Có rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành xung quanh khái niệm mang tính tương đối của loài người - hạnh phúc. Thực tế, hạnh phúc chứa đựng nhiều bí ẩn thú vị hơn ta tưởng.
Thời tiết ấm áp thường dễ khiến con người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Được thừa hưởng những gen tốt cũng giúp con người dễ dàng cảm thấy vui vẻ trong cuộc sống. Gen giúp quyết định 50% cảm nhận của bạn về cuộc sống, 50% còn lại được quyết định bởi cách hành xử và hoàn cảnh sống của mỗi chúng ta.
Những ông chồng có vợ đẹp cũng dễ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Đừng tiếc vài phút đứng trước một cửa hàng hoa bởi hương hoa có thể giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Đồng thời hương hoa cũng kích thích những giao tiếp xã hội.
Hãy hạn chế dùng trang phục tối màu, sử dụng nhiều gam màu sáng, đặc biệt nên có một chút sắc vàng bởi những người vui vẻ, hạnh phúc thường thích gam màu này.
Hãy trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Việc trở nên tài giỏi trong một lĩnh vực, thành thạo một kỹ năng, có thể giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Hãy cho đi nhiều hơn bởi con người thường cảm thấy hạnh phúc một cách nhanh chóng và dễ dàng khi đem lại niềm vui cho người khác. Đơn giản như việc bạn mua một món quà để tặng cho người mà bạn yêu quý thường đem lại cảm giác dễ chịu, mãn nguyện hơn hẳn khi bạn tự mua quà cho chính mình.
Hãy chăm đi mua vé xem phim, vé xem đá bóng, vé nghe hòa nhạc… Cùng là bỏ tiền ra mua, nhưng mua những tấm vé này đem lại nhiều cảm xúc tích cực hơn việc bạn sử dụng cùng số tiền đó để mua cho mình một món đồ.
Hãy nghe nhạc nhiều hơn. Việc nghe nhạc, đặc biệt là nghe những nhạc phẩm vui tươi sẽ giúp cảm xúc của bạn được thăng hoa. Đồng thời, não bộ cũng được kích thích hoạt động khi bạn nghe những nhạc phẩm mới.
Càng nhiều tuổi, con người càng dễ dàng cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Những người đã kết hôn thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người sống độc thân. Những người đã tốt nghiệp Đại học thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người không có bằng cấp. Những người có niềm tin tôn giáo dễ hạnh phúc hơn những người vô thần.
Hạnh phúc dễ lan tỏa. Những người xung quanh ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên cách ứng xử, cách lựa chọn và cảm nhận của ta về cuộc sống. Cảm giác cô đơn hay hạnh phúc, khả năng cai thuốc lá hay nguy cơ mắc chứng béo phì… thực tế chịu khá nhiều tác động từ những người xung quanh.
Hai người yêu nhau nếu có mức độ hạnh phúc ngang nhau, mối quan hệ sẽ bền chặt. Ngược lại, nếu một người hạnh phúc hơn hẳn người còn lại sẽ khiến hình thành nên khoảng cách. Khoảng cách càng lớn, khả năng chia tay càng cao.
Mua sắm có tác động rất lớn tới tâm trạng. Khi bạn đang vui vẻ và quyết định đi mua sắm, bạn có thể sẽ còn cảm thấy vui hơn nữa. Ngược lại, khi bạn đang buồn bực và quyết định đi mua sắm để giải tỏa nỗi buồn, thực tế, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu nhiều hơn nữa.
Những người sống hòa đồng, giao tiếp xã hội rộng rãi thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người thường xuyên ở một mình, ít giao tiếp. Tuy vậy, những người hay giao tiếp chưa chắc đã hạnh phúc nếu họ hay nói những chuyện tào lao, thậm chí nói xấu người khác. Những người hạnh phúc thực sự là những người hướng câu chuyện của mình vào những chủ đề có ý nghĩa, tránh tranh cãi.
Tốc độ suy nghĩ có ảnh hưởng nhất định tới cảm xúc của bạn. Những người suy nghĩ nhanh thường cảm thấy tích cực, lạc quan hơn trong cuộc sống.
Những người hạnh phúc cảm thấy hài lòng với công việc của mình. Mối quan hệ tương hỗ giữa cảm giác hạnh phúc trong công việc và sự thỏa mãn trong cuộc sống là hoàn toàn có thật. Tuy vậy, không phải sự nghiệp hoàn hảo khiến người ta cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống mà chính thái độ lạc quan, tích cực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định sự hài lòng, thỏa mãn trong công việc.
Luôn hy vọng, luôn hứng khởi, lạc quan cũng không hẳn là một điều hay. Từ lâu, những người nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đã biết tới một khái niệm là “mặt tối của hy vọng”. Đôi khi, việc con người cảm thấy mệt mỏi, chán nản lại dễ khiến người ta tìm được những hạnh phúc giản dị trong cuộc sống.
Và nỗi buồn cũng có những tác dụng của nó. Khi buồn người ta thường có xu hướng lật đi lật lại một vấn đề tiêu cực trong tâm trí. Việc dằn vặt bản thân như vậy thường kích thích trí não phân tích vấn đề mạch lạc hơn, từ đó, giúp đưa lại những giải pháp hiệu quả.