà là từ “Đức”. Hành thiện, tích đức, cùng với việc đọc kinh thư hay sách thánh hiền sẽ làm giàu tâm hồn, đề cao đạo đức, làm thăng hoa cảnh giới của sinh mệnh mỗi người.

Theo ĐKN

Nguồn tin: Tinhhoa.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây