Tâm trạng con người ta chỉ an lạc, bình yên khi biết thông cảm, tha thứ, buông xả những điều không vui trong các mối quan hệ thường ngày. Vì cuộc sống của chúng ta là một chuỗi móc xích tương quan và tương duyên với nhau.
Cũng giống như chiếc lá và cây. Chiếc lá không bao giờ nghĩ rằng nó có thể trả hết nợ ân tình của cây, khi nó đã hết lòng hấp thụ ánh nắng mặt trời để khổ công tinh chế nhựa thô thành nhựa luyện cho cây. Vì chiếc lá đã quan sát thấy được sự thật, là nó chưa bao giờ ngừng tiếp nhận tình thương yêu của cây. Dù cây có già cỗi cùng vẫn cố gắng cắm sâu những chiếc rễ xuống lòng đất, để hút khoáng về nuôi chiếc lá.
Mối tương quan và tương duyên đầy vi tế này cũng thể hiện trong mọi sự liên hệ giữa con người với nhau. Người này gặp gỡ ngày kia bởi một nhân duyên đưa đẩy, họ dến với nhau để làm tròn vẹn lẫn nhau, bổ sung ưu khuyết cho nhau, làm nổi bật cá tính nhân cách của nhau lên.
Ví dụ như, nếu không có những người tự tin quá mức tiếp xúc với ta, thì làm sao sự tự tin đôi khi đi vắng lại quay về trong ta lúc cần? Cho dù mức độ tự tin rất cao ấy làm ta không dễ chịu, nhưng bạn tự tin lây theo họ, vậy đâu phải sự khó chịu nào cũng tiêu cực? Nếu quán xét sâu sắc hơn, ta chợt hiểu vì sao sự tự tin đôi khi lại lên cao quá mức bình thường ở một số người ta gặp.
Sự tự tin trên mức bình thường ấy có thể nhìn thấy qua sở thích thể hiện bản thân. Không phải tự nhiên một người thích thể hiện bản thân.
Sao bạn không thể nghĩ, vì họ vừa trải qua một nỗi mất mát lớn lao về tinh thần, họ cảm thấy lòng mình chông chênh, trống vắng, hoang hoải, mà không ai có thể làm đầy khoảng trống thiếu vắng mất mát trong lòng họ ngoài chính họ, bằng cách lên dây cót tinh thần chính mình, rằng họ tự tin vào bản thân và sống tốt để cho mọi người hiểu là họ vẫn ổn.
Nhưng nếu nỗi đau quá sâu, khoảng trống trong lòng ngày càng lớn, thói quen tự tin càng có xu hướng đi lệch quỹ đạo và ra ngoài tầm kiểm soát. Bạn không nên có ác cảm với họ, mà nên phát tâm chân thành giúp họ hòa nhập vói các hoạt động giao lưu, rèn luyện kĩ năng sống, để họ tái định vị mình đang đứng ở đâu.
Vì suy cho cùng, sự tự tin trên mức bình thường của người khác không ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, bạn không cần chấn chỉnh họ, mà cần phải có sự sẻ chia xuất phát từ lòng thông cảm, với trái tim hiểu biết và tình thương chân thật nhất, để cuộc sống ngày một hoàn thiện và thăng hoa đến con đường Chân Thiện Mỹ.
Thời đức Phật còn tại thế, có những thế lực chống đối đức Phật như Ma vương, giới Bà la môn, Đề Bà Đạt Đa người em họ muốn giết Phật bằng mọi cách, đức nhẫn và hạnh từ bi hỷ xả của đức Phật và Tăng đoàn lại càng tỏa sáng:
Một lòng hỷ xả từ bi
Mặc ai phỉ báng phước liền về ta
Đạo cao nên mới nhiều ma
Đức dày mới có người ta báng bài
Ngày nào chẳng có thị phi
Tai không nghe tới vậy thì như không
Nhiều nước nên mới thành sông
Nhiều người phỉ báng nên công tu hành
Vì Đạo nên chịu cam chanh
Vì có kẻ dữ người lành mới nên.
Vậy nên, mọi người đến với ta, dù họ mang lại cho ta những cảm giác, ấn tượng tốt đẹp dễ chịu, hay là cảm giác ngược lại, thì ta cũng nên cảm ơn họ vì tất cả.
Vì quả thật, họ chẳng mang lại cảm giác dễ chịu hay khó chịu nào cả, cảm giác đó là do tự bản thân cái tâm vô thường nó phát khởi lên.
Những người làm ta có cảm giác dễ chịu hay khó chịu thật ra đều như nhau. Không có ai là kẻ thù bên cạnh người thân thích, cũng không có ai là người thân thích bên cạnh kẻ thù.
Chỉ có người chưa thông cảm với ta bên cạnh những người đã thông cảm. Tại sao ta không nên coi người khác là thù địch, chống đối và không nên xa lánh họ?
Theo lời dạy của đức Dalai Lama “về phương diện nào đó, việc có một kẻ thù là điều hết sức tệ hại. Nó gây rối cho sự bình lặng trong tâm hồn, và phá hỏng một số điều tốt đẹp trong ta. Thế nhưng, nếu chúng ta nhìn nó từ một góc độ khác, chỉ một kẻ thù không thôi cũng mang đến cho ta cơ hội để hành tập sự an nhẫn.
Bởi chúng ta đâu có biết hết con người trên trái đất này, do đó chúng ta ít có cơ hội để có được chữ nhẫn. Chi có những người chúng ta biết, là những người gây ra những điều phiền toái cho chúng ta mới thật sự tạo cho chúng ta dịp tốt để hành tập sự nhẫn nại và khoan thứ.
Do đó kẻ thù chính là một ông thầy quý báu. Bằng cách suy nghĩ theo dòng luận giải như vậy, bạn có thể dần dần làm giảm đi các cảm xúc tiêu cực”.
Những cảm xúc tiêu cực đó có thể là những giận hờn, thương ghét, buồn phiền. Bạn có nhớ chăng, mỗi khi bạn nổi cơn giận thì trí khôn ngoan của bạn liền đó bị lu mờ. Đôi thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, họ sẽ mù quáng khi gặp nghịch cảnh buộc phải lìa nhau. Khi bạn ghét ai, dù người ấy đưa ra ý kiến rất hay, bạn cũng không thèm nghe.
Đó, bạn thấy rồi, phiền não che đậy khiến con người mê tối, nên trước tiên bạn cần gạt bỏ nó. Bạn sống thản nhiên và bình tĩnh một chút, trí tuệ trở về với bạn.
Trí tuệ cần thiết với cuộc sống an lạc của chúng ta như căn phòng cần có cửa sổ để đón ánh sáng mặt trời vào. Căn phòng sáng hay tối hoàn toàn phụ thuộc vào cửa sổ, không phụ thuộc vào mặt trời.
Nếu như, trong cuộc sống, đôi khi:
“Trước công chúng, người sinh ác ý
Nói xấu ta, móc mọi lỗi lầm
Tâm tỉnh thức, ta coi là Thầy, bạn
Cung kính cúi đầu – ấy hạnh Bồ đề”
Bạn có thể ứng xử một cách đầy an nhiên và tự tại như vậy không? Tôi tin là có. Vì người nào khen chúng ta, họ có lẽ chỉ là người dưng xã giao buổi đầu gặp mặt, còn ai chê ta để chúng ta nhận ra lỗi sai của mình đê tự mình tiến bộ, người đó là bạn ta, vì họ muốn tốt cho chúng ta.
Nếu chúng ta đủ trải nghiệm, hoàn toàn có thể nhận ra những thiện chí đằng sau sự thẳng thắn, và những điều thật nhân văn ẩn sâu trong những va chạm không mong đợi trong cuộc sống.
Thái độ đó được gọi tên là sự cảm thông. Cảm thông là cái làm cho ta đời ta có ý nghĩa. Nó là niềm hạnh phúc và niềm vui vô tận. Nó là nền tảng của một lòng hảo tâm, tấm lòng của một người làm vì nguyện vọng giúp đỡ tha nhân.
Qua lòng nhân ái, tình thương yêu, qua sự chân thành, qua đối đãi chân thật, công bằng với tất cả tha nhân, chúng ta đảm bảo lợi ích của mình – đó là hạnh phúc của một trạng thái tâm an lạc.