Xưa kia có một người đàn ông tên là Tô Thành, nhà ở huyện Châu Bình, thường hay làm việc thiện giúp đỡ người khác. Trên con đường cách ngôi làng Tô Thành đang sinh sống khoảng 10 dặm có một cây liễu rất to, cành lá xanh tươi tốt. Hầu hết mọi người khi đi qua con đường này thường hay ngồi nghỉ, hóng mát dưới gốc cây.
Năm đó, trời mùa hè vô cùng nóng bức. Tô Thành đi từ thị trấn về nhà, khi đi ngang qua cây liễu bèn dừng lại, cởi áo, bỏ mũ ra rồi ngồi xuống gốc cây hóng mát.
Lúc đó, có một cụ già bị mù lòa đi từ đằng Đông tới. Có điều lạ là cụ già ấy đi bộ rất nhanh, đến cả người tinh mắt cũng khó mà theo kịp.
Khi đến gần cây liễu, cụ già mù lòa này lẩm nhẩm: “Hôm nay thời vận thật là không tốt, đã qua cả nửa ngày rồi mà vẫn chưa kiếm được đồng nào. Đến giờ mới may mắn gặp được gốc cây này, tranh thủ ngồi nghỉ mát một chút. Nhân tiện mình phải bói cho cây cổ thụ này một quẻ, xem vận số của nó thế nào?”
Một lát sau, cụ già hoảng hốt nói: “Thật là khiến cho người ta phải thất vọng! Cây liễu này sắp bị chặt mất rồi, giống như bói quẻ cho người chết vậy!” Sau đó, ông cụ mù lòa vừa thở dài vừa chầm chậm rời đi.
Ban đầu, Tô Thành cho rằng ông lão mùa này nói năng nhảm nhí nên không để ý. Nhưng một lát sau, anh ta nhìn thấy một đám người xa lạ không biết từ đâu, người thì cầm cưa, người cầm rìu đi tới nói với Tô Thành đang ngồi dưới gốc cây: “Bây giờ chúng tôi phải chặt cái cây này đi rồi!”.
Tô Thành nghe xong vô cùng kinh ngạc, bèn hỏi: “Cây liễu này sinh trưởng bên cạnh đường, nếu như bây giờ mọi người chặt mất thì vào mùa hè trời nóng nực những người lữ hành qua đây sẽ không còn chỗ nghỉ chân hóng mát nữa.”
Những người đó lại nói: “Người chủ của cái cây này đã bán nó đi rồi, đâu con cách nào!
Tô Thành liền nói: “Tôi sẽ mua cái cây này với giá cao hơn giá cũ mà các anh mua để lấy chỗ dừng chân cho người đi đường. Các anh thấy như thế có được không?”
Những người kia đồng ý và nói: “Như vậy thì đương nhiên là được!” Họ hẹn nhau ngày hôm sau sẽ lập điều khoản mua cây và giao tiền.
Bây giờ, Tô Thành mới chợt nhớ lại lời nói của ông lão mù lúc trước mà thầm nghĩ: “Ông lão vừa rồi có thể biết trước được việc cái cây này sắp bị chặt, lẽ nào ông ấy là thần tiên sao? Nhưng nếu là thần tiên thì sao lại không thể bói ra được có người sẽ mua cái cây này?” Nghĩ vậy nên anh ta bèn vội vã đuổi theo ông lão mù kia.
Một lúc sau thì Tô Thành cũng đuổi kịp ông lão ấy, anh ta bèn hỏi: “Lúc nãy tiên sinh bói cái cây đó sắp bị chết, nhưng đâu có chuẩn?”
Ông lão mù nói: “Cậu nói không sai, ta cũng bói ra là nhất định sẽ có người mua cái cây đó, nhưng người tốt như vậy trên đời này quả thực quá hiếm, nên lúc đó ta không dám quả quyết nói ra”.
Tô Thành nói: “Người mua cái cây đó chính là tôi”.
Ông lão mù nghe xong lời này lập tức nói ngay: “Làm được việc tốt như vậy cho mọi người, cậu nhất định sẽ gặp nhiều chuyện may mắn, gặp dữ hóa lành”.
Tô Thành nói: “Vậy xin tiên sinh xem bói giúp cho tôi một quẻ, xem xem tương lai của tôi sẽ như thế nào? Xin tiên sinh chỉ điểm kỹ càng giúp!
Ông lão nói: “Những chuyện đó khoan hãy nói đến, bởi vì hôm nay cậu sẽ gặp tai họa. Nhưng nếu cậu có thể nhẫn được việc mà thiên hạ khó có thể nhẫn thì sẽ tránh được họa này”.
Tô Thành nghe nói hôm nay mình có tai họa nên liền vội vàng trở về nhà. Vừa về đến nhà, Tô Thành liền nhìn thấy vợ mình và một thanh niên trẻ đang nằm ôm nhau ngủ giữa ban ngày. Anh ta lập tức nổi cơn giận dữ, rút đao ra chuẩn bị chém chết 2 người. Nhưng ngay trong lúc đó, trong đầu anh ta lại nhớ tới lời căn dặn của ông lão mù lòa ban nãy, thế là anh ta bèn nhẫn nhịn mà nguôi giận. Một lát sau, anh ta vừa lay vợ dậy vừa nói: “Mau tỉnh dậy đi, là ai nằm ôm nàng ngủ giữa ban ngày thế này?”
Vợ Tô Thành tỉnh dậy bèn nói: “Lại còn không biết là ai sao? Chàng nghĩ xem còn ai có thể ngủ trên chiếc giường này nữa?”
Tô Thành nói: “Có thể ngủ trên chiếc giường này, ngoài nàng ra thì chỉ còn có ta và con gái chung ta thôi!”
Vợ Tô Thành liền nói: “Thì đúng là như thế. Sao chàng hỏi gì mà lạ vậy?”
Bấy giờ, Tô Thành mới cúi xuống nhìn kỹ lại, quả nhiên là con gái của vợ chồng anh ta. Trên mặt nở nụ cười, Tô Thành bèn hỏi: “Con gái chúng ta sao lại mặc quần áo của con trai thế này?”
Vợ Tô Thành nói: “Hôm nay là ngày sinh của thiếp, bởi vì chàng không có ở nhà, cho nên thiếp bèn cùng con gái đùa giỡn, giả mặc quần áo của con trai để chơi trò phu thê giao bái đó mà!”
Tô Thành lúc này mới nói: “Hôm nay mẹ con nàng suýt mất mạng dưới tay ta, may mà được một ông lão mù chỉ giáo nên mới tránh được tai họa to lớn này”.
Sau đó Tô Thành bèn kể lại rõ đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện cho vợ con nghe. Vì làm việc thiện nên năm đó vợ chồng Tô Thành cũng sinh thêm được một người con trai. Hai vợ chồng cùng sống rất thọ đến lúc có cháu nội mới qua đời.
Qua câu chuyện có thể thấy, nhờ có chữ Nhẫn, người ta mới đủ tỉnh táo và sáng suốt để không gây ra những lỗi lầm đáng tiếc.
Phật dạy rằng, Nhẫn là giữ thái độ hòa hiếu, hóa giải những phiền não do sự sân giận đem lại, và khi sân giận mang lại hầu như không có kết quả tốt đẹp như câu ngạn ngữ “giận quá mất khôn” mà chúng ta từng nghe.
Nếu không biết Nhẫn thì trong tâm hồn luôn giống như có ngọn lửa âm ỉ, chỉ chờ dịp để bùng lên thiêu cháy mọi thứ.
Nhẫn trở thành cách cư xử trong mối quan hệ giữa con người với con người và mối quan hệ giữa con người với mục đích, lý tưởng. Trong mối quan hệ giữa con người với con người, nhẫn là nhẫn nhịn. Trong mối quan hệ giữa con người với mục đích, lý tưởng, nhẫn trở thành nhẫn nại. Nhẫn chính là sự tu dưỡng đạo đức và tu dưỡng phẩm hạnh.
Phật đã từng bàn về Nhẫn qua mấy câu răn:
“Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường lo toan
Có khi nhẫn để xoay vần
Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa
Có khi nhẫn để vị tha
Có khi nhẫn để thêm ta, bớt thù
Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu
Hơn hơn, thiệt thiệt đường tu khó lường
Có khi nhẫn để vô thường
Không không, sắc sắc đoạn trường trần ai
Có khi nhẫn để lắng tai
Khôn khôn, dại dại nào ai tránh vòng
Có khi nhẫn để bao dung
Ta vui người cũng vui cùng có khi
Có khi nhẫn để tăng uy
Có khi nhẫn để kiên trì bền gan
Có khi nhẫn để an toàn
Có khi nhẫn để rõ ràng đúng sai
Bạn bè quan hệ nào ai
Có khi nhẫn để khinh người trọng ta
Xem ra cũng khó đó mà
Chữ Tâm, chữ Nhẫn ngẫm ra cũng gần”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự